Thầy kính yêu ơi - Công ty TNHH Tam Hùng

Thầy kính yêu ơi

Thứ hai - 14/01/2013 07:29
Bài học quan trọng và quí giá đối nhất đối với cuộc đời tôi chính là tình yêu thương của người thầy đối với học trò và nhân cách đời thường giản dị mà gần gũi học trò của người thầy chứ không phải là những kiến thức trên sách vở mà thầy đã dạy tôi vì những điều đó cho dù không có thầy dạy tôi thì tôi cũng có thể tự tìm được trên sách vở nhưng tình yêu thương và lòng tận tụy của người thầy đối với học trò thì chỉ có người thầy mới có.

Thấm thoắt cũng đã gần ba mươi năm rồi tôi chưa có dịp quay trở lại Trường Tiểu học Cơ sở Vĩnh linh nơi tôi đã từng học lớp hai ở đó.

Tôi vẫn nhớ như in những tháng ngày gian truân và vất vả nhất của cuộc đời tôi và những ngày của tuổi ấu thơ không được vô tư như lũ bạn cùng lứa bởi tuổi thiếu thời của tôi phải chịu sự xa vắng của người mẹ và phải sống trong một tập thể của những người lớn tuổi mà họ phải bận bịu nhiều công việc không có thời gian quan tâm đến chúng tôi.

Ngay cả bố tôi cũng vậy, bố tôi thường phải đi công tác xa, ít khi ở nhà để có thể chăm lo cuộc sống hàng ngày cho chúng tôi khi mà cả ba anh em chúng tôi chưa đến tuổi để tự lo được cho bản thân mình.

Điều mà mọi người trong cơ quan của bố tôi có thể quan tâm được cho chúng tôi là những bữa ăn khá nhất có thể so với tất cả mọi người:

Mọi người đều dành cho chúng tôi những miếng ăn ngon nhất trong những bữa ăn mà thôi.

Chúng tôi hãy còn thơ dại nên vẫn thường nghịch bẩn, quần áo lẫn người ngợm chúng tôi lúc nào cũng lôi thôi lếch thếch và hôi hám. Mẹ tôi không khỏi chua xót khi trở về với chúng tôi:

Mẹ tôi không thể trách bố tôi và cũng không thể trách cứ bất kỳ ai, mẹ tôi chỉ biết trân trân nhìn lũ con nhếch nhác bẩn thỉu và đói khát mà khóc chừng như cho khô kiệt hết nước mắt thì mới thôi.

Tôi đã sống qua những năm tháng không có mẹ nên tôi hiểu được những đứa trẻ không có mẹ phải khổ sở đến mức nào nhưng kỳ lạ thay vì trong những ngày tháng ấy tôi vẫn không biết rằng mình đang phải chịu sự cơ cực vì điều đó bởi vì lúc đó chúng tôi hẵng còn quá dại khờ chưa đủ hiểu được thế nào là bất hạnh.

Cho đến khi đã qua rồi những ngày tháng ấy tôi mới biết rằng mình đã cam chịu một cuộc sống bất hạnh ở cái tuổi mà lẽ ra phải được nâng niu đùm bọc trong vòng tay thân thương của người mẹ.

Lúc ấy chỉ có một niềm bất hạnh lớn nhất mà chúng tôi có thể cảm nhận được là cái đói, cái khát và cái rét mỗi khi đông về. Còn nỗi nhớ mẹ có lẽ không tồn tại khi mà những thứ ấy luôn hành hạ chúng tôi:

Chúng tôi không đủ nhận thức rằng, phải có mẹ thì chúng tôi mới có thể no ấm nhờ có bàn tay tảo tần và chắt chiu của người mẹ...

Mặc dầu cái đói, cái khát và cái rét luôn hành hạ tôi nhưng tôi vẫn không quên những ngày đến trường. Có thể nói, được đến trường vẫn là hạnh phúc nhất trong cuộc đời của những đứa trẻ như chúng tôi. Nó giúp tôi quên đi tất cả sự đói khát và mọi bất hạnh của tuổi thơ ấu...

Khi ở trường, trước sự vô tư của những đứa bạn cùng lớp cùng trường, tôi như được hoà mình trong đó và cùng vui chung với niềm vui của bạn bè. Cuộc sống càng như mở ra trước mắt tôi khi được nghe thầy cô giáo giảng những bài học mới.

Tôi không hiểu ngay tự khi nào tôi đã cảm thấy ham học, tôi luôn thèm khát được nghe thầy giáo giảng những bài học mới. Sự ham muốn học hỏi của tôi đã khiến cho tôi cảm thấy thực sự ăn năn khi một lần tôi bị thầy giáo đuổi ra khỏi lớp vì một trò nghịch ngợm của tôi:

Có một lần, cơ quan của bố tôi bị mất Sổ mua gạo, các cô các chú trong cơ quan nghĩ rằng tôi đã mang giấu cuốn Sổ mua gạo để chơi nên đã đánh mắng tôi. Thật sự vì tôi không lấy nên không có cách nào khác, các chú trong cơ quan liền báo với Nhà trường để nhờ Nhà trường có biện pháp phối hợp các cô các chú tìm lại quyển Sổ mua gạo.

Thực tình mà nói ở cái tuổi lên năm lên sáu thường hay nghịch ngợm đủ điều, không chỉ tôi mà bất kỳ một đứa trẻ nào cũng tìm cách lấy một thứ gì đó của người lớn để làm đồ chơi, tôi cũng vậy, tôi vẫn hay lấy phụ tùng xe đạp của một chú trong cơ quan của bố tôi để chơi. Chú ấy đã phải mách bố tôi về điều đó và bố tôi đành phải đền tiền cho chú ấy để mua lại thứ khác...

Nhưng còn đối với quyển Sổ mua gạo thì tôi lấy nó mà làm gì cơ chứ!?  Quyển Sổ mua gạo bị mất đúng lúc bố tôi đi công tác vắng và lâu ngày, lúc đầu thì tôi bị các cô các chú trách mắng, tôi vẫn cố thanh minh nhưng không ai tin tôi cả, tôi biết phải làm thế nào?

Cuối cùng thì tôi bị no đòn... những trận đòn trút lên thân thể của một đứa trẻ trong lúc không có cha lẫn mẹ bên cạnh cùng với nỗi oan ức không được giãi bày, tôi cảm thấy uất ức và bất hạnh vô cùng...

Có lẽ đó là sự đau đớn nhất trong cuộc đời của tôi, tôi có thể cam chịu sự đói khát và cái rét cũng như bao nhiêu bất hạnh khác trong đời nhưng bị người khác đánh đập một cách oan ức thì đó là một sự tàn nhẫn nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ phải cam chịu... Đó cũng chính là hành vi bạo lực đối với trẻ em mà thời đó tôi đã phải hứng chịu!!!

Nhưng rốt cuộc tôi cũng không thể trách họ bởi vì vào thời đó Sổ gạo là cả một gia tài, đến nỗi câu nói cửa miệng ‘mất sổ gạo’ đã trở thành một thành ngữ vào thời đó để chỉ bất kỳ ai bị mất một thứ đó gì đó rất có giá trị và cho dù có giá trị đến mấy thì cũng không bằng cái Sổ gạo.

Thầy Hiệu trưởng nhận được tin báo liền gọi tôi lên Ban Giám hiệu trách mắng và nói rằng sẽ đuổi học tôi mặc tôi thảm thiết khóc lóc. Tôi cảm thấy thất vọng vô cùng nếu bị đuổi học thật sự và cảm thấy  rằng mẹ tôi sẽ đau buồn khi trở về và biết tôi đã bị đuổi học.

Thầy Chủ nhiệm của tôi cũng biết tin và được mời đến muộn hơn để nhận kỷ luật về tôi.

Thầy nói nhỏ với thầy Hiệu trưởng vài câu và ngồi xuống bên cạnh tôi, thầy kéo tôi vào lòng và vuốt mớ tóc rối bù hôi hám của tôi rồi sửa lại áo xống vừa lôi thôi lếch thếch vừa bẩn thỉu của tôi vì thiếu bàn tay săn sóc của một người mẹ rồi thầy nói nhỏ nhẹ rằng ‘thầy rất tin em, em không lấy quyển Sổ gạo đó, thầy đã thưa với thầy Hiệu trưởng để em không bị đuổi học’.

Nghe đến đó, tôi càng khóc to hơn vì sung sướng và vì được thầy hiểu rõ nỗi oan ức của tôi, nước mắt tôi tuôn ào ào như xối khiến áo thầy ướt đẫm.

Những ngày tiếp theo tôi vẫn được đến trường, một lần tôi bị điểm 3 vì một bài tập viết, chữ viết của tôi quá xấu. Tôi cảm thấy buồn bã vô cùng và cuối buổi tôi vẫn ngồi lại ở lớp không buồn về nhà.

Thầy Chủ nhiệm thấy vậy bèn đến bên cạnh tôi khuyên giải, động viên rồi lấy bút mực và giấy vở ra dạy bảo tôi cách viết từng ly từng tí cho đến tối mịt thì thầy và tôi mới ra về.

Trong những ngày tháng đó, ở tuổi ấu thơ của tôi, tôi chỉ mới cảm nhận được lòng tốt của thầy Chủ nhiệm ở một phương diện trực tiếp, chưa thể nhận thức được những tình cảm sâu xa của thầy đối với tôi.

Trong thâm tâm, tôi luôn nhận thức rằng ‘bài học quan trọng và quí giá đối với cuộc đời tôi chính là tình yêu thương của người thầy đối với học trò và nhân cách đời thường giản dị mà gần gũi học trò của người thầy chứ không phải là những kiến thức trên sách vở mà thầy đã dạy tôi vì những điều đó cho dù không có thầy thì tôi cũng có thể tự tìm được trên  sách vở nhưng tình yêu thương và sự gần gũi của thầy đối với tôi thì chỉ có thầy mới có’!

Cho đến bây giờ, khi tôi đã thực sự thấu hiểu được tình cảm sâu xa của một người thầy đối với một đứa học trò nhỏ thì tôi đã xa cách không biết bao giờ có thể gặp lại được thầy hay không.

Thầy kính yêu ơi, giờ đây thầy đang ở nơi đâu?

 

 

Vĩnh linh 1977

 

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết