Bố về phép

Những con người biết hy sinh cho nhau đã làm nên một đất nước và một dân tộc bất khuất; Một dân tộc bất khuất lại sinh ra những con người anh hùng.

Buổi trưa, toàn trường của mẹ tôi nhận được tin trường học mà mẹ tôi đang dạy học sẽ bị đánh bom toạ độ ngay tối hôm đó thì cũng ngay trong ngày hôm đó mẹ tôi nhận được tin bố tôi được về nước nghỉ phép và sẽ ghé thăm mẹ tôi vào chiều hôm đó.

Toàn trường báo động khẩn cấp, mọi người đều hết sức khẩn trương thu dọn tất cả những gì có thể để chuẩn bị sơ tán. Mẹ tôi một phần vừa chuẩn bị cho việc sơ tán và một phần cũng mong ngóng chờ bố tôi về.

Khoảng năm giờ chiều, tất cả các học sinh và cán bộ có con mọn đều đã được ưu tiên sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, những người có sức khoẻ  thì xung phong ở lại tham gia chiến đấu hoặc rút lui sau cùng. Mẹ tôi cũng xin ở lại tham gia chiến đấu vì chiều tối nay bố tôi sẽ về và ghé thăm mẹ tôi, mẹ tôi sợ rằng bố tôi vừa ở xa về, lúc trên đường đi không thể nghe được thông báo về trận ném bom toạ độ vào lúc tối nay nên có thể không cẩn trọng đề phòng.

Thời gian cứ khắc khoải trôi qua, trong lòng mẹ tôi càng trở nên bồn chồn và khi trời đã gần tối, những người sơ tán cuối cùng đã đến và khuyên mẹ tôi hãy đi cùng với mọi người. Mẹ tôi nhăn nhó khổ sở trả lời:

‘Các anh các chị cứ đi đi, em phải ở lại để chờ anh ấy và sẽ đi cùng anh ấy đến nơi sơ tán. Vì anh ấy đã hẹn với em là chiều nay, chậm nhất là chập tối nay anh ấy sẽ về nên em sẽ cố gắng đợi!’;

Mọi người ái ngại lựa lời:

‘Thời buổi chiến tranh này, phương tiện khó khăn, đâu có thể nói rằng hôm nay về là sẽ về được ngay đâu, có khi vài ngày thậm chí hàng tuần sau mới về được cũng nên... đừng quá lo lắng và đừng nên tiếp tục chờ đợi anh ấy trong lúc nguy hiểm lúc này’;

Mọi người nói thêm:

‘Với lại, thời gian này bọn biệt kích và thám báo thường hay nhảy dù, bọn chúng rất tạo tợn và liều lĩnh...’;

Mẹ tôi nói:

‘Chiến tranh cũng đã quá nhiều rồi, em cũng đã quá quen rồi, ở đây cũng còn có thêm nhiều đồng đội nên em không sợ. Trong trường hợp nếu anh ấy về kịp thì em sẽ đi sơ tán cùng anh ấy. Vạn nhất anh ấy không về kịp thì em sẽ chiến đấu cùng dân quân tự vệ!’;

Mọi người đành phải căn dặn và nhắc nhở mẹ tôi cẩn thận.

Mẹ tôi khoác khẩu súng trường mà mọi người giao cho lên vai và gật đầu. Mọi người lặng lẽ khuất xa dần trên con đường trước cổng trường. Một mình mẹ tôi vẫn ở lại, mẹ tôi nhìn xung quanh hai bên vệ đường chi chít những hố bom chen lẫn với các hầm công sự dã chiến chỉ mới được làm rất khẩn trương trong hai ngày vừa qua.

Phía xa xa, chỉ lác đác vài anh dân quân và bộ đội địa phương chạy đôn chạy đáo để chuẩn bị chiến đấu và sẵn sàng truy kích bắt bọn biệt kích và phi công nhảy dù...

Người người ra đi, chỉ còn một số rất ít người ở lại, một không khí vừa tất bật hối hả vừa rất trống trải khiến mẹ tôi cảm thấy nôn nao bồn chồn như thuở nào bị nghén...

Vì nhận được thông báo rất gấp và không xác định được rõ mục tiêu sẽ bị đánh bom nên không thể xác định được những địa bàn cần phải sơ tán. Trong khi chờ đợi những thông tin cần thiết tiếp theo liên quan đến mục tiêu đánh bom, các đơn vị Quân đội, dân quân dân địa phương đã khẩn trương đào thêm một loạt các hầm trú ẩn mới để phòng khi không thể sơ tán được.

Sau khi nhận công tác chiến đấu ở Ban chỉ huy Quân sự dã chiến, mẹ tôi chọn một hầm trú ẩn cách cổng trường chừng hai trăm mét để có thể quan sát dọc con đường và cổng trường vì bố tôi có thể trở về từ một trong hai phía của con đường chạy ngang trước cổng trường.

Mẹ tôi thầm mong rằng nếu bố tôi trở về, mẹ tôi cùng với bố tôi sẽ chiến đấu với lũ giặc lái.

Trong thời chiến tranh ác liệt, vật chất thiếu thốn trăm bề, không những mẹ tôi và bố tôi mà bất kỳ ai trong thời đó cũng đều không màng về vật chất mà chỉ có tình cảm mới gắn chặt những con người với nhau. Tuy rằng, bố tôi và mẹ tôi đã có với nhau ba mặt con, nhưng thời gian mà mẹ tôi và bố tôi được sống chung với nhau chỉ vẻn vẹn ba kỳ nghỉ phép của bố. Mặc dù vậy mẹ tôi và bố tôi sẵn sàng hy sinh cho nhau để bảo vệ cho người mình yêu và thương nhớ...

Những con người biết hy sinh cho nhau đã làm nên một đất nước và một dân tộc bất khuất.

Một dân tộc bất khuất lại sinh ra những con người anh hùng.

Khi về đến Thị xã, bố tôi nhìn đồng hồ lúc ấy cũng đã khoảng chín giờ tối, bố tôi lọc cọc với chiếc xe đạp Thống nhất từ Thị xã đi dọc con đường đá răm theo hướng Tây để về Trường của mẹ tôi. Cũng như mọi con đường khác trong thời chiến tranh, con đường này thương tích đầy mình với chằng chịt các ổ gà và các hố bom lấp dở nên tuy rằng từ Thị xã đến Trường của mẹ tôi chỉ non mười cây số nhưng quả là một chặng đường dài và rất vất vả, chiếc xe đạp dường như có thể đếm được từng chiếc nan hoa khi đi trên con đường ấy, không thể đi nhanh hơn được mặc dù bố tôi rất nóng lòng cố hết sức lực đang thời trai trẻ cường tráng để đi cho nhanh.

Đúng như điều mẹ tôi lo lắng, suốt dọc đường bố tôi không hề được báo tin về trận ném bom tối hôm ấy tại trường mẹ tôi. Bố tôi cứ mải miết với chiếc xe đạp trên con đường nhỏ chạy xuyên giữa các đồng ruộng và làng xóm, chốc chốc những khóm tre mọc hai bên đường loà xoà như chắn cả đường đi làm bố tôi khó khăn lắm mới khỏi bị gai tre cào xước.

Đã gần chín giờ rưỡi, mặc dù trời đã tối nhưng không hẳn là đã khuya, những làng xóm xa xa hai bên đường đều tối om, không một ánh đèn, chỉ có một thứ ánh sáng mờ nhạt từ trong khoảng trời bao la úp xuống vạn vật chỉ đường cho bố tôi. Xung quanh vắng lặng như tờ, tịch không có lấy một bóng người. Bố tôi có cảm giác như đang đi vào một cõi xa xăm nào đó...

Một cảm giác ghê rợn như một cơn gió lạnh bỗng chạy dọc xương sống của bố tôi. Bằng kinh nghiệm của một người từng đã trải qua những miền có chiến tranh và linh cảm như mách bảo cho bố tôi biết rằng sắp sửa có một trận ném bom khủng khiếp sẽ giáng xuống nơi đây, mọi người đã đi sơ tán, nơi đây chỉ còn lại một mình bố tôi đi trên con đường này và nó sẽ dẫn bố tôi tới tử địa.

Bố tôi thoáng rùng mình và định quay trở ngược về Thị xã, bởi khi rời Thị xã, bố tôi vẫn nhìn thấy le lói vài ánh đèn chứng tỏ ở Thị xã không phải là mục tiêu ném bom hoặc ở đó vẫn còn lại những đơn vị chiến đấu, bố tôi sẽ tham gia vào đơn vị chiến đấu ở đó...

Bố tôi xem lại đồng hồ, chiếc kim đồng hồ dạ quang trên tay bố tôi đã chỉ sang mười giờ kém. Bố tôi thầm nghĩ, nếu quay lại cũng không kịp, bởi nhiều lá thư mẹ tôi gửi cho bố tôi trước đó có kể rằng máy bay Mỹ thường hay ném bom vào khoảng mười giờ tối. Hình bóng mẹ tôi như hiển hiện ra trước mắt bố tôi sau những tháng ngày xa cách khiến bố tôi quên hết mệt mỏi và nguy hiểm. Bố tôi vẫn tin rằng mẹ tôi vẫn đang chờ đợi bố tôi về ở đâu đó gần đây thôi, bố tôi lấy hết sức bình sinh để tiếp tục trên chặng đường còn lại.

Khoảng cách giữa bố tôi và cổng trường cũng đã được rút lại gần, bố tôi cũng đã nom thấy những miệng hầm công sự dã chiến hai bên đường khi đã cách cổng trường chừng vài trăm mét nhưng không có một bóng người. Bố tôi tiếp tục tìm kiếm loanh quanh mong tìm gặp bất kỳ ai vẫn đang bám trụ chiến đấu để may ra có thể hỏi tin về mẹ tôi.

Tuyệt nhiên, những hầm công sự rải rác dọc theo con đường mà bố tôi tìm đều không có người. Bố tôi chợt thất vọng và thở dài khi nghĩ rằng ngay cả ở đây đã không còn ai, bố tôi cũng không trách mẹ tôi nếu mẹ tôi đã cùng trường đi sơ tán. Không những vậy, nếu biết tin mẹ tôi đã đi sơ tán thì bố tôi sẽ đỡ lo lắng cho mẹ tôi hơn.

Trong lúc bố tôi trông thấy một cửa hầm công sự khá chắc chắn thì cũng vừa lúc bố tôi nghe được tiếng máy bay gầm rú cùng với tiếng còi báo động sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích vang lên khắp nơi.

Đến giờ phút đó, bố tôi mới thật sự cảm thấy mình không lẻ loi, số phận của bố tôi cũng như những đồng bào không may đang bị kẹt lại trong tầm hoả lực của máy bay quân thù vẫn đang được các chiến sỹ anh dũng sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ...!!!

Những đường đạn đỏ lừ từ dưới đất bắn lên đan chéo vào nhau như một mẻ lưới đánh cá khổng lồ bằng lửa nghênh đón lũ máy bay đang lao tới như những bóng ma đen sì giữa đêm tối lờ nhờ...

Bố tôi vứt luôn chiếc xe đạp chổng chơ bên vệ đường và lao ngay vào chiếc hầm công sự, chiếc kim đồng hồ dạ quang trên tay bố tôi cũng ngừng phát sáng khiến bố tôi không nhìn rõ được thời khắc ấy nhưng số phận của những tên giặc lái đã được định đoạt từ trước.

Thật trớ trên thay, mẹ tôi cũng đang ở ngay trong một hầm công sự kề với hầm công sự mà bố tôi vừa lao vào. Nhưng vì mắt mẹ tôi cứ dõi theo chằm chằm về phía cổng trường nên không biết rằng bố tôi đã về được ngay phía sau lưng mẹ tôi.

Hai tốp máy bay cắt chéo nhau trên bầu trời ngay phía trên trường học như một cái dấu thập ác, một cái dấu hiệu xoá sổ chấm hết cho một mái trường của những con người vô tội. Tội ác của chiến tranh cố tình không chừa một ai.

Những quả bom toạ độ đã được định vị mục tiêu rất chính xác rơi đúng những mái nhà của trường học, toàn bộ các dãy nhà của trường học đều bị san bằng. Những trang sách lẫn những trang giáo án bị bom làm rách nát và bắn tung toé lên không trung cứ thế theo gió bay rải rác dọc suốt cả chiều dài con đường từ Thị xã mà bố tôi đã đi qua.

Một quả bom đánh trúng hầm mà mẹ tôi đang trú ẩn và cả nóc hầm ụp xuống giáng vào đầu mẹ tôi...

 

1973

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh