Mẹ ơi!

Hậu quả của chiến tranh đã dai dẳng hành hạ mẹ tôi, sau một lần sập hầm trú ẩn, một thanh xà ngang đã giáng xuống đầu mẹ tôi khiến cho mẹ tôi mang thương tích suốt đời và thi thoảng vẫn gây biến chứng làm mẹ tôi mất khả năng kiểm soát hành vi của mình.

Một lần, mẹ tôi đang trên bục giảng, cơn biến chứng bất chợt làm mẹ tôi ngã quị ngay giữa lớp. Tôi được các chị học trò của mẹ về báo nên đã chạy lên lớp đón mẹ. Lúc đó, mẹ tôi nằm bất tỉnh nhân sự trên bàn giáo viên, các chị học sinh đã dìu mẹ tôi lên đó và đi báo với Ban Giám hiệu, chờ Ban Giám hiệu đưa mẹ tôi vào viện.

Nhưng khi được đưa vào viện thì mẹ tôi tỉnh lại và các bác sỹ sau khi khám kỹ không phát hiện được nguyên nhân. Mẹ tôi lại trở về trường tiếp tục lên lớp. Mãi sau này người ta mới phát hiện được vì mẹ tôi bị chấn thương sọ não nên thường bị tái phát và biến chứng...

Lại một cơn biến chứng khác sau đó ít lâu, một buổi sáng sớm mẹ tôi nằm rền rĩ không thể dậy được để lên lớp. Cả ba anh em chúng tôi đều đã dậy từ sớm và đã ra chơi ngoài sân, lúc bấy giờ chúng tôi cũng đang còn rất bé nên cũng chỉ biết bày trò chơi với nhau chứ chưa biết được cách quan tâm và săn sóc mẹ tôi như thế nào.

Thấy mẹ chưa dậy, chúng tôi vẫn để mẹ nằm, không vào đánh thức...

Thế rồi vài chị học sinh hớt hải chạy vào gọi mẹ tôi dậy để lên lớp vì đã quá muộn và có Sở Giáo dục đang về dự. Quá hốt hoảng trước sự kiện tham dự giờ giảng của Sở Giáo dục nên chị học sinh lao thẳng vào giường vừa lay mạnh và vừa gọi to để đánh thức mẹ tôi.

Chị học sinh không biết rằng lúc ấy mẹ tôi đang bị hội chứng thần kinh nên sự tác động quá đột ngột của chị đã làm cho mẹ tôi bị kích động mạnh và dẫn đến hậu quả không lường được.

Mẹ tôi chui ngay xuống giường kêu gào:

‘Máy bay ném bom, tất cả hãy trốn đi...!!’

Chị học sinh nhìn thấy cảnh tượng đó, chợt hiểu một tình huống không hay đã xảy ra với mẹ tôi.

Mọi người đều đổ xô đến để thăm nom mẹ tôi, nhưng càng thấy đông người mẹ tôi càng hốt hoảng lo sợ, nói năng lung tung, luôn bị ám ảnh bởi những cảnh tượng hãi hùng của cuộc chiến tranh đã qua và triệu chứng bệnh càng ngày càng nặng:

Những biểu hiện của mẹ tôi trong thời gian được mọi người chăm sóc cho thấy rằng mẹ tôi đã bị ảnh hưởng thần kinh rất nặng do bị chấn thương sọ não gây nên.

Vào thời kỳ đó, vừa mới kết thúc chiến tranh, cơ sở Y tế của Tỉnh nhà còn đang rất thấp kém nên mọi người bàn tính mãi vẫn không biết nên đưa mẹ tôi vào bệnh viện nào.

Mọi người đều nghĩ rằng chỉ có Bệnh viện Trung ương ở Hà nội thì mới có thể chữa trị được cho mẹ tôi. Trong khi chờ quyết định, mẹ tôi vẫn nằm ở nhà và hàng ngày một người được phân công đến chăm sóc cho mẹ tôi và chúng tôi.

Hàng ngày, chúng tôi được mọi người thay nhau chăm sóc chu đáo, cho đến bây giờ tôi vẫn thường nhớ lại những gì đã xảy ra trong những ngày ấy tôi mới thấm thía được những tấm lòng của những người đồng nghiệp và học trò của mẹ tôi đối với chúng tôi. Những ngày trong chiến tranh và sau khi cuộc chiến tranh vừa mới qua đi, giữa những con người luôn gắn bó với nhau bằng những tình cảm chân thành, sâu sắc và rất cảm động:

Những ngày đó, các cô giáo cùng trường với mẹ tôi thì coi chúng tôi như con cái của họ. Những chị học sinh thì coi chúng tôi như em út. Họ lo lắng cho chúng tôi từng bữa ăn và giặt giũ quần áo cho chúng tôi hàng ngày.

Mẹ tôi nằm liệt trên giường, tất cả mọi việc ăn uống và vệ sinh đều được các cô các chị chăm lo chu đáo.

Tuy vậy,  không phải bất kỳ ai cũng hết lòng vì mẹ tôi.

Một lần, bà làm cấp dưỡng của trường mẹ tôi được phân công chăm sóc mẹ tôi. Nhà tôi và nhà bà ấy là một căn nhà hai gian liền vách. Trước đây nó vốn là một gian rộng nhưng sau khi được phân cho chúng tôi và bà ấy thì người ta dựng một tấm vách lưng chừng để ngăn thành hai gian.

Lợi dụng mẹ tôi không còn hay biết gì, bà ấy đã ra sức vơ vét hết tất cả những của nả mà bố mẹ tôi đã dành dụm được trong thời kỳ chiến tranh. Từ chiếc nhẫn vàng, đồng hồ đeo tay và cả những bộ quần áo đẹp mà bố tôi đã mua cho mẹ tôi ở Lào.

Mẹ tôi rất hãnh diện vì sau chiến tranh, những trang phục của nước ngoài hầu như không ai có. Thế nhưng tất cả đều bị bà ấy lấy cắp. Một lần, khi tôi vào nhà uống nước, tôi đã nhìn thấy bà ta lục tung quần áo của mẹ tôi và chọn những cái còn đẹp nhất ném qua vách lửng sang gian nhà của bà ấy ở bên cạnh. Tuy vậy, lúc đó tôi hẵng còn quá ít tuổi và chưa định nghĩa được hành vi ăn cắp của bà ta.

Đó chính là một người đàn bà bất lương bởi bà ta không chỉ có lòng tham mà bà ta còn là một kẻ rất vô trách nhiệm đối với mẹ tôi trước sự phân công của tập thể đã giao cho bà ấy:

Sau khi vơ vét hết tất cả những gì có thể, bà ta bỏ mặc mẹ tôi, cửa ngõ không đóng, chúng tôi bị bỏ đói suốt ngày hôm đó. Chúng tôi không rõ bà ta đã đi đâu. Thế rồi dường như đến bữa mẹ tôi cũng biết đói như chúng tôi, ban đầu mẹ tôi quờ quạng xung quanh và nhét bất kỳ thứ gì vào miệng, không nhai được thì mẹ tôi ra sức cắn xé rồi ra sức gào thét, tôi hoảng sợ ôm hai đứa em nhỏ vào lòng và cùng khóc...

Hồi lâu sau, mẹ tôi bước ra khỏi cửa, hai tay khuơ khuơ xung quanh như đuổi ruồi. Lúc đó mắt mẹ tôi nhắm nghiền nhưng không hiểu sao mẹ tôi vẫn có thể nhìn thấy đường để đi được, mẹ tôi lúc thì đi lúc thì chạy trong cơn hoảng loạn.

Tôi nhìn theo mẹ, vừa thương mẹ nhưng cũng vừa sợ bị mẹ đánh bởi lúc đó tôi chỉ vừa năm tuổi, tôi không dám giữ mẹ lại. Tôi chỉ còn biết ôm lấy hai đứa em nhỏ của tôi khóc oà lên và nhìn theo hình bóng mẹ khuất dần... tôi vẫn nhớ tiếng gọi thầm trong lòng tôi lúc ấy với nước mắt ướt đẫm:

‘Mẹ ơi, hãy quay về với chúng con...!’

Nhiều năm sau tôi tự trách mình tại sao lúc đó tình thương của tôi đối với mẹ không chiến thắng được nỗi sợ trong lòng cũng như tại sao tôi không đủ khôn ngoan hơn để gọi mẹ tôi quay trở lại...!!!

 

1975

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh