Mẹ tôi

Mẹ tôi là thứ nữ trong một gia đình đông con và chủ yếu là con gái, không hiểu sao tất cả những lần mà bà ngoại tôi hạ sinh là con gái thì tất cả các chị em của mẹ tôi đều được ‘mẹ tròn con vuông’ nhưng hễ cứ sinh con trai thì hoặc là sơ sẩy ngay lúc vừa mới sinh hoặc là chỉ sống thêm được rất ít ngày hoặc cùng lắm chỉ được vài tháng sau đó lại yểu mệnh và qua đời.

Sau mười một lần sinh nở mà bà ngoại tôi chỉ ‘giữ lại’ được năm chị em gái và một cậu duy nhất: Cậu là em trai của mẹ tôi và sau cậu là một dì út cuối cùng. Trên mẹ tôi đường hoàng có ba chị gái lớn tuổi hơn mẹ tôi rất nhiều và thông minh nhanh nhẹn hơn mẹ tôi rất nhiều.

Nói thì nói vậy, mẹ tôi cũng không kém phần thông minh so với các chị bởi ông ngoại tôi vốn là Trưởng tôn Đệ nhất Chi Phái của Vương tộc Nhà Mạc, bà ngoại tôi cũng là con nhà danh giá của Dòng họ Nguyễn.

Có lẽ cuộc đời và ‘sự nghiệp’ của bà ngoại tôi cũng gần giống với bà nội tôi vì bà nội tôi cũng là một nhánh của Họ Nguyễn quyền thế và danh giá.

Vì lẽ đó, bà ngoại tôi cũng là một người có học thức ‘văn hay, chữ tốt’ chỉ tiếc thay vì bà sinh ra không phải thời mà phụ nữ được coi trọng nên bà đành lòng cam chịu số phận là chỉ để ‘nâng khăn sửa túi’ cho chồng.

Sau mười một lần sinh hạ, năm ‘cách cách’ đã lần lượt ra đời và đều khôn lớn. Tiếc rằng năm ‘hoàng tôn’ đã yểu mệnh sau khi sinh. Chỉ còn lại duy nhất một ‘hoàng tôn’ kế út là may mắn sống sót cho đến tận bây giờ.

Cả bà ngoại và ông ngoại tôi cũng được gả cho nhau theo hũ tục môn đăng hộ đối giữa hai Gia Tộc quyền thế và danh tiếng nên những đứa con của họ đều được thừa hưởng những ‘gia sản trời cho’ đó là thiên phú thông minh và giỏi giang.

Chỉ mỗi dì út vì được cưng chiều nhất nhà nên mặc dầu trí thông minh thì có thừa nhưng vì ít học mà trở nên kém hiểu biết và không làm nên được một chút tích sự gì so với các chị của mình.

Nhà ngoại tôi vì thế mà là một gia đình giàu có sung túc nhất một vùng vào thời đó đúng nghĩa là một gia đình đài các giàu có... và các chị em của mẹ tôi luôn là niềm ước mơ của những trai làng và của cả những vùng lân cận không chỉ vì có nhan sắc và có học mà còn là vì gia đình bề thế và danh giá khiến cho thời đó một người con trai nào được gia đình ngoại tôi để mắt là cả một may mắn và tự hào rất lớn...

Chị cả của mẹ tôi là một người xinh đẹp nhất nhà và bản thân dì cả của tôi cũng là người con cả nên dì sớm trưởng thành và khôn lớn hơn trong tất cả mấy chị em, dì cũng từng sớm giác ngộ cách mạng và tham gia kháng chiến chống Mỹ ngay từ lúc còn rất ít tuổi nên những tư tưởng mới đã được dì ‘phổ biến’ rất triệt để cho cả gia đình noi theo.

Ngay cả ông ngoại tôi đã từng tham gia tiền kháng chiến nhưng cho đến thời của dì cả tôi, ông ngoại tôi vẫn phải tuân thủ nhiều nguyên tắc mà dì cả của tôi đặt ra cho cả gia đình. Dì cả đã trở thành một người phụ nữ vừa đảm việc nước vừa giỏi cả việc nhà.

Không may, năm 1966 dì đã bị máy bay tập kích lúc đang dùng thuyền vượt sông trong một chuyến công tác. Cả nhà ngoại tôi vô cùng thương tiếc dì bởi lúc ấy dì đang từng là một cán bộ rất có uy tín, đang trên đà được thăng tiến... và dì cũng là chỗ dựa vững vàng nhất của cả gia đình.

Dì thứ hai có số phận hẩm hiu hơn một chút bởi dì có bị một dị tật nên dì luôn cảm thấy mặc cảm với bản thân, tuy rằng dì cũng có tham gia các công tác đoàn xã và dân quân tự vệ nhưng cũng chỉ làm vì một nghĩa vụ chứ không quyết tâm phấn đấu. Tư tưởng của dì cũng chỉ gói gọn trong việc ‘nâng khăn sửa túi’ cho chồng:

Dì lấy chồng từ lúc mười bốn tuổi và chồng của dì là một Sỹ quan Quân đội chính tông nhưng tiếc thay cũng là người cùng họ xa với ông ngoại nên có lẽ vì thế mà những đứa con của dì đã bị ‘lại gen’ nên kém thông minh không như những đứa cháu ngoại khác của ông ngoại.

Sau khi cậu tôi được sinh hạ, ông ngoại tôi thôi các hoạt động của chính quyền và không tiếp tục tham gia cách mạng mà chỉ để chăm lo cho mụn con trai duy nhất có thể nối dõi tông đường sau này.

Tiếp đó, dì út của tôi cũng ra đời và khi dì út tôi được ba tuổi thì cũng là lúc bắt đầu Cải cách Ruộng đất.

Đó là những ngày thê thảm nhất đối với gia đình của ngoại tôi: Riêng ông ngoại tôi mặc dù đã từng có công với cách mạng vì ông cũng đã từng tham gia tiền khởi nghĩa và sau đó cũng tiếp tục hoạt động cho tới gần cuối những năm 40 cho tới khi cậu tôi được sinh ra thì ông ngoại tôi mới lui về ‘ở ẩn’ nhưng những công lao và thành tích của ông vẫn không được châm chước mà vẫn bị đôi cải cách đến tận nhà trói giật khuỷu tay và lôi xềnh xệch ra tận đình làng để cho nhân dân cùng đấu tố một cách vô tội vạ.

Mọi người còn lại cũng đều bị trói và cùm ngay tại nhà, riêng dì út của tôi lúc ấy vì còn quá nhỏ nên được ‘tha bổng’ nhưng đó cũng là điều không may vì trong suốt ba ngày mọi người lớn trong nhà đều bị cùm nên không ai được phép ăn uống và càng không thể lo cho dì út tôi ăn uống được. Vì quá đói mà không biết dì út của tôi đã ăn phải một thứ gì đó khiến cho dì út tôi bị kiết lỵ tới ba ngày liền rồi kiệt sức dần tưởng là không qua khỏi.

Trong suốt ba ngày ấy, mọi người trong gia đình của ngoại tôi đều bị đội cải cách khảo tra, thậm chí họ tra tấn và đánh đập không thương tiếc mọi người để bức cung bắt khai cho bằng được tất cả những của nả được thu giấu ở đâu... hoa tai và trâm cài tóc của các dì của tôi và của mẹ tôi cũng bị đội cải cách giật lấy để sung công.

Sau khi đã tịch thu được hết gia sản và không khai thác gì thêm ở mọi người trong gia đình ngoại tôi thì mọi người đều đã được tháo cùm và được trả tự do và riêng ông ngoại tôi từng bị đấu tố và bị đánh đập ở đình làng cũng đã bị kiệt sức nên mọi người trong gia đình cũng phải khó khăn lắm mới dìu được ông ngoại trở về bởi ngay cả chính mọi người trong gia đình cũng từng bị giam cùm và cũng bị bỏ đói trong suốt mấy ngày qua nên ai cũng lả đi đi vì đói, khát và đau đớn vì bị đánh đập.

Khi về đến nhà, ông ngoại tôi nhìn thấy dì út tôi nằm bất động, nhìn vào cặp đồng tử đã lờ đờ của dì, ngoại tôi vẫn còn chút hy vọng là có thể cứu được ông ngoại liền sai mẹ tôi và dì cả của tôi ra vườn nhổ cây rau má vào giã lấy nước cho dì út tôi uống.

Khi ra vườn, cả mẹ tôi và dì cả tôi đều biết rằng rau má là thứ dược liệu rất tốt, nhất là khi cơ thể đang bị kiệt sức nếu ăn trực tiếp hoặc uống nước rau má thì hiệu lực của nó đối với cơ thể không khác gì là nhân sâm nghìn năm nên cả dì và mẹ tôi tranh thủ vài cây rau má, đập sạch đất rồi ăn luôn cả lá lẫn rễ. Quả là thần dược, sau khi nhai ngấu nghiến vài cụm rau má thì cả mẹ và dì tôi ai nấy đều khoẻ khoắn trở lại và cả hai người quyết tâm nhổ thật nhiều cho cả nhà đều dùng.

Sau khi mang rau má về giã nhỏ cho mọi người cùng uống, mọi người đều tỉnh táo và hoạt bát trở lại. Không những thế, công dụng của nước rau má cũng đã làm cho dì út tôi linh lợi trở lại sau đó vài tiếng đồng hồ vì dì út của tôi bị kiết lỵ làm kiệt sức nên phục hồi chậm hơn mọi người.

Sau đó, ông ngoại tôi tranh thủ lên rừng lấy lá thuốc về sắc cho dì út tôi uống để chữa khỏi kiết lỵ cho dì. Nói tiếng là lên rừng chứ thực tình hồi đó rừng già cũng rất gần với làng của chúng tôi. Đi bộ không quá vài cây số là đã có thể vào được tận rừng già cho nên việc lên rừng hái lá thuốc không quá vài tiếng đồng hồ vẫn có đủ thời gian kịp để chữa trị cho dì út tôi đang trong tình trạng nguy kịch.

Sau khi dì út tôi qua khỏi cơn thập tử nhất sinh thì mọi người trở nên rất thương dì út và thương một cách quá đỗi đã làm cho dì út được cưng chiều quá mức mà đó cũng là một tai hại lớn cho dì bởi sau khi lớn lên, bước vào cuộc sống tự lập dì đã không biết cách lo toan và mưu tính cho mình một cuộc sống hàng ngày.

Khác với ông nội tôi, ông ngoại là người biết tính toán nên trước khi cải cách ruộng đất, ông ngoại tôi cũng đã từng làm rẫy và làm nương tận trên núi xa nên sau khi kết thúc cải cách ruộng đất thì ông ngoại tôi lại lên rẫy thu hoạch và nghề thuốc của ông cũng kiếm được rất nhiều tiền nên cuộc sống của gia đình lại sung túc trở lại sau một thời gian ngắn.

Mẹ tôi cũng bắt đầu thoát ly gia đình từ lúc mười sáu tuổi để tham gia vào các công tác Đoàn, Xã, Thanh niên Xung phong rồi tham gia vào các công tác kháng chiến chống Mỹ.

Trong những năm đầu của Thập kỷ 70, mẹ tôi là một trong những người tham gia canh gác phòng tuyến biển Quảng Bình và đã từng chạm trán với người nhái của Mỹ – Nguỵ...

Mười tám tuổi đã trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng của Trường Sư phạm Mẫu giáo lớn với môn giảng về Tâm lý học. Cũng nhờ vào sự hiểu biết về ngành dạy học của mình mà mẹ tôi đã biết cách dạy dỗ những đứa con của mình sau này nên người. Đó là một vốn quí mà không phải ai cũng có được.

Không những thế, vào thời đó, mẹ tôi là một nhà giáo trẻ nhưng cũng đã từng có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy cũng như trong nhiều phong trào và công tác khác mà nhiều Thanh niên thanh nữ vào thời đó vẫn từng tham gia và mẹ tôi đã trở thành một tấm gương sáng từng được ghi vào sử sách để nhiều thế hệ noi theo.

Khi được gả cho bố tôi, thoạt đầu mẹ tôi không muốn là bởi vì mẹ tôi cũng đã từng tham gia các hoạt động Đoàn, Xã và các phong trào cách mạng thời đó nên mẹ tôi đã giac ngộ được những tư tưởng về nếp sống mới chống lại các hũ tục tảo hôn, ép gả con cái theo lề lối ‘cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy’.

Chính vì thế, khi bố tôi có ý với mẹ tôi thì bố tôi đã không làm theo cách nghĩ của mẹ tôi mà đã đi theo ‘vết xe cũ’ là chỉ thông qua sự sắp đặt của ông ngoại tôi và cũng có tư tưởng tảo hôn vì lúc mà bố tôi được ông ngoại tôi sắp đặt thì mẹ tôi vẫn mới chỉ mười sáu tuổi.

Mẹ tôi đã phản đối kịch liệt việc hôn nhân giữa bố tôi và mẹ tôi do gia đình sắp đặt và nó cũng đã trở thành một hậu quả mà phải sau ngày cưới tới bảy năm thì tôi mới ra đời.

Mặc dầu vậy, sau khi tôi nhận thức được tình cảm vợ chồng giữa bố tôi và mẹ tôi không thể thay đổi được thì mẹ tôi đã trở thành một người vợ thảo hiền và chung thuỷ với bố tôi:

Mẹ tôi luôn là người nhường nhịn mỗi khi bố tôi nổi nóng bởi bố tôi rất nóng tính, vậy nên cuộc sống gia đình của chúng tôi hạnh phúc yên hàn./.

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh