Một số phận

Đó là dượng cả của tôi (các tỉnh Miền Trung vẫn thường xưng hô với chồng của chị gái và em gái của mẹ hoặc chồng của em gái hoặc cảu cả chị gái của bố đều bằng dượng), tức là chồng của chị cả của mẹ tôi.

Dượng là một thầy giáo dạy cấp II trường làng từng là một người được sinh ra trong một gia đình nền nếp và có học.

(chị cả của mẹ tôi) và dượng tôi lấy nhau từ khi dì tôi vẫn còn rất trẻ bởi thời đó vẫn còn có tục tảo hôn nhưng rất muộn mới có với nhau một con gái đầu lòng.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì chị ấy cũng lớn hơn tôi ít nhất phải mười tuổi, không may chị ấy qua đời sớm lúc chị ấy mới chừng sáu bảy tuổi gì đó và cũng đã lâu lắm rồi nên không ai còn nhớ rõ chị ấy từng sinh năm nào...

Dì tôi và dượng tôi cũng đều là những người từng thoát ly rất sớm và cả hai đều từng tham gia cách mạng trước khởi nghĩa năm 1945 vào thời kỳ mà nạn ‘Loạn Đảng’ đang rất ‘thịnh hành’ nào là Quốc Dân Đảng, nào là Đảng Cộng sản, nào là Đảng Xã hội, nào là Đảng Dân chủ...

Sống trong thời kỳ đó, khó có ai có thể dễ dàng nhận thức được Đảng nào là tốt và Đảng nào là xấu bởi Đảng nào cũng hô to khẩu hiệu ‘vì nước vì dân’ nào lật đổ chế độ Phong kiến nào đánh đuổi thực dân Pháp rồi nào là tiêu diệt Đế quốc Nhật...

Dì tôi may mắn chọn được Đảng Cộng sản để tham gia kháng chiến còn dượng tôi không may bị Quốc Dân Đảng lôi kéo, mà thực tình thời kỳ đầu mới được sáng lập, người đứng đầu sáng lập ra Quốc Dân Đảng chính là một trí thức và sỹ phu yêu nước Nguyễn Thái Học rất có uy tín đối với các phong trào cách mạng và cũng đã từng được Đảng Cộng sản và Chính phủ Lâm thời ghi nhận công lao lớn.

Không những vậy, tên tuổi của Nguyễn Thái Học vẫn được ghi nhận trong một trang sử chói lọi của đất nước nhưng rồi sau đó, Nguyễn Thái Học qua đời đã trao quyền lãnh đạo cho những kẻ có dã tâm chống lại Đảng Cộng sản và bị Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch thao túng để rồi dần dần đã trở thành một bè đảng phản dân hại nước.

Kể từ khi phát hiện được sự phản bội của Quốc Dân Đảng đối với đất nước, dượng tôi cũng đã từ bỏ Quốc Dân Đảng để gia nhập Đảng Cộng sản nhưng thật không may cho dượng tôi, những Đảng viên ‘nòi’ của Đảng Cộng sản sau khi xem xét quá khứ của lý lịch của dượng tôi và biết rằng dượng tôi đã từng hoạt động cho Quốc Dân Đảng nên đã giao dượng tôi cho Cơ quan An ninh vì tình nghi dượng tôi có âm mưu hoạt động gián điệp cho Quốc Dân Đảng: Vì sự tình nghi này mà cả cuộc đời của dượng tôi đã luôn phải tự cắn rứt lương tâm mặc dầu trong cuộc đời của dượng tự tay dượng vẫn chưa hề làm nên một tội ác nào đối với nhân dân... kể từ lúc dượng phát hiện được sự phản bội của Quốc Dân Đảng cũng là lúc dượng đã rời bỏ chỗ tối để quyết tâm đi vào con đường sáng.

Vậy nhưng sự quay trở về của dượng đã không được Chính Đảng dành cho một con đường sáng mà dượng đã bị dồn đẩy vào một ngõ cụt.

Còn dì tôi, khi chính quyền vừa lập lại, dì tôi đã chính thức được kết nạp Đảng Cộng sản và vẫn tiếp tục phấn đấu vì lợi ích của đất nước. Cũng nhờ vào sự phát giác của dì tôi đối với sự suy đồi tư tưởng của Quốc Dân Đảng mà dì tôi đã khuyên dượng tôi phải ‘quay súng’ nhưng cũng không may cho dì và cả dượng tôi: Khi dượng tôi quay trở về với chính nghĩa thì dì tôi đã hy sinh vì bị máy bay ném bom.

Đó là một sự hy sinh oan uổng bởi khi dì tôi đi đến bến đò, lẽ ra dì tôi đã kịp lên chuyến đò trước đó để sang sông thì sẽ an toàn nhưng chỉ vì gặp một cán bộ huyện uỷ lúc đó vừa mới qua đò và gặp dì tôi nên dì tôi phải đứng lại để nói chuyện với người cán bộ này.

Mặc dù cũng chỉ là những câu chuyện vô bổ nhưng vì dì của tôi là một cán bộ cấp dưới nên không thể không tiếp chuỵên với vị cán bộ huyện uỷ lúc đó có quyền lực nghiêng thiên hạ và ông ta vốn có tâm ý với dì tôi mặc dầu biết rằng dì tôi đã có chồng, có con gái và bản thân dì tôi cũng không ưa gì vị cán bộ này.

Chẳng qua chỉ vì dì tôi và mấy chị em gái của mẹ tôi đều là những người có nhan sắc và cũng từng được sinh ra trong một gia đình đài các nên vị cán bộ huyện uỷ đó đã cậy mình có chức quyền để thi thoảng ra cho dì tôi một vài ‘chỉ thị’ vớ vẩn buộc dì tôi phải dành thời gian nghe những ‘chỉ thị’ đó. Chỉ vì như vậy mà dì tôi đã trễ một chuyến đò và cả cuộc đời của dì đã không thể sang sông:

Dì tôi phải lên chuyến đò sau đó và  khi chiếc đò đang ở giữa sông thì một tốp máy bay Mỹ đã lao tới vừa nhào xuốngcắt bom vừa bắn rốc két thì dì tôi đã bị một mảnh rốc két bắn trúng ngực xuyên qua tim.

Tất cả những người đi trên chuyến đò ấy đều bị bom và rốc két giết chết sạch không còn một ai.

Lúc xác của dì tôi được vớt lên, mẹ tôi, chị gái thứ hai của mẹ tôi cùng bà ngoại tôi được tin liền chạy đến bến đò để nhận xác dì thì than ôi lúc bà ngoại tôi lật xác của dì tôi lên để trông cho rõ: Một dòng máu đỏ tươi chảy ộc ra từ miệng dì tôi:

Bà ngoại tôi tấm tức ôm lấy xác của dì tôi kêu khóc thảm thiết:

‘Tại sao con chết oan ức thế này hở con’

Bởi quan niệm của người xưa vẫn cho rằng nếu bị chết oan thì bao giờ khi người thân đến nhận xác, từ miệng của nạn nhân chết oan bao giờ cũng ộc máu ra ngoài.

Qua những câu chuyện thuật lại của những người ở bến đò hôm ấy, bà ngoại tôi biết rằng chỉ vì những câu chuyện vô bổ của vị cán bộ huyện uỷ mà dì tôi phải chết một cách oan uổng.

Có lẽ tai hoạ không chỉ giáng xuống một mình dì mà sau đó liên tiếp dội xuống đầu người con gái duy nhất của dì rồi tiếp đến đã hành hạ người chồng của dì đến suốt đời.

Chị ấy (con gái của dì tôi) lúc ấy chỉ mới chừng sáu bảy tuổi được giao cho một người dì họ trông nom. Mặc dù gọi là dì họ nhưng cũng còn ít tuổi nên cũng chưa có kinh nhiệm trông trẻ: Cả hai dì cháu cùng ra đồng bắt cá giữa trưa nắng hè và sau đó khi trở về nhà chị ấy đã bị cảm nắng và đột quị mà qua đời.

Cả gia đình của bà ngoại tôi thương tiếc chị vô cùng bởi lúc ấy chị cũng đã có những nét rất giống với dì cả của tôi. Ngoại tôi những mong rằng hình ảnh của chị sẽ làm ngoại tôi nguôi ngoai nỗi nhớ thương dì tôi phần nào. Nào có ngờ chị tôi cũng vội qua đời khi tuổi hẵng còn quá nhỏ khiến ngoại tôi đau lòng khôn tả. Ngoại tôi như già đi thêm nhiều năm trước sự qua đời của dì tôi chưa được hai năm thì chị tôi lại qua đời...

Mồ của chị tôi chưa kịp xanh cỏ thì dượng tôi bị Công An bắt và tống giam vì đã từng theo Quốc Dân Đảng. Dượng tôi oan ức kêu van với Chính quyền rằng dượng tôi chỉ vì lầm đường mà lỡ theo họ, bây giờ rất muốn thành tâm hối cãi nhưng nào có được chấp nhận.

Bà ngoại tôi lại phải cạy cục kêu xin với Chính quyền rằng vì con gái là vợ của dượng cũng đã từng có công và cũng đã hy sinh cho cách mạng và cho Chính quyền nên xin Chính quyền và Công An lượng thứ tha cho dượng tôi được tại ngoại.

Trong thời gian tại ngoại, năm bữa nửa tháng dượng tôi lại bị Công An gọi lên thẩm cung. Quá trình thẩm cung hàng kỳ cứ kéo dài nhiều năm liền khiến cho dượng tôi vị ám ảnh và trở thành một căn bệnh trong tâm trí. Không đêm nào dượng tôi không mơ thấy ác mộng

Cho đến lúc cuối đời, trước khí trút hơi thở cuối cùng, dượng tôi vẫn cố gượng dậy để nói rằng:

‘Tôi đã bị lầm đường mà theo Quốc Dân Đảng nhưng tôi chưa bao giờ làm một điều gì phản lại đất nước và có hại cho nhân dân’.

Thế rồi dượng qua đời trong sự dằn vặt đau khổ./.

 

 

Quảng Bình 2005

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh