Sang trang

Tôi đã quyết định phải xin chuyển trường để vào học tiếp Khoa Vật lý của trường Đại học Tổng hợp Hà nội (bây giờ là Đại học Quốc gia Hà nội) nhờ sự bảo lãnh của Tiến sỹ Nguyễn Tuệ ở Khoa Toán tin của trường.

Tôi cũng đã thấm những ‘trận đòn’ ở Huế vì ngay từ lúc vừa mới vào trường Sư phạm Huế đã làm nổi đình nổi đám trước hàng trăm hàng nghìn Sinh viên Huế nên tôi nghĩ rằng đã được vào Đại học Tổng hợp Hà nội thì tốt nhất là nên ‘mai danh ẩn tích’ để khỏi bị trù dập vì can tội huyênh hoang...

Những năm tháng được học ở Đại học Tổng hợp là một thời kỳ gian khổ nhất của tôi kể từ lúc tôi bắt đầu bước vào đời bởi lúc đó cả bố lẫn mẹ tôi cũng đã về hưu nên chỉ đủ cho hai ông bà dưỡng hưu và nuôi cô em gái út đang học Phổ thông Trung học và đang ở cùng bố mẹ ở quê.

Cả ba em của tôi cũng đều cùng học ở Hà nội, hai cô em lớn đều học ở Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tôi biết rằng đó là cả gánh nặng rất lớn đối với bố mẹ tôi. Tôi quyết định đi làm thêm để ít nhất cũng tự lo được cho bản thân của mình và hy vọng phần nào cáng đáng được cho các em của tôi để đỡ đần cho bố mẹ.

Tôi vốn có sở trường về Vô tuyến Điện tử và Kỹ thuật Điện ngay từ lúc đang học lớp tám nên tôi nghĩ rằng sau buổi học tôi có thể lân la vào các làng xóm của ven thành Hà nội sửa chữa các đồ điện và điện tử gia dụng tại nhà cho họ.

Thời đó, người dân Hà nội đang có thói quen sử dụng các hàng điện tử cũ ‘se cần hen’ (second hands, và cũng còn được gọi là hàng nội địa) được nhập lậu từ Nhật và một số nước Châu Á về rất nhiều và những loại đó thường hay có sự cố mà thời đó chưa có nhiều thợ sửa chữa và những loại hình dịch vụ sửa chữa tại nhà lại càng không có.

Tôi quyết định đưa ra một loại hình hoạt động mới là đến tận từng nhà để hỏi và sửa chữa cho họ. Chỉ cần vào một xóm nào đó mà sửa được tốt cho một vài nhà thì sẽ có uy tín và có thể liên hệ được với nhiều nhà khác.

Tôi đã thực hiện theo đúng ‘phát kiến’ của mình và cũng đã tiếp cận được với rất nhiều làng xóm ở quanh trường Đại học Tổng hợp mà tôi đang học. Nhưng thực tình mà nói thì lúc đó đời sống của người dân phần lớn đều đang nghèo và đều là dân chạy chợ nên phần nào đó họ cũng có bản chất lưu manh: Sau khi sửa chữa xong cho họ thì họ bảo rằng vì tôi không có ‘địa chỉ giao dịch đảm bảo’ nên họ không trả tiền ngay cho tôi và họ ra hạn cho tôi phải sử dụng một thời gian nhất định thì mới trả tiền cho tôi.

Tôi đành chấp nhận để họ sử dụng và kiểm nghiệm chất lượng, sau khi đúng hẹn tôi quay lại để thanh toán thì cũng có người thanh toán cho tôi sòng phẳng, có người kỳ kèo giảm bớt tiền công, có người thì khất lần và tất nhiên là cũng có người... ăn quịt.

Tôi cũng đành phải chấp nhận bởi nếu thuê một cửa hiệu thì cũng rất tốn kém vả lại thời gian của tôi không thể chủ động ở cửa hiệu vì đã mở cửa hiệu thì mình phải đảm bảo thời gian giao hàng cho khách hàng... nói tóm lại vào lúc đó để có được một cửa hiệu sẽ phải rất nhiêu khê nhiều bề.

Cho nên mặc dù không kiếm được nhiều tiền lắm nhưng cho dù có cũng hơn không. Sau dần tôi phát hiện rằng ‘dịch vụ tại gia’ không hiệu quả tôi liền ‘đầu quân’ cho một số cửa hiệu sửa chữa và kinh doanh hàng điện tử nội địa để làm ‘giải mã, chuyển hệ’ cho các máy thu hình và đầu Video từ hệ NTSC nguyên bản sang hệ PAL để phù hợp với hệ truyền hình đang được sử dụng tại Việt nam.

Phương án này ban đầu cũng có hiệu quả kinh tế bởi tôi làm cũng khá nhanh, trung bình mỗi một con TV được chuyển hệ tôi chỉ làm mất 15 – 20 phút và mỗi con lúc đó tôi kiếm được 20 – 30 nghìn đồng. Cứ sau mỗi một buổi học tôi có thể tranh thủ thời gian để làm được khoảng ít nhất là 15 đến 20 mươi con TV.

Sau một thời gian ngắn tôi đã ‘hốt’ được kha khá tiền liền nghĩ rằng không làm thuê cho họ nữa mà bắt đầu xoay sang đi làm ‘ông chủ hiệu buôn’ hàng nội địa: Cứ đến chiều thứ bảy sau buổi học tôi lại mò xuống Hải phòng, ở đó cũng có một cậu họ của tôi nên tôi vào nhà cậu để tạm trú trong những quãng thời gian mà tôi xuống Hải phòng. Tôi đi tìm khắp các Phố của Hải phòng để tìm các ‘đại lý’ mua bán hàng nội địa để mua và mang lên Hà nội tự giải mã cũng như tự phục chế... rồi tự tìm khách hàng để đem bán.

Cứ mỗi con máy thời đó trung bình cũng kiếm được 150 đến 200 nghìn và mỗi thứ bảy chủ nhật tôi chỉ cần làm hai đến ba con máy là có thể ăn tiêu thoải mái mà cũng rất nhàn hơn là đi làm thuê phải làm với tốc độ rất cật lực, nếu làm ít thì chủ hiệu không thuê nữa mà làm nhiều với tốc độ mỗi ngày vài chục con cả sửa chữa cả chuyển hệ tất tật thì không đủ sức và không đủ thời gian để mà học bài ở lớp...

Tôi thừa nhận rằng con người cũng có lòng tham vô đáy, việc buôn bán hàng nội địa của tôi cũng sớm giúp tôi kiếm được nhiều tiền và tôi cảm thấy rằng chỉ làm mỗi chuyến hai đến ba con máy thì quá nhàn rỗi đối với tôi nên tôi quyết định làm hẳn một mẻ lớn hơn chục con thế là tôi bị Ban Quản lý Thị trường Đường sắt bắt giữ.

Lần đầu bị bắt tôi không có kinh nghiệm nên không ‘xin’ lại được và thế là trắng tay. Cũng rất may là tôi từng thường xuyên lấy hàng ở một cửa hiệu rất quen ở số 80 Mê Linh – Hải phòng nên cũng đã quen được chủ cửa hiệu này vậy là tôi có thể xuống lấy nợ hàng ở đó và lần sau xuống thì thanh toán tiền lần trước. Hơn nữa, trong ngày chủ nhật mà tôi còn lưu lại ở Hải phòng tôi cũng xin tham gia sửa chữa các máy hỏng cho cửa hiệu nên cứ mỗi lần như vậy tôi cũng lấy nợ được một đến hai con.

Thôi thì cũng đành làm ăn bé cho an toàn vậy.

Cuộc đời tôi kể cũng nhiều khi gặp hoạ lớn nhưng cũng có rất nhiều khi gặp may mắn:

Có một lần tôi mang TV nội địa vào bán cho một khu tập thể của Bộ Nội Vụ vì phần lớn các Cán bộ Công an Hành chính lúc đó cũng rất nghèo, không có đủ tiền để mua được hàng xịn rất đắt tiền. Lúc đang giao giá với chủ nhà thì một Cán bộ Lãnh đạo ‘cỡ bự’ cũng đang ở ngay phòng tập thể bên cạnh sang ngồi chơi và yêu cầu tôi bật thử máy lên xem và họ thừa nhận rằng về chất lượng máy có đảm bảo hay không thì họ không đánh giá được nhưng mà màu sắc thì rất đẹp và âm thanh rất chuẩn.

Thế là vị Lãnh đạo liền hỏi ‘lý lịch’ của tôi, tôi cũng thành tâm kể rõ gia cảnh của mình và những hoài bão của mình là muốn nghiên cứu thiết kế chế tạo mới những loại sản phẩm Điện tử, Điều khiển Tự động hoá cao cấp chứ không muốn an phận là một người sửa chữa.

Ngay lập tức vị Lãnh đạo liền nói rằng hiện nay Bộ Nội Vụ đang có một Dự án quan trọng nhưng hiện tại khả năng của các Chuyên viên Kỹ thuật hiện có của Bộ rất yếu bởi phần lớn đều được đào tạo ở các nước Xã hội Chủ nghĩa trước đây không thể đáp ứng được cho việc thiết kế và thi công những Công trình và Dự án lớn có chất lượng cao được sử dụng các Phương tiện và Thiết bị của các nước Tư bản.

Tôi nghe vậy liền cảm thấy như được mở cờ trong bụng, tôi đề nghị vị Lãnh đạo hãy ‘ra đề’ đưa ra mọi yêu cầu kỹ thuật và tôi sẽ có bản vẽ thiết kế để trình cho ông ấy. Vị Lãnh đạo liền ngẫm nghĩ một hồi và nói rằng:

‘Đây là một Công trình tuyệt mất và chỉ có những người chịu trách nhiệm chủ chốt về mặt kỹ thuật mới nắm rõ được các yêu cầu kỹ thuật của nó, tôi chỉ là một cán bộ lãnh đạo nhân sự có tính hành chính nên không biết được. Để tôi trao đổi lại với các Chuyên môn và sẽ có thể đề nghị lại với cậu sau, vài ngày nữa cậu hãy quay lại!’;

Đúng vài ngày sau tôi quay lại và được gặp thêm những nhà Chuyên môn cũng có mặt ở đó và sau khi ‘khảo hạch’ tôi, các nhà Chuyên môn phải thừa nhận năng lực của tôi có thừa để có thể thực hiện được công việc đó và sau đó tôi bắt đầu bắt tay hoạch định thiết kế cũng như làm hồ sơ kỹ thuật để trình lên cho họ.

Cuộc đời của tôi cứ liên tục được sang trang nhưng cũng không có nghĩa rằng tôi đã may mắn hoàn toàn bởi đó là một công trình tuyệt mật nên mặc dù tôi là người chịu trách nhiệm kỹ thuật chính nhưng tôi không được trực tiếp đứng tên để tham gia theo như lời đề nghị của vị Lãnh đạo mà tôi chỉ được phép ‘hỗ trợ’ lên phương án và đề ra các qui trình thực hiện...

Mặc kệ, có việc là may lắm rồi và đúng với tầm cỡ của một nhà thiết kế là mong ước lớn nhất của tôi.

Cũng nhờ việc thực hiện Dự án này mà tôi cũng đã ‘động chạm’ rất nhiều Lãnh đạo cỡ bự khác của Bộ Nội Vụ và Chính phủ. Khi họ gặp tôi, biết tôi là một ‘chuyên gia chính’ cho Dự án hiện tại họ liền tận dụng tôi một cách triệt để để ‘giúp họ’ trong một số Dự án khác nữa.

Vậy là Dự án thì cày rất nhiều nhưng mà tiền thì hái được rất ít bởi các vị Lãnh đạo khi nhờ vả tôi đều vỗ vai tôi rất thân mật và nói, hình như họ đều đào tạo từ một trường nên câu nói của họ tuy có thêm bớt vài chữ nhưng mà tổng thể nội dung thì đều cũng tương tự:

‘Cậu đang là sinh viên, còn rất trẻ hãy cố gắng phục vụ và cống hiến cho đất nước. Hiện tại cậu không thể chính thức là người của Bộ Nội Vụ nên cậu chỉ có thể ở cương vị hỗ trợ cho chúng tôi.

Sau này cậu tốt nghiệp đại học nếu có nguyện vọng thì chúng tôi có thể ưu ái tuyển cậu vào biên chế của Bộ nhưng lúc đó lương khởi điểm của cậu mới ra trường cũng chỉ vào khoảng vài trăm thôi vì nó là lương nhà nước mà.

Hiện tại cho dù cậu chỉ đảm nhiệm làm Chuyên gia hờ cho chúng tôi thì cậu cũng được trả lương hơn một triệu, ngang với một Sỹ quan Cấp tá của ngành rồi đó.

Để trở thành một Sỹ quan Cấp tá cũng phải phấn đấu mất mấy chục năm trong ngành rồi. Bây giờ cậu ngang lương họ tức là cũng đã dược hưởng ưu đãi nhất rồi đó’;

Nghe nói vậy tôi đành nghĩ ‘thôi thì mình làm xong Dự án này rồi thì cũng chuồn chứ với mức lương khởi điểm chỉ vài trăm nghìn thì cũng chẳng tội gì phải đánh đổi.

Hiện tại cứ chấp nhận làm chuyên gia hờ cho họ cũng có tạm hơn triệu bạc để chi tiêu. Nếu cố gắng để xong vài Dự án thì mình cũng đã trở thành một trùm thiết kế vang bóng khắp nơi rồi lo gì lúc đó không kiếm được việc tốt hơn và vị trí tốt hơn để làm’.

Tôi quyết định phải chấp nhận giữ vai trò một ‘ông vua không ngai’ trong việc thiết kế và chỉ đạo các Dự án đó.

Khi thấy Dự án đã tiến triển và có chiều hướng có thể kết thúc tốt đẹp thì một vị Lãnh đạo đã nói với tôi và hỏi tôi rằng:

‘Cậu dự tính tiến độ công việc thì bao giờ sẽ xong?

Nếu theo đúng kế hoạch mà cậu đã đề ra thì sau khi cậu kết thúc công việc và kết thúc đại học tôi sẽ cố gắng giúp cậu đi du học nước ngoài...’;

Dừng lại một chút bởi vì ông ta phân vân:

‘Nhưng tôi chưa dám hứa trước vì bây giờ các nước Xã hội Chủ nghĩa đều đã tan rã nên việc gửi cậu ra nước ngoài rất khó vì phải có học bổng nhà nước cho cậu’;

Nghe vậy, tôi thầm nghĩ bụng ‘nếu ông ta đã há miệng thì tôi buộc ông ấy phải mắc quai’ và nói:

‘Dự án của các bác thì khoảng vài tháng nữa, nếu có bất trắc và chậm nhất thì cuối năm 2004 cũng sẽ phải xong. Hiện tại cháu đang được Khu Đại học Tự do Liên bang Đức bảo lãnh cho đi làm Nghiên cứu sinh chuyển thẳng không cần qua Đại học nếu bác định giúp cháu thì chỉ việc làm Hồ sơ Xuất cảnh cho cháu thôi. Học bổng cháu đã xin được rồi và ngành học cháu cũng đã đăng ký được rồi’;

Và tôi cũng đã giải thích cho ông ấy rõ những sự vụ của tôi đã từng bị vấp ở Huế cho ông ấy rõ và cũng nói rằng cái Hồ sơ Bảo lãnh của Đức cũng là có nguồn gốc từ Huế. Ông ta liền nói với tôi:

‘Cậu hãy mang bộ Hồ sơ đó đến cho tôi xem, tôi sẽ làm việc với Công an Huế cụ thể, nếu không ảnh hưởng gì đến Chính trị và An ninh Quốc gia thì tôi sẽ làm Hồ sơ Xuất cảnh cho cậu’;

Hôm sau tôi mang Hồ sơ Bảo lãnh của Đức cho ông ấy, sau khi xem xong ông ta nói:

‘Cứ để đấy tôi xem và chừng sau một tháng thì tôi sẽ có quyết định cụ thể cho cậu’;

Tôi quay về và cũng không hy vọng gì về điều đó cả bởi tôi đã từng hy vọng rất nhiều nhưng chưa có mấy điều mà tôi đạt được nên tôi nghĩ rằng tốt nhất là cứ quên việc ấy đi để còn đầu óc tập trung cho Dự án.

Đúng một tháng sau, lúc đó cũng đã là cuối năm 1993, ông ta gọi tôi lên phòng làm việc và trao cho tôi bộ Hồ sơ Xuất cảnh và nói:

‘Tôi đã làm xong Hồ sơ Xuất cảnh cho cậu rồi, cuối năm nay cậu xong Dự án thì cũng có thể lên máy bay rồi đó...’;

Tôi nghĩ bụng ‘vậy là ông ta đã huy động cả Bộ máy Quyền lực của Bộ Nội Vụ ra để giúp mình nhưng thực tình không phải là vì ông ấy tốt bụng với mình mà thực ra ông ấy muốn tống khứ mình ra nước ngoài ngay sau khi Dự án được kết thúc để không ai biết được ai là người có công trạng lớn nhất trong Dự án này ngoài chính bản thân ông ta làm Tổng Chỉ đạo của Dự án. Hơn nữa nếu mình đã ra đi thì sau vài năm trở về mọi mối quan hệ với các vị Lãnh đạo khác của mình cũng sẽ bị cắt đứt hết vì sau vài năm thì cũng chẳng có vị Lãnh đạo nào tốt bụng tới mức có thể ấn cái tên tuổi của tôi vào trong trí nhớ của họ làm gì cho nặng đầu’.

Biết rằng đã bị ông ấy dồn vào đường cùng nhưng nói cho cùng cũng là một cơ hội tốt nên tôi lại buộc phải chấp nhận thêm một lần nữa và vui vẻ cám ơn ông ta trước khi ông ấy kịp cám ơn tôi.

Ông ta lại lấy ra một bộ Hồ sơ khác và nói rằng:

‘Đây là Thủ tục Xuất cảnh của cậu để đi Hàn Quốc đàm phán ký kết hợp đồng nhập thiết bị, cậu hãy chuẩn bị để lên đường. Hãy cố gắng làm bằng xong Dự án của tôi trước khi cậu lên máy bay để đi du học...’;

Tôi cầm luôn bộ Hồ sơ đó và nói rằng:

‘Dù gì thì cháu cũng phải kết thúc Dự án của bác trước mùa đông năm sau vì cháu thường hay bị đổ bệnh nặng vào mùa đông. Cũng may mà bây giờ cháu đã xong được toàn bộ thiết kế cơ bản và đã hoàn tất những qui trình chỉ đạo và điều hành cho bác nên tạm thời cháu không có nhiều bận bịu, thực tế cháu vẫn đang bị ốm nhưng vẫn cố gắng được’;

Vậy là tôi phải chấp nhận đánh đổi cái vị trí ‘trùm thiết kế và chỉ đạo các Công trình và Dự án lớn’ chỉ để lấy cái Hồ sơ Xuất cảnh để đi du học nước ngoài./.

 

Hà nội  1993

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh