Bên kia chiến tuyến - Công ty TNHH Tam Hùng

Bên kia chiến tuyến

Thứ hai - 14/01/2013 19:32
Học hết lớp hai, bố tôi lại đưa chúng tôi vào Thị xã Đông Hà để tiếp tục thành lập một đơn vị mới cho Tỉnh Bình – Trị – Thiên. Đông Hà chính là trước đây từng là chiến tuyến của Chính quyền Sài gòn cũ. Vùng đất này mới qua khỏi cuộc chiến tranh hai năm nên cuộc sống ở đây chưa kịp thay màu áo mới.

Nếu ở Vĩnh linh tôi chỉ cảm nhận được sự vất vả gian khổ của những người lớn và chỉ cảm nhận được cái đói và cái rét với bản thân tôi thì ở đây không chỉ có vậy mà nó còn có thêm nhiều mối nguy hiểm chết chóc luôn rình rập đe doạ tất cả chúng tôi và những con người ở nơi đây từng ngày từng giờ và cho đến từng phút từng giây.

Bố tôi vào Đông Hà một thời gian trước, trong khi đó tôi đang nghỉ hè ở quê với bà ngoại và mẹ tôi cũng đã xuất viện cùng về quê nghỉ hè với chúng tôi. Hết kỳ nghỉ hè mẹ tôi mới đưa tôi vào Đông Hà để tìm bố tôi và xin cho tôi được chuyển trường theo bố tôi.

Tôi cùng mẹ tôi đi từ Quảng Bình vào Đông Hà trên một chiếc xe đò chật ních người trong một ngày cuối hè oi ả và nóng nực. Cái nóng đặc biệt của Đông Hà vì không chỉ có cái nắng gay gắt mà còn ngột ngạt khó thở bởi những cơn gió Lào tràn về từng đợt từng đợt...

Mẹ tôi nhìn sơ đồ mà bố tôi đã vẽ qua trên một mảnh giấy học sinh trong một lần về quê bố tôi đã đưa cho mẹ tôi để tìm đường.

Theo sự chỉ dẫn trên sơ đồ, mẹ tôi đi theo con đường rẽ lên Phường 5 của Thị xã Đông Hà.

Những cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi khi rời bến xe Đông Hà và đặt chân lên mảnh đất của Thị xã Đông Hà là những ngọn đồi bị đào xới ngổn ngang những vỏ đạn đại bác cùng nhiều mảnh kim khí lớn nhỏ.

Lác đác vài ngọn cỏ vàng khè khó khăn lắm mới nhô ngọn khỏi mặt đất bị những cơn gió Lào làm lay động một cách yếu ớt, không thể hiện được sinh lực của sự sống mãnh liệt.

Đâu đó thoảng hoặc vang lên một vài tiếng nổ chát chúa, sau đó, không gian lại trầm lắng tĩnh lặng như không có gì xảy ra.

Trên những con đường mà tôi đi qua chỉ có rất ít người đi lại thưa thớt với phần lớn bằng xe đạp. Xe máy và xe ô tô hầu như rất ít và hiếm vì phần lớn người dân nơi đây còn rất nghèo.

Sau một hồi tìm kiếm, chúng tôi cũng đã tìm được cơ quan mới của bố tôi. Bố tôi đang ở tạm trong một cái lán nhỏ, xung quanh lác đác vài mái nhà lợp ngói vách bằng phên cót ép để làm nhà kho và văn phòng làm việc.

Mọi người trong cơ quan mới của bố tôi biết tin đều đến thăm hỏi mẹ tôi và cùng nhau trò chuyện rất thân mật, cái tình người chất phác và mộc mạc của những con người vừa mới qua cuộc chiến tranh và trong cuộc sống đang còn nhiều cam go sao mà chân thành và cảm động đến vậy!?

Một cuộc đời mới lại đến với tôi và có lẽ rằng cứ sau một năm học thì tôi lại phải bắt đầu lại từ đầu vì cứ sau một năm học thì tôi lại phải chuyển trường theo nơi công tác mới của bố tôi. Có thể nói không ngoa rằng kể từ lúc tôi biết đi học cho đến khi tôi trưởng thành thì tôi đã phải trải qua hơn mười trường học khác nhau và được tính trung bình mỗi năm một trường.

Vì lẽ đó, tôi có rất nhiều bạn nhưng với thời gian ngắn ngủi như vậy thì cũng chỉ là bạn sơ chứ bạn thân thì có bấy nhiêu đâu.

Cuộc sống luôn thay đổi cũng khiến cho tôi luôn gặp nhiều điều mới mẻ và chứng kiến nhiều mảnh đời của những con người trong cuộc sống muôn màu của một đất nước trải qua trong nhiều giai đoạn từ những năm của thời hậu chiến đến thời bao cấp rồi giai đoạn Kinh tế Thị trường...

Hỡi cuộc sống mến yêu này, tôi đã thấu hiểu những nguồn cơn của cuộc sống, tôi chỉ mong ước được góp một phần sức lực nhỏ nhoi cho người.

Càng hiểu về cuộc sống giữa những con người và con người, tôi càng thêm thiết tha với cuộc sống, càng muốn học hỏi thêm nhiều điều mới: Ngay tự bao giờ tôi đã tự ý thức được mình phải tự biết học hỏi và tự tìm tòi.

Ngày đầu tiên đến học ở trường mới, tôi bị buộc phải học lại lớp hai ở Đông hà vì lý do rằng hệ Giáo dục ở Vĩnh linh trở ra thuộc Hệ mười năm còn từ Đông hà trở vào là Hệ mười hai năm nên chương trình khác biệt nhau sợ tôi không theo kịp ở lớp ba.

Tôi đành phải chấp nhận với một môi trường mới.

Từ lúc bắt đầu vào học lớp một cho tới nay, tôi cũng đã quen với khái niệm chuyển trường nhiều lần nên trước những khuôn mặt mới của bạn bè và với những thầy cô giáo mới, tôi không có gì lấy làm bỡ ngõ hay do dự mà ngược lại tôi luôn tự tin ở chính mình và vẫn sẵn sàng làm quen với những người bạn mới.

Có lẽ đó là tác phong rất chững chạc và chững chạc nhất của tôi. Tôi rất dễ kết bạn vì quan niệm về bạn của tôi rất đơn giản, cuộc sống của tôi rất dễ hoà đồng.

Tuy nhiên, cuộc sống của tôi rất nội tâm và khi tôi càng lớn lên thì tính hướng nội của tôi càng biểu hiện rõ rệt hơn bởi khi càng lớn lên thì tôi càng hướng sự chú ý của tôi vào các lĩnh vực Khoa học khiến cho tôi trở nên xa rời với những trò chơi của những đứa trẻ và của những lứa tuổi học trò.

Kể cũng thật lạ, mặc dù bản tính tôi hướng nội nhưng tôi cũng rất thích có nhiều bạn bè. Tôi vẫn thường đi chơi cùng bạn bè nhưng trong cuộc chơi thì tôi lại có một trò của riêng tôi, không giống ai. Cũng có những đứa bạn hiểu tính tôi thì rất khích lệ và cổ vũ tôi nhưng cũng có đứa không hiểu thì cũng chế tôi thích chơi trội hay không hoà đồng.

Mặc kệ, bởi nó đã trở thành bản tính cá nhân của tôi và hơn nữa những việc mà tôi làm cũng chẳng ảnh hưởng đến ai khác thì cớ gì chúng phải trách cứ tôi mà làm gì cơ chứ.

Những trò chơi mới mà tôi cảm thấy thú vị lúc đó chính là học ngoại ngữ: Nếu những đứa bạn tôi gọi đó là những môn học và thường rất lười nhác thì tôi lại cho đó chính là những trò chơi của tôi và tôi đã ‘chơi’ rất miệt mài, chăm chỉ cùng với tất cả sự say mê của mình.

Vào thời kỳ đó, cơ quan của bố tôi thường quan hệ thương mại với nhiều cơ quan Kinh tế của Lào, nói tóm lại cơ quan của bố tôi là một đơn vị ngoại thương và đối tác cơ bản của cơ quan của bố tôi là các cơ quan của Lào cho nên rất nhiều chuyến hàng từ Lào chở về Việt nam đều tạm dừng ở cơ quan của bố tôi.

Có rất nhiều người Lào đã tạm trú ở cơ quan của bố tôi trong thời gian giao dịch ở Việt nam. Tôi đã có những cơ hội tốt để học tiếng Lào.

Vào thời kỳ đó, bọn Thổ phỉ Lào hoạt động rất mạnh ở vùng biên giới Việt – Lào nên mỗi chuyến xe chở hàng đều phải có rất nhiều người được trang bị súng ống thậm chí có những chuyến hàng đặc biệt phải có cả bộ đội Lào đi theo để bảo vệ.

Tôi đã làm quen được một anh bộ đội Lào, không hiểu sao ngay từ bé tôi rất có thiện cảm đặc biệt với những người lính. Có lẽ vì cuộc chiến tranh vừa mới qua nên tôi rất hâm mộ chiến công anh hùng và lòng dũng cảm của những người chiến sỹ!?

Thấy tôi là một cậu bé hiếu động và hay học hỏi, anh bộ đội Lào cũng rất quí tôi và dạy cho tôi học tiếng Lào. Kể từ đó, tôi bắt đầu học nói và học viết bằng chữ Lào:

Câu đầu tiên mà tôi viết là:

ສາທາລະນະລັດສັງຄົມນິຍົມຫວຮດນາມ

  Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam

Lần đầu tiên khi tôi tập viết, tôi đã viết rất cẩu thả, thực tình vì chữ Lào rất khó viết khi chưa quen nên anh bộ đội Lào liền nhắc:

ມ້ອງບໍ່ຄວມຂຮມຄົດງໍແງ

Em không nên viết ngoáy

Sau nhiều lần qua lại Việt nam, mỗi lần anh bộ đội Lào lại dạy cho tôi thêm một ít và tôi cũng đã dần dần học được rất nhiều. Mỗi lần gặp anh tôi lại líu lo như chim hót:

ສະບາຍດີອ້າຍ (xa pai đi ại – Xin chào anh);

Anh liền chào tôi:

ສະບາຍດີນ້ອງ  (xa pai đi nọng  – Chào em);

Tôi lại cám ơn anh:

ນ້ອງຂອບໃຈອ້າຍ (nọng khốp chay ại – em cám ơn anh);

Anh lại hỏi tiếp:

ພໍ່ແມ່ຍັງສະບາຍດີບໍ? (Phò mè nhăng xa pai đi bò – Bố mẹ em vẫn khoẻ đấy chứ);

Cứ như vậy, cuộc đối thoại giữa chúng tôi tiếp tục một cách thân thiện và rất thoải mái với nhiều câu chuyện hàn huyên sau những tháng ngày xa cách mới được gặp lại.

Tôi không hiểu là vì tiếng Lào dễ học hay là vì tôi vốn ‘thông minh vốn sẵn tính trời’ nên tôi học rất nhanh chóng và có thể đọc được lưu loát các quyển sách bằng tiếng Lào cũng như ứng đối rất trôi chảy với những người Lào sang làm việc ở Cơ quan của bố tôi.

Ít lâu sau tôi nhận được tin anh đã bị bọn Thổ phỉ phục kích và anh đã bị tử vong để bảo vệ cho đoàn xe tải hàng. Tôi rất thương anh và vẫn nhớ mãi bóng hình của anh trong suốt hơn hai mươi năm qua: Những gì mà anh đã từng dạy cho tôi, tôi luôn nhớ mãi trong lòng...

Thực tình, biết thêm một ngôn ngữ là một cơ hội để cho tôi mở mang sự hiểu biết của mình với thế giới bên ngoài. Đó là điều mà tôi đã biết nhận thức ngay từ lúc còn rất bé và tôi cũng đã học nhiều ngoại ngữ ngay từ bé. Ở tuổi còn thơ, nếu chăm chỉ học tập sẽ rất dễ tiếp thu và thường đạt được nhiều kết quả tốt bởi ở tuổi đó ít bị chi phối./.

 

Đông hà 1977

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết