Bộ quần áo mới - Công ty TNHH Tam Hùng

Bộ quần áo mới

Thứ hai - 14/01/2013 15:03
Câu nói cửa miệng ‘con không cha thì ăn cơm với cá, con không mẹ thì ngậm lá đứng đường’ quả là nghiệm đúng với cả ba anh em chúng tôi khi chúng tôi sống cùng với bố trong khi mẹ tôi phải đi nằm viện ở xa. Lúc ấy tôi đã học lớp 2 và mẹ tôi cũng đã đi nằm viện được hơn một năm và đã gần Tết vì nhớ mẹ nên tôi học đòi viết thư cho mẹ mà thực ra lúc ấy tôi đâu có biết viết thư như thế nào. Chỉ vì các cô các chú trong cơ quan hỏi tôi có nhớ mẹ không thì tôi trả lời là rất nhớ mẹ, vậy là các cô các chú bảo tôi nên viết thư cho mẹ.

Tôi thực thà nói rằng tôi không biết nên viết thư như thế nào và đó là điều thật nhất trong đời của tôi bởi tôi cũng hoàn toàn có thể cam đoan rằng một đứa trẻ học lớp 2 như tôi không thể viết được thư là điều đương nhiên, nếu dám bảo rằng có thể tự viết được thư thì chỉ là phét lác vậy.

Bức thư đầu tiên và duy nhất mà trong thời gian mẹ tôi nằm viện đã được các cô các chú mớm lời nên ý tứ rất già dặn khiến mẹ tôi cứ tưởng do tôi tự hạ bút mà thành nên lấy làm sung sướng vô cùng vì ngỡ rằng con mình đã quá khôn ngoan nên sau khi mẹ tôi mới đọc lướt qua một lượt ở phần đầu của bức thư thì mẹ tôi rất đỗi vui mừng và đã đọc to cho tất cả các cô cùng nằm trong phòng bệnh cùng với mẹ tôi để chia sẽ niềm sung sướng của mẹ tôi khi được đọc thư của con trai của mình.

Sự dí dỏm và hài hước của nội dung đoạn thư đầu được các cô các chú chỉ bảo khiến cho mẹ tôi cùng tất cả các bệnh nhân cùng phòng đều cười rất vui vẻ và ai ai cũng tấm tắc khen rằng ‘thằng bé vậy mà hay chữ!’.

Nhưng thực chất, chỉ có phần mở đầu và nội dung chính của bức thì được sự ‘quân sư’ của các cô các chú nên viết rất hay, còn đoạn cuối thì tôi tự ý thêm vào với lời lẽ của chính tôi nên rất ‘trẻ con’, tôi khoe với mẹ tôi rằng ‘bố đã may cho con một bộ quần áo mới để chuẩn bị mặc Tết nên con rất sung sướng nhưng bố bảo vì may quần áo cho con nên bố đã hết tiền để mua gạo cho cả mấy bố con cùng ăn trong tháng tới và không có tiền để ăn Tết...’.

Đọc đến đoạn cuối của bức thư, mẹ tôi bật khóc thành tiếng vì quá đỗi thương tâm cho chúng tôi sống quá kham khổ và nghĩ rằng vì bố tôi rất thương yêu con cái mà đã không tiếc những đồng tiền hiếm hoi của mình để mua quần áo mới cho tôi:

Mọi người cùng phòng lại phải quay sang an ủi và động viên mẹ tôi, khuyên mẹ tôi đừng buồn nữa. Nhưng những điều mà tôi viết cuối thư đã khiến cho mẹ tôi bị dằn vặt trong suốt ngày hôm đó, rồi tiếp một đêm mẹ tôi trằn trọc không ngủ được.

Sáng hôm sau, khi mọi người cùng tập thể dục buổi sáng và đi bách bộ trong khuôn viên của bệnh viện thì đột nhiên mẹ tôi bị động kinh và bất tỉnh nhân sự do bị quá xúc động và lo lắng cho ba anh em chúng tôi. Ngay lập tức mẹ tôi được đưa vào phòng khám chẩn trị lâm sàng và lúc ấy các bác sỹ mới có điều kiện để chẩn đoán đúng được bệnh trạng của mẹ tôi.

Cũng có thể nói rằng nhờ sự khờ dại của tôi mà bệnh tình của mẹ tôi bị bộc phát để cho các bác sỹ có điều kiện để khám chẩn bệnh đúng lúc bệnh mẹ tôi tái phát bởi vì kể từ khi mẹ tôi ra nằm viện cho đến lúc ấy đã gần một năm nhưng mẹ tôi luôn trong trạng thái sức khỏe bình thường không hề xảy ra một biến chứng nào để chứng tỏ rằng mẹ tôi bị chấn thương...

Trước khi mẹ tôi được đưa ra điều trị tại bệnh viện Trung ương Hà Nội thì cũng chưa ai chẩn đoán được là mẹ tôi thi thoảng bị bất tỉnh nhân sự hay bị loạn thần kinh là do bị chấn thương sọ não bởi vì trong thời gian mà mẹ tôi đang mang thai tôi và trong một lần tránh bom trong hầm trú ẩn đã bị sập hầm và mẹ tôi bị một thanh xà ngang giáng xuống đầu gây cho mẹ tôi bất tỉnh nhân sự nhưng lần chấn thương ấy không để lại thương tích và vào thời kỳ ấy chưa ai nhận thức được rằng nếu từng bị chấn thương sọ não mà không để lại thương tích thì không biết có bị ảnh hưởng thần kinh lâu dài hay không.

Vào thời đó, sau khi chiến tranh vừa mới kết thúc, có rất nhiều người bị bệnh liên quan thần kinh như bị rối loạn thần kinh hay bị động kinh hoặc bất tỉnh nhân sự... thường do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tôi đã từng chứng kiến ở trường mà mẹ tôi từng dạy học, có những lúc nắng hè các chị học sinh trong trường đang ngồi học ở phòng học hoặc ở ký túc xá thì bỗng nhiên một ai đó cười ré lên bất chợt và thế là không ai bảo ai đều cười phá lên trong toàn trường một cách khó hiểu và đáng sợ.

Thậm chí có chị trong lúc cười đã cởi bỏ quần áo và chạy ra đường một cách điên loạn không làm chủ được lý trí của mình. Lúc ấy, những người lớn có kinh nghiệm phải nhờ một vài anh thanh niên đuổi theo để giữ lại và đưa về phòng để làm các động tác xoa bóp thì chị ấy mới hồi phục lại được bình thường và người ta giải thích cái căn bệnh ‘quái dị’ ấy theo rất nhiều kiểu ví dụ có người thì bảo là do các bị nhiễm phải các độc tố của chiến tranh, có người thì nói là do trong toàn trường chỉ có toàn là giáo viên nữ và chỉ có học sinh nữ nên các chị học sinh thường bị mất khả năng ‘cân bằng giới tính’.

Hồi ấy tôi còn bé nên chỉ đủ nhận thức để tin vào sự giải thích thứ nhất tức là các chị bị ảnh hưởng độc tố của chiến tranh nên mới bị mất khả năng làm chủ bản thân, còn sự giải thích thứ hai là do trong trường chỉ có nữ mà không có nam nên các chị bị rối loạn giới tính thì tôi cho rằng các anh thanh niên nói nghịch và tôi không tin vào điều đó.

Cũng chính vì thế, lúc đầu các biểu hiện bệnh lý của mẹ tôi đều bị các bác sỹ gán cho một trong những trường hợp giống như các chị học sinh của mẹ tôi vẫn thi thoảng xảy ra tuy nhiên họ cho rằng mẹ tôi vì phải trực tiếp công việc giảng dạy và nhiều công tác khác nặng nhọc vất vả hơn nên tình trạng bệnh lý nặng hơn. Vì lẽ đó, khi mẹ tôi ra điều trị ở bệnh viện Trung ương thì trong suốt một năm qua chỉ được điều trị tâm lý mà thôi.

Cho đến khi mẹ tôi bị bất tỉnh nhân sự ngay tại khuôn viên của bệnh viện thì lúc ấy các bác sỹ đã sơ cứu cho mẹ tôi hồi tỉnh và sau đó đã yêu cầu mẹ tôi thuật lại toàn bộ quá trình hình thành bệnh lý và đưa ra các nguyên nhân giả định để mẹ tôi nhớ lại xem mẹ tôi đã từng bị một nguyên nhân nào đó gây ảnh hưởng.

Sự gợi mở về nguyên nhân gây bệnh mà các bác sỹ đã nêu ra trong đó có chấn thương sọ não đã khiến mẹ tôi nhớ lại lần mà mẹ tôi bị sập hầm trú ẩn và các bác sỹ đã có kết luận chính thức cho hiện trạng bệnh lý của mẹ tôi là do chấn thương sọ não chứ không phải là do bệnh lý thuộc về tâm lý giới như lúc đầu đã được các bác sỹ phỏng đoán.

Vậy là ‘bộ quần áo mới’ của tôi đã giúp cho các bác sỹ và chính mẹ tôi tìm ra được đúng căn nguyên của nó để các bác sỹ có phác đồ trị bệnh hợp lý cho mẹ tôi.

Cũng nhờ tìm được nguyên nhân của căn bệnh do bị chấn thương mà mẹ tôi đã bị ảnh hưởng và không quá nguy hiểm nên sau một thời gian ngắn các bác sỹ đã điều chỉnh lại phác đồ điều trị cho mẹ tôi, sức khỏe của mẹ tôi ổn định hơn trước và các bác sỹ khẳng định là sức khỏe của mẹ tôi không đáng lo ngại vì sự tái phát của nó không liên tục nên mẹ tôi được bệnh viện cho ‘nghỉ phép’ để về thăm chúng tôi trước Tết.

Vậy là Tết năm ấy chúng tôi đã có mẹ, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi vào lúc ấy và đó cũng chính là niềm hạnh phúc của mẹ tôi./.

 

 

Vĩnh Linh 1976

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết