Bố tôi - Công ty TNHH Tam Hùng

Bố tôi

Thứ ba - 15/01/2013 17:35
Bố tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con và lắm kế mẫu. Bà nội tôi không may qua đời sớm để lại cho ông nội tôi những ba quí tử nên ông nội tôi lại phải lần lượt phải đi thêm những bước nữa với những bà kế sau này.

Ông nội tôi vốn là con quan tri huyện và thuộc nhánh thứ Đệ nhị Chi phái của Gia tộc Vương thân Hưng Đạo Vương – Trần Hưng Đạo di cư từ Thanh Hoá vào, mặc dù gốc của Dòng họ Trần từng được xác định ở Nam Định và Thái Bình nhưng trong những cuộc chiến tranh phong kiến loạn lạc, Dòng họ Trần cũng như nhiều Dòng họ khác phải ly tán loạn lạc khắp nơi.

Tuy là một bậc ‘Vương tôn Công tử’ nhưng mà ông nội tôi là một người hiền lành chất phác, không ăn chơi và phá tán như những bậc Vương tôn Công tử khác. Chỉ phải tội vì lúc bé không chịu học hành nên hiểu biết không nhiều và đôi khi hiền lành quá mức tưởng tượng.

Bà nội tôi là thứ nữ của quan tri phủ, trái ngược với ông nội tôi: Bà nội tôi tuy là phận nữ nhi nhưng tự thuở bé bà nội tôi rất ham học nên bà nội tôi là người có hiểu biết và với sự thông minh trời phú của một Dòng họ Nguyễn danh giá, bà nội tôi sớm trở thành một nữ kiệt có danh tiếng về học vấn trong một vùng rộng lớn của các Tỉnh Miền Trung thời bấy giờ.

Chỉ tiếc rằng bà nội tôi sinh ra trong thời kỳ mà Xã hội chỉ trọng nam khing nữ nên bà nội tôi không thể tiến thân theo con đường khoa cử và sự nghiệp mà chỉ còn cách ‘nối gót’ những chị em để lập nghiệp bằng cách lấy chồng và chấp nhận hai chữ ‘Vu Qui’ về sống với chồng.

Bà nội tôi có cả thảy với ông nội tôi những bốn quí tử, nhưng chỉ có ba người trong đó có cả bố tôi được may mắn khôn lớn còn một bác của tôi là anh kề trên bố tôi không may qua đời khi chưa đẩy tuổi: Tôi được nghe kể lại rằng vào hồi Pháp thuộc, có một lần bọn Pháp lên đánh làng tôi khiến dân làng tôi và những làng kế bên phải bồng bế nhau vào rừng để tản cư.

Lúc chạy tản cư là một đêm tối trời, bác kề trên bố tôi vì chưa đầy tuổi (dĩ nhiên bố tôi cũng chưa có cơ hội để ra đời) nên bà nội tôi phải bọc rất cẩn thận trong chăn bông kẻo sợ khi chạy trên đường có thể va vấp vào cây hoặc ngã có thể dẫn đến trọng thương cho bác kề của bố tôi.

Thật không may sự cẩn thận của bà nội tôi cũng lại dẫn đến một tai hoạ cho bác tôi: Trên đường chạy lên rừng, lúc đó cũng đang có một con lũ lớn nên bà nội tôi một tay ôm cái bọc chăn trong đó có bác của tôi, một tay phải vịn theo những bụi cậy dọc trên đường để tránh bị sũm xuống nước và từ lúc nào không hay mép cuối của bọc chăn bị sổ ra và bác tôi bị sa xuống dòng nước lũ mà mãi cho đến khi bà nội tôi cùng đoàn người đến được nơi an toàn và mọi người bắt đầu đốt đèn đuốc để tìm kiếm lại thì mới phát hiện được bác tôi đã bị sa không biết từ lúc nào.

Bà nội tôi vật vã đòi quay trở lại để tìm lại cho bằng được bác tôi.

Mọi người phải lựa lời khuyên can mới giữ bà nội tôi ở lại được. Bà nội tôi đau đớn khôn nguôi vì mất đi một đứa con đang còn quá bé nhỏ.

Vài ngày sau, khi quân Pháp đã rút, bà nội cùng mọi người dân làng tôi và các làng kề bên quay trở về lại làng bản cũ thì mọi người phát hiện được thi thể của bác tôi bị dạt trở về lại gần làng tôi và dắt vào một khóm tre nước mọc gần bờ sông: Mọi người nói, bác tôi đã linh thiêng mà ‘trở về làng’. Bà nội tôi khóc mãi không thôi vì sự xấu số của đứa con nhỏ nhất...

Sau này khi có tôi, mọi người nói vong hồn của bác tôi rất quyến luyến tôi nên thường theo tôi và phù hộ cho tôi qua được nhiều đại hoạ có thể khiến tôi tử nạn nếu không được vong hồn của bác tôi yểm trợ. Tôi cũng không dám tin đó là sự thật nhưng trong thâm tâm tôi vẫn thương cảm cho bác tôi vì bác đã không may qua đời sớm như vậy.

Sau đó vài năm, bố tôi mới ra đời và khi bố tôi chưa đầy tuổi thì bà nội tôi lâm bệnh nặng rồi qua đời.

Ông nội tôi chờ cho hết tang bà nội thì lại đi bước nữa bởi thời kỳ mà Xã hội lúc bấy giờ vẫn chấp nhận chế độ đa thê trong gia đình thì việc ông nội tôi đi bước nữa không có lý do gì để bất kỳ ai có thể phản đối.

Mặc dù ông nội tôi trước sau lấy rất nhiều vợ nhưng ông nội tôi vẫn là người chung thuỷ với từng người một bởi vì trong mỗi đời vợ thì ông nội tôi cũng chỉ chung sống với một ngưòi duy nhất. Đến khi không may người ấy qua đời và chờ mãn tang thì nội tôi mới phải đèo bòng theo người khác...

Cho đến khi bố tôi hơn mười tuổi thì nội tôi cũng đã phải goá bụa thêm đôi ba lần vì những kế mẫu trước đó cũng bị xấu số.

Nhiều người cho rằng vì những kế mẫu trước đó đối xử với bố tôi tàn ác quá nên đã bị bà nội (mẹ đẻ của bố tôi) trừng phạt. Mà cũng thật, bởi ông nội tôi rất hiền lành nên các bà kế mẫu đã từng đối xử với bố tôi rất tệ bạc.

Các anh của bố tôi vì sớm trưởng thành nên họ cũng đã thoát ly gia đình đi làm cách mạng: Bác cả của tôi vào bộ đội thông tin ngay từ lúc vẫn còn là một cậu thiếu niên (bác tôi vào Thiếu Sinh quân và học về Thông tin, sau đó mới gia nhập Bộ đội Thông tin) và tham gia Chiến trường C. Sau ngày Giải phóng thì bác cả tôi mới trở về làm Đài phát thanh Thị Xã Đồng hới ở Quảng Bình.

Bác thứ hai của tôi cũng vào Thiếu Sinh quân sau đó tham gia Bộ đội Pháo binh và hy sinh ở Chiến trường Miền Tây của Tổ quốc năm 1966.

Bố tôi vì bé nhất, chưa kịp thoát ly gia đình nên đã bị các kế mẫu mà ông nội tôi rước về mặc sức hành hạ:

Mới có bảy tuổi đầu đã phải ra đồng cày cấy rồi gặt hái mà nhà ông nội tôi đâu có thiếu ăn thiếu mặc gì cho cam. Cho dù bố tôi không cày cấy thì nhà ông nội tôi cũng có thừa của ăn của để.

Chẳng qua vì các kế mẫu tham lam tàn bạo và muốn ra oai tác quái với con riêng của chồng mà luôn muốn hành hạ bố tôi cho bõ...

Vì sự ngược đãi của các kế mẫu mà bố tôi đã phải chấp nhận một cuộc sống cam chịu ngay từ nhỏ.

Sự uất hận đó luôn bị kìm nén và lúc nào cũng như chực sẵn để sẵn sàng phản kháng mà không phản kháng được vì thế đã trở thành một thói quen trong tâm trí của bố tôi khiến cho bố tôi trở thành một người cực kỳ nóng tính gần như mỗi khi ai đó làm sai lời bố tôi là một tràng ‘lộ khí xung thiên’ được phát tác ra ngoài y như là vì bố tôi vừa mới bị một trận đòn dữ dằn và đau đớn tới mức phải trút hết căm uất lên đầu người khác.

Hơn nữa, vì bị các kế mẫu phụ bạc mà ngay từ thuở bé bố tôi không được học hành tử tế như các bác tôi nên phần nào hiểu biết của bố tôi trong cư xử hàng ngày cũng bị hạn chế.

Mặc dầu bị những đời kế mẫu hành hạ nhưng ngay cả những lần bố mẹ tôi cùng tôi trở về quê thì lần nào bố mẹ tôi cũng đều phải phân chia đồng đều những món quà mang về cho cả hai gia đình nội và ngoại như nhau, không hề thiên vị bên nào.

Bà kế mẫu của bố tôi vẫn còn sống sau này là bà kế mẫu cuối cùng và chỉ có với ông nội tôi hai ‘quận chúa’ có nhan sắc ít ai sánh bằng. Duy có ‘quận chúa’ út vì bị một cơn sốt ác tính từ lúc bé nên sau này mặc dù qua khỏi nhưng đã để lại hậu quả là tâm trí không bình thường còn ‘quận chúa’ chị là em của bố tôi thì được cả tài sắc vẹn toàn.

Trước hai ‘quận chúa’ của kế mẫu cuối của bố tôi cũng có một ‘quận chúa trưởng’ là con của một trong những kế mẫu xấu số trước đó. Và như vậy, thời kỳ mà bố tôi chưa được thoát ly gia đình thì bố tôi lại trở thành anh cả để ‘cai quản’ cả ba cô ‘quận chúa’.

Về sau này, khi ông nội tôi mất và chúng tôi cũng bắt đầu có chút nhận thức thì bà kế mẫu cuối cùng cũng bắt đầu thay đổi dần tính nết và trở nên hiền hậu hơn đối với bố tôi và cả chúng tôi.

Có lẽ, từ nhỏ tôi vẫn thường hay đọc những cuốn sách nói về sự tàn ác của những kế mẫu nên trong lòng tôi luôn dành cho người kế mẫu của bố tôi một sự ác cảm rất lớn. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một điều tai hại bởi tuổi trẻ của chúng tôi đã bị tiêm nhiễm một tư tưởng thù ghét các kế mẫu từ những cuốn sách chuyện của thiếu nhi đã khiến cho tôi không mấy gần gũi với người kế mẫu của bố tôi: Mãi cho đến những ngày cuối đời của người kế mẫu của bố tôi, bà phải sống trong cảnh bệnh tật kéo dài mấy năm trời tôi mới cảm thấy thương cảm thật sự với bà và lúc ấy tôi mới thừa nhận đó là một trong những người bà nội của tôi còn trong tâm trí của bố và của cả mẹ tôi thì người kế mẫu ấy vẫn là một trong những người mẹ đáng kính kể từ khi bà bước chân vào nhà nội của tôi.

Bất chấp sự ngược đãi trước đây, bố tôi và mẹ tôi vẫn một lòng ‘thờ’ đạo hiếu với bà: Con người của bố tôi và mẹ tôi là vậy.

Bố tôi kể lại rằng, mặc dầu thuở bé bố tôi phải sống và chịu đựng sự hành hạ của các đời kế mẫu sau này nhưng cái ăn cái mặc vẫn không thiếu bởi nhà nội tôi vốn là một trong hai gia đình giàu có nhất làng lúc ấy (không chỉ trong làng tôi mà kể cả một vùng rộng lớn của các huyện lỵ Quảng Bình hồi ấy thì giàu nhất vẫn là nhà ông ngoại tôi và kế đó là nhà ông nội tôi nên bố mẹ tôi được gả cho nhau theo tục ‘môn đăng hộ đối’), chỉ có duy nhất là bố tôi phải làm lụng vất vả và lúc ấy bố tôi cũng tự hỏi những đời kế mẫu đã bắt bố tôi phải làm lụng vất vả để làm gì bởi lúc ấy bố tôi vẫn đang là một đứa trẻ, dẫu cho có nai sức ‘trâu bò’ gân guốc mà làm cho hết mình thì cũng không làm nổi một tích sự gì...

Cho đến khi Cải cách Ruộng đất được ban hành, vì nội tôi là người hiền lành chất phác nên không biết thu giấu của cải, đến khi Đội Cải cách Ruộng đất đến lập biên bản thì mọi của cải của nội tôi đều bị kê biên và sung công cho Nhà nước. Kể từ bấy gia đinh bố tôi mới trở nên bần cùng.

Những người trong gia đình bố tôi bị giam giữ ba ngày đấu tố và truy hỏi để buộc phải khai cho bằng hết tài sản có được chôn giấu ở đâu hay không. Ông nội tôi bị Đội Cải cách đánh đập dã man, sau lần bị đấu tố, ông nội tôi đã bị ác mộng và luôn bị ám ảnh kéo dài cho đến cuối đời bởi kể từ đời các cụ kỵ của tôi cho dù có làm quan nhưng cũng không làm ác với dân vậy mà đến đời ông tôi lại bị qui nào là phú nông, nào là cường hào hoặc ác bá gì đó nghĩa rằng với bất kỳ những cái tội danh nào mà thời bấy giờ người ta có thể nghĩ ra là lập tức gán đặt cho ông nội tôi.

Sau này, khi được Bác Hồ phê chuẩn sắc lệnh sửa sai, ông nội tôi mới được xem xét để ‘trả lại thành phần’ và được tha bổng nhưng của nả thì cũng đã bị sung công hết rồi. Sau khi đã bị sung công thì cùng chẳng còn ai ‘nhớ’ là đã từng tịch thu của ông nội tôi là bao nhiêu để mà trả lại vậy là ông nội tôi mất trắng.

Mặc dầu vậy, ông nội tôi cũng không dám kiện Chính quyền bởi ông nội tôi nghĩ rằng ‘thôi thì giữ được thân là may lắm rồi’.

Cuộc sống của bố tôi lúc ấy mới thực sự khốn khổ: Hàng ngày bố tôi phải lên rừng để đào rể cây và đào củ mài để nuôi sống cả gia đình. Thời kỳ đầu bố tôi bị sốt rét rồi ăn củ mài mà bị báng, bụng phình to như đàn bà mang chửa. Cũng may mà gặp được ông ngoại tôi mà ông ngoại tôi đã cắt cho mấy thang thuốc uống rồi mới khỏi bệnh.

Ấy cũng là duyên may, kể từ lúc gặp được ông ngoại tôi, vì biết được gia cảnh của bố tôi như vậy và vì bố tôi cũng như ông nội tôi là người chất phác thật thà nên ông ngoại tôi cũng đã có ý ‘chấm’ cho mẹ tôi sau này.

Kể từ ấy, bố tôi cũng siêng năng lên nhà của ông ngoại tôi để ‘cắt thuốc’, nhân tiện gặp được các chị gái của mẹ tôi và họ đã tuyên truyền cho bố tôi phải tham gia hoạt động Cách mạng rồi thoát ly gia đình.

Được các chị của mẹ tôi vận động thế là bố tôi hăm hở gia nhập Đoàn 5-59 của cụ Đồng Sỹ Nguyên để sang Lào làm nghĩa vụ Quốc tế.

Mối duyên tình giữa bố và mẹ tôi cũng bắt đầu với nhiều sóng gió bởi mặc dầu ông ngoại tôi đã ‘chấm sổ’ và các chị của mẹ tôi cũng rất có thiện cảm với bố tôi nhưng mà mắt xanh của mẹ tôi vẫn chưa hề một lần liếc nhìn bố tôi nên các chị của mẹ tôi hồi đó tìm cách ‘gạ gẫm’ mẹ tôi rằng nếu mẹ tôi đồng ý thì sẽ được các chị cho một chiếc xe đạp thống nhất.

Bởi lúc đó mẹ tôi cũng chỉ chưa đầy mười sáu tuổi nên chỉ vì một chiếc xe đạp thống nhất mà hứa bừa để ‘lấy của’ rồi tìm cách ‘té’ sau cũng chưa muộn. Nhưng mà các chị của mẹ tôi cũng quả là cao tay ấn, sau khi trao xe đạp cho mẹ tôi rồi thì quyết giữ chặt ‘phanh xe’ không để cho mẹ tôi ‘sổng chuồng’ vậy là cuộc gặp gỡ đầu tiên bắt đầu:

Đó là một buổi tối, bố tôi được cả nhà gái trang trọng mời đến gặp mặt trước trong khi mẹ tôi vẫn đang đi làm trong Ban Công tác Đoàn vẫn chưa về.

Sau khi ra mắt nhà gái, mọi người trong gia đình mẹ tôi đề nghị bố tôi tiếp tục chờ mẹ tôi về: Vừa dắt xe vào ngõ đã trông thấy ‘bố tôi’ ngồi lù lù ở đấy từ lúc nào nên mẹ tôi rất tức tối nhưng vẫn đành phải ngoan ngoãn vào nhà, mẹ tôi không hề chào bố tôi lấy một tiếng liền vào bếp bê hẳn cả niêu cơm cùng mấy món ăn lên ngay bàn tiếp khách mà bố tôi đang ngồi và hau háu ăn ngay trước mặt bố tôi.

Mẹ tôi cố tình làm ra vẻ là một người thiếu lịch sự để bố tôi phải từ bỏ ý định ‘ve vãn’ mẹ tôi. Nhưng bố tôi lại thầm nghĩ ‘mình đã quen chịu cung cách cư xử khó chịu của kế mẫu rồi nên miễn là lấy được vợ là được còn tính tình của vợ thì có thể dạy sau cũng không muộn. Người xinh đẹp lại vốn là con nhà bề thế, mấy ai có diễm phúc...’, nghĩ vậy, bố tôi ‘cố đấm ăn xôi’ và lấy cái phích nước che bớt ánh đèn cho mẹ tôi ngồi ăn để mọi người khỏi thấy cái cảnh khó coi mà mẹ tôi đang cố biểu diễn.

Thấy vậy, mẹ tôi lại dọn sạch mọi thứ trên bàn và đốt thêm một cây đèn nữa cho sáng hơn.

Bố tôi và mọi người cũng để mặc mẹ tôi làm mình làm mẩy và vì xe đạp của các chị cho thì mẹ tôi cũng đã lấy rồi nên bây giờ đến lúc mẹ tôi phải nhận lời cầu hôn. Mặc dầu mẹ tôi bất tuân nhưng vì thời đó vẫn đang nặng hũ tục ‘cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy’ nên một năm sau hôn lễ giữa mẹ tôi và bố tôi đã được tiến hành và lúc ấy mẹ tôi mới mười bảy tuổi.

Ngay đêm tân hôn mẹ tôi nhất quyết không chịu ‘động phòng’ với bố tôi, mãi sau này mẹ tôi mới nói rằng mẹ tôi đã ân hận và hối tiếc về điều đó. Bởi sáng hôm sau bố tôi phải khoác ba lô lên đường cùng đoàn sang Lào và sau đó cứ hai năm mới được về phép một lần nhưng sau hai lần nghỉ phép mẹ tôi vẫn không chịu chung chăn gối.

Bố tôi vẫn không thất vọng mà vẫn tiếp tục yên tâm công tác tại Lào bởi gia đình ngoại tôi vẫn thường ‘thay mặt’ mẹ tôi để viết thư thăm hỏi và động viên bố tôi nên bố tôi cũng thấy vững dạ để tiếp tục chờ đợi sự hồi tâm chuyển ý của người vợ đã cưới.

Thế rồi vào cuối năm 1969, trong một lần đi công tác, bố tôi bị vướng một loại mìn lá có độc nên đã phải vào Quân y Viện để chữa trị. Sau khi vừa mới tỉnh lại, bố tôi chưa kịp biết được hậu quả của vết thương như thế nào đành viết thư cho mẹ tôi và khuyên mẹ tôi hãy bỏ bố tôi mà lấy người khác vì bố tôi sợ rằng sau này trở về sẽ tàn phế vì đã bị trúng mìn, bố tôi không muốn mẹ tôi phải khổ sau này...

Nhận được thư của bố tôi, mẹ tôi chân thành cảm động và bỗng từ đâu đó thật sâu xa trong cõi lòng lúc ấy chợt dâng lên một tình cảm nồng nàn và cũng rất thành thật với bố tôi bởi thời kỳ đó cũng đang dấy lên một phong trào ‘ưu tiên tình cảm’ với các thương binh của những người phụ nữ hậu phương. Mẹ tôi liền ‘phúc đáp’ ngay cho bố tôi rằng cho dù bố tôi có bị tàn phế thì mẹ tôi vẫn một lòng thuỷ chung với bố tôi.

Vậy là cuối năm đó, sau khi chữa lành vết thương, bố tôi may mắn không bị một khuyết tật nào do vết thương và về phép thăm mẹ tôi để được trọn nghĩa vợ chồng mà sau sáu năm kể từ ngày cưới bố mẹ tôi mới thật sự có những suy nghĩ và hành động nghiêm túc về điều này để rồi sau đó gần một năm nữa tôi mới có cơ hội để chào đời.

Sau mười ba năm, kể từ ngày cưới bố mẹ tôi mới được thật sự đoàn tụ với nhau và khi ấy tôi cũng vừa tròn sáu tuổi. Lúc bố tôi trở về, không hiểu sao tôi không muốn nhận bố, tôi chỉ xưng tên của tôi khi nói chuyện với bố mà không hề xưng ‘con’ với bố tôi.

Có lẽ những năm tháng xa cách bố từ thuở bé đã khiến cho bố tôi trở thành một người lạ lẫm đối với tôi: Trong tâm trí của tôi lúc ấy chỉ có mẹ mới là người thực sự gần gũi nhất trong đời tôi.

Sau này, khi đã khôn lớn tôi mới hiểu được rằng trẻ con vốn yêu quí và tin cậy những người luôn ở bên cạnh mình./.

 

 

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết