Bức tượng Phật bà - Công ty TNHH Tam Hùng

Bức tượng Phật bà

Thứ hai - 14/01/2013 08:19
Học hết lớp bảy ở Đông hà, gia đình tôi lại chuyển về Quảng Bình, nơi mà tôi đã từng cắp sách đến trường những ngày đầu tiên. Sau gần sáu năm sống ở Đông hà, tôi cũng đã quen rất nhiều bạn bè, đến lúc chia tay cũng nhiều quyến luyến và ngậm ngùi. Cho dù tôi đã phải trải qua những năm tháng tằng bị bọn trẻ lớn hơn tôi bắt nạt hoặc đánh đập nhưng tôi cũng đã nhận thức được rằng đó là nơi mà tôi đã từng được học lâu nhất trong cuộc đời học sinh của tôi.

Mặc dù ở Đông Hà tôi cũng đã chuyển trường 2 lần, khi tôi mới vào Đông Hà thì phải học lại lớp 2 vì bị chuyển gián đoạn và do Hệ Giáo dục của Vĩnh Linh là hệ 10 năm còn ở Đông Hà là hệ 12 năm nên các giáo viên bắt tôi phải học lại lớp 2 và lúc ấy tôi được học ở trường ‘Nhà trắng’, năm sau tôi lên lớp 3 thì mới chuyển về trường Phường 5A.

Ít nhất, tôi cũng đã có gần 5 năm gắn bó  với trường Phường 5A nhưng rốt cuộc tôi không thể cưỡng lại được vì chúng tôi phải chấp nhận theo hoàn cảnh làm việc và công tác của bố tôi.

Bố tôi được mệnh danh là ‘chuyên gia xây ổ’ cho những đơn vị mới thành lập: Trong nhiều năm qua, bất kỳ một đơn vị nào cần được thành lập mới thì bố tôi đều được bổ nhiệm làm Trưởng ban chỉ đạo từ việc xây dựng cơ bản gồm nhà cửa kho tàng cho tới cơ cấu nhân lực và qui cách vận hành của một bộ máy cơ quan mới.

Nhưng khi cơ sở vật chất cũng như cấu tổ chức của một đơn vị mới đã được hoàn thiện thì lập tức người khác được điều đến thay và bố tôi lại khởi đầu một đơn vị mới khác...

Cứ như vậy, những nơi nào gian khổ nhất là bố tôi được điều tới và chúng tôi cũng phải gánh chịu chung cùng số phận của bố tôi.

Mẹ tôi vì thế cứ phải thuyên chuyển công tác thậm chí phải chuyển nghề khác để có thể theo cùng bố tôi và chúng tôi. Vì lẽ đó, cuộc sống của chúng tôi vốn đã khó khăn lại càng khó khăn bởi khi chuyển nghề thì đồng lương của mẹ tôi bị giảm sút vì phải bắt đầu một công việc mới không được tính theo thâm niên nghề nghiệp.

Mặc, chúng tôi vẫn sống và vẫn đoàn tụ...

Trước ngày rời khỏi Đông hà, tôi đã đến chào giã biệt Nhà sư, không biết là vô tình hay hữu ý, Nhà sư trao tặng tôi một bức tượng Phật bà bằng thạch ngọc và nói rằng:

‘Sớm biết không sớm thì muộn Thí chủ cũng sẽ rời đi nơi khác vì Thí chủ cũng chỉ là một con chim lạc nên không cư ngụ ở đây lâu dài, ta có chuẩn bị sẵn bức tượng Phật bà này mong Thí chủ hãy vui lòng nhận lấy làm vật hộ thân. Đây chính là Bảo mẫu của Thí chủ’;

Tôi không biết mình có được hộ thân nhờ có bức tượng Phật bà hay không nhưng với một bức tượng bằng thạch ngọc rất đẹp và rất quí thì lòng khát khao thèm muốn của một đứa trẻ như tôi khiến tôi không thể từ chối miễn là không phải của ăn cắp:

Tôi đón nhận bức tượng Phật bà từ tay Nhà sư và chân thành cám ơn Nhà sư rồi ra về. Tôi không quan niệm Phật bà là Bảo mẫu của tôi như lời Nhà sư nói nhưng cũng có một tấm lòng rất thành kính với Phật bà.

Nhà sư lại tiếp lời:

‘Thí chủ tuy thân ở Cõi phàm trần nhưng mà Linh hồn đang tu ở Cõi Phật nên trong cuộc sống hàng ngày của Thí chủ luôn được sự dõi theo của Phật bà và luôn được Phật bà răn dạy cho Thí chủ mỗi khi Thí chủ gặp phải sai lầm nào đó trong cuộc sống’;

Tôi không tranh luận với Nhà sư những điều gì mà Nhà sư từng nói với tôi bởi lúc ấy tôi vẫn còn là một cậu bé, chưa hiểu những gì trong cuộc sống đời thường và càng không hiểu gì về cuộc sống tâm linh và cũng không hiểu biết về tín ngưỡng và tôn giáo.

Mặc dầu vậy, Phật Giáo vẫn có một ấn tượng nào đó đối với tôi rất gần gũi mà hình như vốn sẵn từ trong sâu xa cõi lòng tôi khiến cho tôi nghĩ rằng Nhà sư từng nói tôi có ‘tiềm căn’ với Phật tức là cũng đã có một ‘duyên nợ’ với Phất thì chắc là cũng không sai chút nào.

Tôi đã giữ mãi bức tượng Phật bà rất nhiều năm, mặc dù tôi chỉ biết ngắm nhìn mà không biết làm gì hơn. Cho đến khi tôi trao lại kỷ vật thiêng liêng ấy cho một người bạn gái thì mới thấy rằng nó thực sự quí giá đối với tôi. Bởi cho đến lúc ấy tôi mới thấy rõ giá trị về mặt tinh thần của bức tượng Phật bà đối với tôi.

Có thể nói rằng tôi đã sống qua những năm tháng của cuộc đời mình với tuổi ấu thơ chìm trong đói khát, khổ cực và cả những căn bệnh không rõ nguyên nhân hành hạ khiến cho tôi không có một tuổi thơ trọn vẹn như bao đứa trẻ khác.

Vì đói khát, vì bệnh tật hành hạ mà tôi đã vùi đầu vào sách vở để quên đi những nhức nhối hành hạ thể xác và tâm can mình và đã trở thành một thói quen cho đến lúc trưởng thành khiến cho tôi không có cả tuổi trẻ.

Nhưng chính từ những cái quí giá của cuộc đời tôi bị đánh mất ở tuổi ấu thơ và không có ở tuổi trẻ mà đã giúp cho tôi tự tìm thấy một cuộc đời mới có ý nghĩa hơn cho bản thân của chính mình và có thể sẽ giúp tôi sống có ích hơn cho chính mình hiện tại và sau này.

Có những lúc trong đời tôi, gặp những điều trắc trở và uất ức trong cuộc sống, tôi đã lấy bức tượng Phật bà ra xem: Ngắm nhìn gương mặt thánh thiện của Phật bà, lòng tôi như được an ủi và tai tôi như nghe được những lời giáo lý của Phật bà khuyên tôi sống giữ đạo làm người, cương trực ngay thẳng và sẵn sàng chấp nhận những gian nguy, không nề thất bại để tiếp tục rèn luyện bản ngã phấn đấu cho một sự nghiệp cao cả...

Tại sao chỉ có Phật bà mới làm cho tinh thần của tôi phấn chấn và tại sao chỉ có Phật bà mới có thể làm cho tư tưởng của tôi trong sáng?

Bởi vì trong mỗi con người đều có một hướng định riêng cho khả năng nhận thức của mình. Mỗi khi ngắm nhìn bức tượng Phật bà, tự trong lòng tôi dâng lên những cảm xúc bột phát tự chính trong tâm can và lý trí của tôi, hoàn toàn không bị áp đặt một cách giáo điều khiến cho tôi cảm thấy gần gũi thân thiện và dễ nhận thức theo sự tri ngộ của chính bản thân mình.

Cuộc đời tôi đã sớm biết hướng thiện theo luân lý của cuộc sống mà trong đó sự giáo dục của mẹ tôi đối với tôi và những tố chất tôi tự ngộ được từ gương mặt thánh thiện của Phật bà đã giúp tôi khẳng định được bản thân mình để vươn lên, vượt qua những hoạn nạn và thất bại để hướng đến những thành công của mai sau./.

 

Đông hà 1984

 

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết