Câu chuyện bi thảm - Công ty TNHH Tam Hùng

Câu chuyện bi thảm

Thứ hai - 14/01/2013 02:43
Có lẽ câu chuyện bi thảm ấy đã theo suốt cả cuộc đời của những đứa trẻ chúng tôi mà không bao giờ có thể quên được.

Lũ trẻ nhỏ chúng tôi lúc ấy đều là con của các cô giáo cùng trường với mẹ tôi. Chúng tôi vẫn thường tụm năm tụm ba với nhau để cùng chạy nhảy khắp nơi với những trò chơi trẻ con đôi khi rất vô hại nhưng cũng có nhiều khi không ít nguy hiểm, nhất là đối với lứa tuổi của chúng tôi chưa đủ khả năng để tự nhận thức được đâu là những trò có thể chơi được và đâu là những trò không thể chơi được.

Những trò mà chúng tôi có thể chơi hoàn toàn xuất phát từ chỗ học được từ những đứa trẻ lớn hơn và tuỳ hứng một cách bột phát do một đứa trẻ bất kỳ nào đó trong bọn có thể chợt ‘phát minh’ ra.

Bởi lẽ đó, không ai có thể kiểm soát nổi chúng tôi, ngay cả chúng tôi cũng không tự quyết định được chúng tôi sẽ chơi những trò gì trong cuộc chơi ngày hôm đó và càng không thể biết được chúng tôi sẽ chơi những gì hôm sau. Nói tóm lại, chúng tôi tuỳ cơ mà ứng biến với những trò chơi của mình miễn là chơi được và được cả bọn chấp nhận…

Có một lần, đang đêm, bọn tôi rủ nhau đi chơi bắt đom đóm. Những con đom đóm lập loè bay chờ vờn giữa những bãi sân rộng của khu trường mẹ tôi dạy, đó cũng là một điều hết sức kỳ thú đối với lũ trẻ chúng tôi.

Cả lũ chúng tôi đều quên mất rằng, giữa các khoảng sân trường gần các dãy nhà đều có các dây chằng chống bão bằng sắt rất chắc được néo một đầu vào mái nhà và một đầu được chôn xuống đất để giữ cho những dãy nhà không bị lay quật khi có bão.

Lúc đuổi theo những con đom đóm, tôi đã chạy vướng vào một sợi dây chằng vì không nhìn thấy nó, vì dây chằng được dằng chéo từ trên mái nhà xuống đất và tôi chạy sát mái hiên nhà nên đoạn dây chằng mà tôi bị vướng phải ngang đúng tầm cổ của tôi.

Đang trên đà chạy, bị vướng phải dây chằng thì không kịp dừng lại và sợi dây chằng trở thành một cái võng nâng người tôi lên. Toàn thân dưới của tôi theo đà nên bị lao tiếp tục về phía trước còn phần trên cổ của tôi bị sợi dây chằng giữ lại khiến cho toàn thân tôi bị đánh đu trên dây chằng, sau đó mất đà rồi tôi bị đập đầu xuống đất.

Cũng may vì cơ thể của tôi nhỏ bé nên cú ngã đập đầu ấy không khiến tôi bị trọng thương nhưng vì bị sợi dây chằng chặn vào cổ nên cổ của tôi bị thương khá trầm trọng phải gần hai tuần sau mới hồi phục được.

Vì trò chơi ấy mà tôi và lũ trẻ đều bị bố mẹ răn dạy ra trò.

Sự hà khắc của những người lớn đôi khi lại có tác dụng ngược lại đối với những đứa trẻ chúng tôi. Chỉ vì chuyện tôi bị ngã do vướng vào dây chằng mà cả lũ phải bị ăn đòn nên chúng tôi đã thề với nhau sẽ phải giấu kín những chuyện không may nếu gặp phải.

Chính điều đó đã gây cho chúng tôi một tai hoạ bi thảm, lũ trẻ chúng tôi vừa trai vừa gái, đứa lớn nhất chừng bảy tuổi và đứa bé nhất chừng bốn tuổi túm tụm cùng nhau chạy chơi quanh sân trường. Những trò của trẻ con thôi thì đủ thứ không thể kể cho hết được.

Đó là vào độ cuối xuân, vì trường của mẹ tôi nằm gần những ngọn đồi sim đang độ ra hoa, những đàn bướm đủ màu sắc từ những đồi sim bay lạc vào sân trường khiến lũ trẻ chúng tôi mải mê đuổi theo chúng. Tất cả chúng tôi đều dán mắt vào những chú bướm mà chúng tôi muốn đuổi bắt, không hề để mắt đến những chướng ngại hoặc bất kỳ một thứ gì nguy hiểm dưới chân chúng tôi.

Thế rồi thật không may, một đứa bé gái kém tôi chừng một tuổi sa chân xuống một chiếc giếng cạn không có thành chắn, đó là một trong những chiếc giếng dã chiến được các giáo viên và học sinh trong trường tự đào để lấy nước sinh hoạt.

Khi đứa bé gái bị ngã xuống giếng, tất cả bọn trẻ còn lại trong chúng tôi đều nhìn thấy nhưng không ai bảo ai liền vội vã tìm cách trốn biệt về nhà. Vì sợ bị người lớn đánh mắng mà không đứa nào dám hé răng nửa lời với người lớn để kịp thời tìm cách cứu đứa bé bị ngã.

Chúng tôi sợ đến nỗi vài ngày sau đó, những đứa trẻ chúng tôi đều trở nên ngoan hơn một cách lạ thường.

Chỉ vì sợ bị bố mẹ đánh mắng mà chúng tôi đã để cho một đứa trẻ bị uổng mạng.

Suốt ngày hôm đó, mọi người trong trường đều nháo nhào đi tìm đứa bé gái xấu số đó, họ sục sạo khắp mọi ngóc ngách cho tới những bụi cây và dùng cả que kều xuống cả những nơi ao tù có nước đọng nhưng rốt cuộc không tìm thấy.

Mọi người đều tìm cách gặng hỏi lần lượt tất cả lũ trẻ chúng tôi nhưng không một đứa trẻ nào dám nói ra sự thật về tai nạn rủi ro đã rồi của đứa bé gái tội nghiệp kia.

Gần đến cuối ngày, những chị học sinh ra giếng cạn lấy nước và trông thấy thi thể của đứa bé lập lờ dưới đáy chiếc giếng cạn liền hoảng hốt la ó om sòm, mẹ của đứa bé gái nghe thấy liền vội vã chồm tới cái giếng và nhảy ngay xuống để vớt xác con mình lên.

Người mẹ không đành buông xác con mình khỏi tay mà vẫn ôm chặt nó trong người với một nỗi đau khôn cùng trong tiếng khóc xé lòng. Tôi chỉ dám đứng ở một nơi rất xa và len lén nhìn về cái giếng nơi mà người mẹ của đứa bé vẫn đang ôm nó và khóc lóc thảm thiết.

Tiếng khóc đau đớn của người mẹ đã khiến cho tôi mủi lòng và khiến cho cái bản tính ‘nhân chi sơ’ tự sâu xa trong cõi lòng tôi cũng ứa nước mắt. Tôi đã khóc thật sự khi quay trở về nhà.

Nhìn thấy tôi khóc, mẹ tôi biết rằng tôi là một trong những đứa trẻ đã biết rõ cái chết của đứa bé gái xấu số nhưng vì quá sợ người lớn mà không dám dũng cảm nói ra sự thật.

Mẹ tôi ôm tôi vào lòng và phân giải cho tôi hiểu rằng việc đứa bé bị tai nạn là điều không thể tránh khỏi đối với những đứa trẻ ham chơi như tôi nhưng đó là điều hệ trọng với tính mạng của bất kỳ đứa trẻ nào như chúng tôi, nếu gặp những trường hợp tương tự như vậy, hãy tìm người lớn để có biện pháp ứng cứu kịp thời. Đừng vì sợ bị người lớn đánh mắng mà để xảy ra những trường hợp tương tự.

Mẹ tôi kể cho tôi những bằng chứng sát thực về những hậu quả tương tự của những trò chơi trẻ con: Tôi có một người cậu họ có một cánh tay bị tật, mẹ tôi nói rằng ngày trước khi cậu còn rất bé, người chị gái chỉ lớn hơn cậu vài tuổi đã bế cậu đi chơi và không may cả hai chị em đều ngã khiến cho cậu bị gãy tay.

Vì quá sợ bị bố mẹ mắng nên sau khi dỗ cho cậu nín và đưa trở về nhà thì không ai hay biết được sự việc đã xảy ra. Chỉ biết rằng mấy ngày đầu vì bị đau tay nên cậu hay quấy khóc nhưng không hiểu nguyên nhân gì, những tưởng đó chỉ là sự ương chướng thường ngày của cậu.

Hậu quả, cánh tay của cậu sau một thời gian tự hồi phục đã không thành nguyên trạng như trước mà trở thành tật và tàn phế đến suốt đời.

Một chuyện khác nữa cũng đã xảy ra đối với người anh trai thứ hai con của bác cả của tôi: Vào lúc đang còn học lớp năm hay lớp sáu gì đó, anh ấy cùng với một anh bạn hàng xóm đã nghịch bom bi và bị nổ khiến cho cả hai người đều bị thương.

Người bạn hàng xóm của anh bị thương nặng nên phải vào viện còn anh bị ba viên bi của bom bi bắn vào bụng nhưng cũng rất may chỉ vào phần mềm nên anh đã tự băng bó cho mình rồi tìm mọi cách giấu biệt không hé răng nửa lời cho bác cả của tôi biết.

Gần một tuần sau, tình cờ biết tin con người hàng xóm bị thương đang nằm viện, bác cả tôi mua vài trái cây làm quà để vào viện thăm con hàng xóm vì dẫu gì láng giềng gần cũng lấy điều quan tâm lẫn nhau.

Khi bác tôi đến bên giường của cậu ấm hàng xóm thì người hàng xóm lấy lời cảm ơn thật cảm động và nhân thể hỏi bác tôi rằng cậu ấm của bác tôi đã khỏi chưa.

Bác tôi thất kinh hỏi lại người hàng xóm rằng tại sao lại hỏi như vậy, người hàng xóm thật thà nói rằng cậu ấm của bác tôi cùng cậu ấm của ông ấy đã rủ nhau cùng nghịch bom bi và cả hai đều bị thương, duy chỉ có cậu ấm của bác tôi may mắn bị thương nhẹ nhưng thực sự mà nói thì ông ấy cũng không biết đến mức độ nào.

Bác tôi nghe nói vậy liền vội vã cáo từ rồi tìm cách về nhà cho nhanh cũng vừa lúc cậu ấm đi học về, bác tôi vừa trông thấy liền lên tiếng bắt anh ấy đứng yên rồi vén áo lên xem thì vết thương ở bụng của anh ấy đã bắt đầu nhiễm trùng. Bác tôi khóc mà rằng:

‘Tại sao con dại dột gì đến nước ấy hở con?

Con dại lần thứ nhất là nghịch bom bi để bom bi nổ, tội ấy đáng đánh đòn và cũng đánh vì để con khỏi nghịch dại;

Con dại lần thứ hai là đã bị thương thì phải nói để mọi người còn biết mà chữa chạy cho con, nào ai ngờ được con cứ giấu thế này thì biết hậu quả thế nào hở con?

Cũng may mà phúc nhà còn lớn nên con không đến nỗi gì, mặc dù vết thương bị nhiễm trùng nhưng cơ hồ vẫn chữa được!’.

Nói rồi bác tôi vội đưa ngay cậu ấm nhà mình vào bệnh viện để chữa vết thương. Rốt cuộc anh ấy cũng phải nằm viện ngót một tuần mới qua được sự nguy hiểm của những vết thương đã bị nhiễm trùng.

Những câu chuyện đó không phải để biện bạch cho sự thiếu dũng cảm của mình mà để nói rằng sự nghiêm khắc của những bậc bố mẹ ở một mức độ nào đó cũng có những mặt tích cực để những cô chiêu cậu ấm phải biết giữ chừng mực trong những trò nghịch ngợm của mình.

Nhưng nếu sự nghiêm khắc thái quá cũng sẽ khiến cho các cô chiêu cậu ấm chỉ vì sợ bị đánh mắng mà tìm cách che dấu những lỗi lầm chết người của mình, đó cũng chính là nguyên nhân để khiến cho trẻ hình thành nên tật thói gian dối vô cùng nguy hại…

Những câu chuyện tương tự đó cũng đã từng xảy ra lần lượt với tất cả những ai đã từng trải qua cái tuổi thơ dại…

Chuyện của riêng tôi thật sự bi thảm, nhiều năm đã trôi qua nhưng trong đời tôi không bao giờ quên được sự đau đớn tột cùng của người mẹ của đứa bé gái xấu số, điều đó đã khiến cho tôi phải day dứt ân hận có lẽ cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời mình.

Không những thế, tôi hiểu rằng, tất cả những đứa trẻ trong số chúng tôi đã từng tham gia cuộc chơi trong cái ngày xảy ra tai hoạ bi thảm ấy đều phải mang trong lòng mình một nỗi niềm ân hận dai dẳng./.

 

Quảng Bình 1975

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết