Chào đời - Công ty TNHH Tam Hùng

Chào đời

Chủ nhật - 13/01/2013 20:59
Vào một ngày khai xuân nắng đẹp, lúc ban trưa, tôi đã cất tiếng khóc chào đời ngay trên mảnh đất mà mẹ tôi và cả bố tôi cũng đã từng sinh ra nhưng miền quê ấy chỉ gắn bó những năm tháng sơ sinh của tôi để rồi sau đó tôi đã rời xa quê hương và lớn lên trên mọi miền của đất nước.

Quê hương tôi vốn nhỏ bé trong tầm mắt trẻ thơ của tôi bao nhiêu thì khi tôi đã lớn lên trên nhiều thành phố làng mạc của đất nước, tôi càng cảm thấy nó nhỏ bé hơn nhưng mà rất đỗi thân thương. Những lần trở về thăm quê, những cảm xúc bùi ngùi khó tả luôn khiến tôi nghẹn ngào. Vì nơi đây đã từng chôn giấu bao kỷ niệm thời sơ sinh của tôi, những kỷ niệm đó đã hằn sâu trong tiềm thức của tôi mà không bao giờ có thể phôi pha.

          Tôi vốn là đứa trẻ sinh thiếu tháng bởi khi mang thai tôi, mẹ tôi đã bị chấn thương vì máy bay ném bom, tính cho đến ngày tôi chào đời tôi chỉ nằm trong bụng mẹ hơn bảy tháng. Lúc mới sinh, tôi chỉ là một hài nhi nhỏ bé không đầy cân. Sau khi sinh, nhìn thấy tôi quá bé nhỏ mẹ tôi không cầm được nước mắt vì sợ rằng sẽ không nuôi nổi tôi.

May thay, ông ngoại tôi vốn là một thầy thuốc giỏi nhất vùng đã rắn rỏi khuyên mẹ tôi đừng lo buồn mà hãy gắng sức để nuôi dưỡng tôi.

Vì quá bé nên lúc vừa sinh ra tôi không có được những bản năng mà tạo hoá đã ban cho lúc lọt lòng: Tôi không biết bú mẹ khi đói và cũng không khóc được ngay cả khi vừa sinh ra, bà đỡ đã phải bạt tai cho tôi vài cái vào má khiến cho tôi bật ra những tiếng khóc ít ỏi và rồi sau đó lại câm bặt.

Suốt một tuần sau khi sinh, tôi nằm bất động trong mấy lớp tã quấn đầy người và được đặt lọt thỏm trong chiếc nôi tre treo giữa nhà, không đòi bú và cũng không có lấy một tiếng khóc. Mắt nhắm nghiền, chỉ có mỗi một biểu hiện duy nhất của sự sống trong tôi đó là nhịp thở yếu ớt và thoảng hoặc đôi môi của tôi lại chớp chớp.

Mỗi khi có ai đó nhìn vào nôi, thấy cặp môi tôi cử động thì đó là sự khích lệ và an ủi duy nhất đối với những ai quan tâm đến cái sự sống mong manh của tôi.

Trong làng tôi, chưa ai có kinh nghiệm trong việc nuôi trẻ thiếu tháng nên ban đầu khi thấy tôi không đòi bú sữa mẹ thì không ai quan tâm đến việc mẹ tôi có sữa hay không mà chỉ loay hoay xem tôi có đòi ăn hay không và bằng cách nào để cho tôi ăn.

Theo tục tập cũ, đối với những đứa trẻ khó nuôi hoặc người mẹ vốn có căn chứng khó sinh con thì sau khi vừa được sinh ra, đứa trẻ phải được làm lễ gả bán sau đó phải chuộc lại thì mới nuôi được. Tôi cũng đã được làm lễ gả bán cho Chùa và đã được làm phép với một chiếc vòng hộ mệnh bằng bạc đeo vào cổ chân. Nhưng sau này, khi vào trường, mẹ tôi phải tháo nó và cất đi vì sợ bị nhà trường khiển trách là mê tín dị đoan.

Không có ai hiểu rằng, nếu con  chưa đủ khả năng để bú sữa mẹ thì người mẹ vẫn phải hàng ngày tự vắt sữa của mình để thông tuyến sữa. Nếu tuyến sữa không được thông đều đặn thì tuyến sữa sẽ cắt hoàn toàn sau một thời gian ngắn.

Sau một tuần bằm im bất động, dường như khí trời đã dưỡng sức cho tôi làm cho tôi trở nên hoạt bát hơn, tôi bắt đầu cất tiếng khóc đòi bú sữa mẹ. Mẹ tôi vừa sung sướng vừa bàng hoàng ôm tôi và áp miệng tôi vào núm vú đã khô kiệt dòng sữa. Không có sữa nên cơn đói bắt đầu hành hạ thể xác nhỏ bé của tôi làm tôi kêu gào thảm thiết.

Mọi người lại bao phen cuống cuồng tìm kiếm tất cả những gì có thể cho một đứa trẻ như tôi ăn được: Thời buổi chiến tranh, một hộp sữa đặc bình thường nhất như Sữa Ông Thọ cũng không thể có được. Oái oăm hơn nữa, lúc đó trong làng tôi cũng không có lấy một người nào có con nhỏ đang bú sữa để có thể cho tôi bú nhờ.

Với tài năng y thuật của ông ngoại tôi cũng không làm sao để cho mẹ tôi có sữa trở lại bởi vì lúc đó mọi loại thuốc thang cũng trở nên hiếm hoi  đắt đỏ, không có lấy một món ăn nào có dinh dưỡng để bồi bổ cho mẹ tôi. Ông ngoại tôi gần như bất lực nhưng ông vẫn luôn cố gắng giấu đi sự thất vọng của ông trước con mắt của mọi người.

Một điều khủng khiếp hơn, khi bế tôi mẹ tôi thấy đầu tôi mềm nhũn, cả cái đầu nhỏ bé của tôi y hệt như một quả bóng cao su mềm, ấn ngón tay vào chỗ nào là chỗ đó lõm vào và khi buông ngón tay ra thì chỗ đó lại lồi ra trở lại như cũ. Đầu tôi hầu như chưa có xương sọ...!!!

Điều này khiến mọi người kinh hãi và không khí ảm đảm trùm xuống khắp nơi trong căn nhà. Mọi người như ngửi được mùi vị của tử thần đang từng giờ từng phút toát ra trên hình hài nhỏ bé và mềm oặt không có biểu hiện nào về sinh lực của tôi.

Thứ thức ăn duy nhất cho tôi lúc đó chỉ là nước cháo đỗ xanh pha đường được chà nhỏ và lọc qua các lớp vải màn. Sau gần một năm, cơ thể của tôi gần như không lớn thêm một chút nào: Sự an ủi và khích lệ nhất đối với mọi người đó là màu da của tôi đã bắt đầu ửng hồng, những mạch máu nhỏ màu tím xanh bắt đầu xuất hiện và những nhịp đập của động mạch trên cổ tay bé xíu của tôi đã thấy rõ mồn một chứng tỏ sức sống đang trỗi dậy với một niềm kiêu hãnh của riêng tôi.

Tám tháng sau khi tôi được sinh ra, bố tôi từ Lào trở về nhìn thấy tôi, bố tôi hỏi bà ngoại tôi một cách dè dặt:

‘Liệu có nuôi nổi không hở bà!?’.

Bà ngoại tôi tức giận mắng bố tôi:

‘Anh nói gở miệng, công trình mọi người nuôi cả năm trời, đến nay anh trở về anh hỏi một câu như thế hả?’.

Bố tôi biết mình lỡ lời nên vội lảng sang chuyện khác và cũng không dám nhìn tôi lâu hơn bởi trong đời bố tôi cũng chưa bao giờ được nhìn thấy một đứa trẻ nào bé như tôi. Có lẽ bố tôi sợ rằng nếu nhìn tôi lâu có thể làm tôi tan biến khỏi tầm mắt của bố tôi và đó là một điều đáng sợ đối với bố tôi.

Gần một tháng trở về nhà nhưng bố tôi không dám bế tôi lấy một lần và mọi người trong nhà cũng không dám cho bố tôi bế tôi vì thân thể tôi quá yếu ớt, phải được nâng niu rất cẩn thận:

Chỉ có những ai đã từng ở bên cạnh tôi trong suốt gần một năm qua mới có đủ can đản và kinh nghiệm để bế một đứa trẻ như tôi. Năm người đàn bà đã phải thay nhau để chăm nom tôi hàng ngày hàng đêm, những cặp mắt thâm quầng vì mất ngủ và lo lắng không lúc nào rời khỏi tôi.

          Sinh lực của tôi đã được duy trì và tăng lên từng ngày bất chấp cơ thể nhỏ bé của tôi, chỉ nhờ vào nước cháo đỗ xanh pha đường và nhờ sự chăm bẳm chu đáo của các cô các bà trong họ hàng thân thiết. Ngày đó, tôi thường hay kêu khóc và quấy phá khiến cho mọi người phải chăm sóc dỗ dành tôi hết sức vất vả. Hình như lúc đó, chỉ có khóc là hành động duy nhất biểu hiện sự sống của tôi và tiếng khóc chứng minh cho mọi người thấy sự hiện diện của tôi trong cuộc đời này. Ngoài tiếng khóc, không còn một biểu hiện nào khác chứng tỏ rằng tôi đang tồn tại trong cuộc đời này.

          Lúc đầu mọi người thấy tôi gào khóc thảm thiết thì ra sức vỗ về và lo lắng vô cùng vì sợ tôi khóc nhiều mà kiệt sức. Nhưng kỳ lạ thay, tôi khóc càng nhiều thì sự sống trong tôi càng trỗi dậy:

Lâu dần thành quen, đến đỗi khi không thấy tôi khóc, mọi người lại trở nên lo lắng hơn lệ thường.

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết