Chiếc áo mưa - Công ty TNHH Tam Hùng

Chiếc áo mưa

Thứ hai - 14/01/2013 15:00
Năm 1976, mẹ tôi đã đi nằm viện ở Hà Nội đã gần một năm, bố tôi chuyển công tác vào Vĩnh Linh và đưa chúng tôi vào sống cùng với bố tôi ở ngay trong cơ quan của bố tôi. Vĩnh Linh từng là Tuyến lửa của cuộc Chiến tranh Chống Mỹ cứu nước vĩ đại mà trong thời kỳ chiến tranh hai bên giữa ta và quân đội Sài Gòn ngày đêm chỉ có mỗi một việc là giành nhau chiếc cầu Hiền Lương được bắc qua trên con sông Hiền Lương chảy qua Vĩ tuyến 17 và được làm ranh giới để chia đôi một dân tộc thành hai ‘đất nước’.

Khi tôi vào Vĩnh Linh, đất nước chỉ mới giải phóng được một năm nên tất cả những tàn dư của chiến tranh vẫn còn đọng lại rất rõ nét: Những câu chuyện oai hùng và bi hài của cuộc chiến đã được truyền miệng qua nhiều người luôn là những ‘đề tài’ thú vị của chúng tôi. Chẳng hạn như trước giải phóng, ban ngày thì bộ đội của ta dũng cảm trèo lên cầu Hiền Lương để sơn chiếc cầu thành màu trắng làm biểu tượng cho việc chúng ta làm chủ được chiếc cầu nhưng ban đêm thì lính ngụy lại liều chết mò lên cầu để sơn lại màu đen để chứng tỏ rằng họ cũng đã làm chủ được cây cầu...

Cứ như vậy, chiếc cầu sắt bắc qua sông Hiền Lương liên tục được cả hai phía gồm ta và địch sơn đi sơn lại không biết bao nhiêu lần trong bao nhiêu năm trời ròng rã của chiến tranh nhưng trong suốt cả cuộc chiến tranh chống Mỹ chưa bên nào có thể sơn được trọn vẹn chiếc cầu ấy từ đầu cầu bên này sang tận đầu cầu bên kia.

Điều đó chứng tỏ rằng việc sơn cầu rất nguy hiểm bởi bất kỳ bên nào phát hiện được có người bên kia sơn cầu thì lập tức sẽ được triển khai hết tầm hỏa lực để ngăn chặn việc sơn cầu của đối phương.

Tuy nhiên, đó là những câu chuyện trong chiến tranh được kể lại, còn sau ngày giải phóng và khi tôi được chuyển vào Vĩnh Linh ngày đầu tiên trên một chuyến xe khách cùng với bố tôi và hai em gái của tôi thì những cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là một vùng đồi trọc đất đỏ ba–zan, ngổn ngang nhiều hố bom, hầm trú ẩn dã chiến chưa kịp san lấp.

Lác đác nhiều thửa ruộng hoặc nương vườn mới được trồng lên những màu xanh sức sống hy vọng phần nào nói lên sự khởi sắc của một cuộc sống mới đã được lập lại trên mảnh đất này.

Vào Vĩnh Linh tôi được lên lớp 2, chỉ mới đi học được năm thứ hai mà tôi đã phải chuyển trường và sau đó tôi lên lớp 3 thì bố tôi và các em tôi lại phải chuyển vào học ở Đông Hà, kể từ ấy cứ trung bình mỗi năm tôi lại phải chuyển trường một lần. Cho tới lúc tôi lên Đại học thì tôi đã phải học qua mười bốn trường khác nhau trên khắp các tỉnh thành Từ Huế trở ra Hà Nội: Có lẽ đó là kỷ lục chuyển trường mà chỉ có duy nhất tôi mới có trên Thế giới này!

Hồi đó, lương của bố tôi mỗi tháng chỉ có 18 đồng, mẹ tôi phải đi viện điều trị nên tiền lương của mẹ tôi phải để dành cho mẹ tôi phòng khi đột xuất trong thời gian chữa trị bệnh ở Hà Nội: Mấy anh em tôi chỉ trông chờ vào đồng lương của bố tôi.

Khác với mẹ tôi, thời kỳ bố tôi công tác tại Lào, tiền lương của bố tôi được chuyển về hết cho ông bà nội chi tiêu, mẹ tôi không hề nhận một đồng lương nào của bố tôi và tiền lương của mẹ tôi cũng chỉ có 18 đồng nhưng mà cả mấy anh em chúng tôi luôn được mẹ tôi chăm sóc chu đáo và gần như chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi có mẹ.

Còn bây giờ, chúng tôi sống cùng bố tôi, mặc dù đồng lương của bố tôi vẫn thế nhưng chúng tôi trở nên thiếu thốn đủ điều nào là giấy bút học tập, nào là gạo ăn hàng ngày... thôi thì đói khổ trở thành ‘đố khỏi’ đối với anh em chúng tôi trong cuộc sống hàng ngày và càng không nhìn thấy được ngày mai khi chúng tôi được sống cùng bố tôi, có thể đó là một câu nói thiếu lương tri của một đứa trẻ dại khờ như tôi đối với người bố nhưng đó là hiện thực của chúng tôi lúc ấy.

Cuộc đời chúng tôi cứ như chị Dậu chạy không thoát được cái đêm tối không trăng sao và không đèn đuốc lúc sống cùng với bố.

Không phải vì bố tôi không yêu thương chúng tôi nhưng vì bố tôi là một người đàn ông vụng về không biết chăm sóc con cái và càng không biết nghĩ đến những nhu cầu vặt vãnh của anh em chúng tôi hàng ngày.

Có một lần vào mùa mưa, bố tôi mua cho tôi một cái áo mưa để đi học và hồi đó có hai loại áo mưa: Một loại áo mưa có tay mà khi mặc thì mặc giống như áo sơ mi và có thể cài được nút bấm giống như loại áo mưa phổ biến sau này còn một loại áo mưa không có tay thì phải chui đầu vào áo mưa khi mặc áo mưa giống như khi mặc áo ba lỗ.

Loại áo mưa có tay thì giá hai hào hai xu và loại không có tay thì giá chỉ rẻ hơn loại áo mưa có tay hai xu tức là hai hào và bố tôi đã mua cho tôi chiếc áo mưa không có tay để tiết kiệm hai xu vì tiền xu lúc ấy cũng rất quí.

Tôi biết rằng vào hồi đó cán bộ công chức như bố tôi được cầm đồng tiền là đã quá ‘oanh liệt’ bởi những người dân quanh vùng hầu như không biết làm gì để có tiền và nhiều người không biết mặt đồng tiền là như thế nào.

Đôi khi tôi xin được của các cô các chú vài đồng tiền năm xu bằng nhôm để mang đi chơi đã khiến cho vài người dân trong vùng tình cờ nhìn thấy và họ đã trầm trồ vì được nhìn thấy tiền và lấy làm hạnh phúc vì điều đó.

Biết là bố tôi rất khó khăn về tiền nong và vì bố tôi đã mua được cho tôi chiếc áo mưa ấy tại Hà Nội nhân một chuyến đi công tác Hà Nội nên tôi đã rất cẩn thận và giữ gìn chiếc áo mưa đó trong suốt cả mùa mưa nhưng rồi khi mùa bão đến, những cơn mưa lớn làm nước dâng ngập khắp nơi không thể phân biệt được nơi nào nông hay sâu bởi khi ấy nước có màu đỏ quạch vì đã hòa với đất đỏ ba–zan nên lúc ấy tôi đi học về không thể nhìn thấy đường và không may bị sũm xuống một cái hố sâu đã làm cho tôi bị ngã nhào trong lúc đang phải cố đi cho nhanh để về nhà vì mùa đông rất lạnh.

Cú ngã đã khiến tôi bất lực để xử trí tình huống: Vì chiếc áo mưa không có tay nên tôi giống như một kẻ bị cụt cả hai tay, hai tay tôi lúc ấy không thể làm gì hơn khi bị ngã mặc dù theo bản năng lúc ngã thì bất kỳ ai cũng đều tự xòe hai tay ra trước để chống đỡ cho thân mình không bị đập mặt xuống đất.

Tất nhiên lúc ấy hai tay tôi cũng đã xòe ra để chống đỡ theo bản năng vốn có của con người nhưng bản năng ấy không giúp tôi giảm được hậu quả của cú ngã mà chỉ làm cho chiếc áo mưa bị rách toạc vì hai tay tôi bị vướng bên trong áo mưa: Trong tình huống ấy, cũng rất may là mặt tôi chỉ đập thẳng xuống bùn vì lúc ấy nước mưa đã biến tất cả những lớp đất đỏ ba–zan thành bùn nên không nguy hiểm cho tôi nhưng đổi lại tôi trở nên lúng túng và rất khó khăn khi đứng dậy bởi cái áo mưa không có tay đã khiến cho tôi không thể dùng tay để chống người dậy.

Tôi phải rất vất vả và khổ sở xoay người, lăn lộn giữa cái vũng nước lạnh buốt mặc cho nước ngập hết người và ướt hết cả sách vở thậm chí suýt nữa bị chết ngạt vì sặc nước.

Phải sau một hồi lâu thì ‘trí thông minh’ mới mách bảo tôi rằng đằng nào thì cũng đã ướt hết rồi nên chỉ còn cách là cởi phăng cái áo mưa thì mới có thể đứng dậy được: Tôi phải chật vật rất lâu sau mới cởi bỏ được cái của nợ ấy khỏi người trong tư thế vẫn nằm trong cái vũng nước đáng nguyền rủa ấy, sau khi cởi được áo mưa thì tôi mới có thể chống tay để đứng dậy được.

Khi tôi về đến nhà, người thì ướt sũng, chiếc áo mưa cũng đã rách toạc vì ngã và vì cố sức để cởi lúc bị ngã. Mặc dầu vậy tôi vẫn mang theo cái áo mưa ấy về nhà, bố tôi trông thấy chiếc áo mưa bị rách liền mắng tôi không biết giữ gìn.

Tôi phải thanh minh với bố tôi rằng ‘vì đường bị ngập nước, con không thể nhìn thấy cái hố sâu trên đường đi nên con bị ngã’, bố tôi nói với tôi là phải biết cách quan sát đường đi và phải nhớ đường để lần sau biết mà tránh những nơi có hố sâu...: Tôi cảm thấy uất ức bởi cách suy nghĩ rất máy móc của bố tôi nhưng dù sao thì bố tôi vẫn là bố của tôi.

Từ sau lần bị ngã ấy tôi mới nhận thức được một điều rằng tuy chiếc áo mưa chỉ là một thứ rất nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày nhưng nếu không suy nghĩ đến nơi đến chốn trong việc chọn lựa để sử dụng thì nó có thể mang lại cho bản thân những nguy hiểm không ngờ tới và tệ hại hơn là bố tôi đã không biết nghĩ đến những điều nhỏ nhặt ấy.

Vĩnh Linh 1976

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết