Dạy con - Công ty TNHH Tam Hùng

Dạy con

Thứ hai - 14/01/2013 14:34
Mẹ tôi cũng bình thường như bao nhiêu người mẹ khác nhưng mẹ tôi cũng là một người mẹ vĩ đại bởi mẹ tôi là một người có một tấm lòng bao dung và vị tha luôn thương yêu những đứa con hết mực, sẵn sàng tha thứ cho những sai lầm mà con mình vô tình vi phạm và có thể tự nhận thức được để tự sửa chữa nhưng cũng sẵn sàng trách phạt đích đáng với những sai lầm mà con mình cố tình tái phạm....

Lúc tôi bắt đầu học lớp một, vừa ở cái tuổi đầu đời của một đứa trẻ bắt đầu thâm nhập vào một Thế giới mở rộng trước mắt mình, bao điều hứa hẹn và chờ đợi cũng như rất nhiều thứ kích thích sự tò mò và tưởng tượng của tôi.

Khi đi ngang qua những bờ kênh hay những nơi có nước đọng, nhìn thấy lũ cá bơi dưới nước cũng gợi cho tôi một cái thú quan sát và tự lý giải tại sao cá có thể bơi được.

Rồi một lần khác, trong một lần mẹ tôi đến đón tôi đi học về tôi đã nhìn thấy một lũ vịt con đang bơi trên ruộng. Tôi hỏi mẹ:

‘Tại sao lũ vịt con có thể bơi được hả mẹ?’;

Mẹ tôi trả lời:

‘Mỗi loài đều có một khả năng thích ứng riêng với cuộc sống của chúng mà chúng có thể bơi lội hoặc bay hoặc chạy ngay từ bé.

Để có được những khả năng đó thì các loài vật phải được tiến hoá dần dần và được di truyền cũng như phát triển hoàn thiện dần qua nhiều đời’;

Tôi hỏi lại:

‘Thế từ một loại không bơi được nhưng nếu tập luyện thì có bơi được không hở mẹ?’;

Mẹ tôi nói:

‘Mẹ cũng đã giải thích cho con rồi, nếu bản thân từ một loài vật không có bản năng bơi lội nhưng nếu tập luyện cho nó để nó thích ứng với cuộc sống mới thì nó đòi hỏi phải có cả một quá trình lâu dài cho khả năng thích ứng của từng cá thể và phát triển dần theo quá trình di truyền và tiến hoá cho cả một giống loài.

Chẳng hạn như Thuyết Tiến hoá cho rằng các loài chim, gà hoặc vịt cũng từ một gốc: Nếu quen sống trong môi trường tự do và do bị nhiều loại động vật dữ săn đuổi thì nó phải thường xuyên bay nhảy mà trở thành chim.

Nếu được sống trong một môi trường luôn đầy đủ thức ăn và không bị thú dữ đe doạ thì thói quen bay lượn bị giảm đi và thay vào đó chúng sẽ quen với cuộc sống đi lại bằng hai chân và trở thành một giống gà.

Ngược lại nếu sống quen trong môi trường nước thì chúng sẽ tiến hoá thành các loài vịt hoặc ngan ngỗng như bây giờ’;

Sự giải thích của mẹ tôi đã làm cho trong óc tôi tưởng tượng ra một quá trình tập luyện cho các loài vật để có thể từ một loài vật không có bản năng bơi thành một loài có bản năng bơi: Tôi nghĩ rằng, để có thể bơi lội được thì trước hết các loài vật phải có khả năng nổi được trên mặt nước và tôi đã thả lần lượt mọi vật xuống nước để khám phá các qui luật chìm và nổi của các loại đồ vật nói chung cũng như của các loài động vật nói riêng.

Tôi cũng từng bắt trộm cả chó con, mèo con, gà con của những nhà hàng xóm đều là giáo viên cùng trường của mẹ tôi để thả vào nước xem chúng có thể bơi được hay không và cố nhận chúng vào nước để chúng phải tập bơi.

Một cô giáo ở nhà kế bên đã phát hiện được trò ‘thí nghiệm’ ngu ngốc của tôi và rất xót thương con gà con của mình khi nhìn thấy tôi đang dìm con gà con xuống chậu nước nên đã ‘kiện’ với mẹ tôi: Mẹ tôi vì lời cáo buộc rất bực bội của người đồng nghiệp vừa là hàng xóm nên đành phải nọc tôi ra đánh để lấy lòng hàng xóm.

Sau khi đánh tôi xong, mẹ tôi đi vào nhà bếp thì thấy có một chiếc ghế con đang nổi bềnh bồng trong chậu nước thì mẹ tôi đã nhớ lại những câu hỏi mà tôi đã hỏi mẹ tôi trước đó. Biết rằng mặc dầu những trò nghịch của tôi rất ngu ngốc nhưng cũng không phải là không có một ‘ý tưởng khám phá’ của trẻ con lúc ấy nên mẹ tôi biết rằng mẹ đã đánh tôi sai.

Mẹ ôm lấy tôi an ủi và khuyên tôi không nên tái diễn những việc như vậy. Mẹ tôi không khỏi chạnh lòng và đã khóc rất nhiều vì điều đó bởi vì mẹ tôi hiểu được rằng trước khi hiểu ra được nhiều vấn đề mà đối với người lớn thì rất đơn giản nhưng với những đứa trẻ mới bước những bước đầu tiên chập chững vào Thế giới lớn rộng của Tự nhiên bao la và của loài người lắm chuyện thật là nhiêu khê.

Nhưng bằng cả một tấm lòng người mẹ và bằng cả nghiệp vụ chuyên môn của một nhà giáo, mẹ tôi đã dìu tôi những bước đi chập chững đầu tiên trong cuộc đời cho đến khi tôi thật sự vững bước và có đầy tự tin cho những chặng đường tiếp theo của cuộc đời mình.

Mẹ tôi cũng bình thường như bao nhiêu người mẹ khác nhưng mẹ tôi cũng là một người mẹ vĩ đại bởi mẹ tôi là một người có một tấm lòng bao dung và vị tha luôn thương yêu những đứa con hết mực, sẵn sàng tha thứ cho những sai lầm mà tôi vô tình vi phạm và có thể tự nhận thức được để tự sửa chữa nhưng cũng sẵn sàng trách phạt đích đáng với những sai lầm mà tôi cố tình tái phạm.

 

Quảng Bình 1975

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết