Tôi hỏi mẹ tôi và mẹ tôi khuyên tôi nên vào Huế khám mắt vì lúc bấy giờ bố tôi cũng vừa mới chuyển công tác vào Huế, riêng gia đình tôi vẫn chưa kịp chuyển theo vì phải đợi cho tôi kết thúc năm học.
Tôi đành phải xin phép cô chủ nhiệm để vào Huế khám mắt vài ngày, trước khi vào Huế, các cô chú trong cơ quan cũ của bố tôi biết chuyện đã cũng đến an ủi tôi và mỗi người góp cho tôi dăm vài chục đồng (vào lúc đó vừa mới đổi tiền xong nên mệnh giá tiền rất lớn, vài chục đồng cũng là rất giá trị rồi). Tôi gom tất cả số tiền ‘lệ quyên’ được cùng với một số tiền ít ỏi mà mẹ tôi dành dụm cho tôi để vào Huế.
Khi vào Huế, các cô các chú ở cơ quan mới của bố tôi biết tôi chăm học và giỏi giang lại gặp lúc bị ốm nên cũng đến thăm và lại cho tôi thêm ít tiền. Quả thật, thời buổi khốn khó, con người đối xử với nhau bằng đúng tình cảm thật của mình, họ có được bao nhiêu thì giúp tôi bấy nhiêu, không cứ nề hà ít nhiều...
Sau khi khám mắt xong, Bác sỹ nói tôi bị cận hơn 1dp, nên đeo kính 1dp cho ổn định mắt.
Sau khi mua kính, tôi còn thừa rất nhiều tiền và lại đâm bổ vào các cửa hiệu bán sách. Quả thật mà nói đối với tôi lúc đó, Huế là một nơi quá lý tưởng để tôi tìm chọn nhiều quyển sách hay, trong lúc đó cả Tỉnh Quảng Bình chỉ có mỗi một hiệu sách nhà nước và lượng sách rất nghèo nàn.
Tôi đi bộ dọc theo đường Lệ Lợi và sau đó chui rúc hết tất cả mọi xó xỉnh của Huế mà tôi có thể đi được để lướt qua hết tất cả các hàng sách và xem qua tất cả các đầu sách.
Sau đó tôi mới quyết định tính toán để mua những quyển sách gì.
Thời khắc quyết định cũng đã đến, sau khi tham khảo giá của tất cả những quyển sách mà tôi thích và tính toán lại số tiền mà tôi có. Tôi quyết định chọn mua bộ sách Toán học Cao cấp, một số các Giáo trình Vật lý Lý thuyết và nhiều quyển sách về Kỹ thuật Vô tuyến Điện tử...
Nhìn thấy dáng bộ nhỏ con đang tầm tuổi của tôi chỉ mới là học sinh Phổ thông Trung học là cùng lại chỉ tìm mua toàn những sách và tài liệu cho những đối tượng trên đại học và nghiên cứu sinh, một sinh viên đang đứng bên cạnh tôi để tìm mua sách và trông thấy những quyển sách tôi đang chọn để mua thì phát hoảng:
‘Cậu có biết chọn sách để mua không?’;
Tôi trả lời khẳng khái:
‘Dạ biết chứ, em đang phải tìm kiếm mãi, đến bây giờ mới có được những quyển sách này đấy’;
Anh sinh viên liền cầm lấy một cuốn Giáo trình Vật lý Lý thuyết của Companhet biên soạn và lật lật qua mấy trang đầu rồi hỏi:
‘Cậu có biết mấy công thức và phương trình ở đây không?’;
Tôi lướt qua và trả lời:
‘Chỉ là mấy phương trình mô tả động lực học thôi mà!’;
Anh sinh viên thất kinh hỏi lại:
‘Thế cậu học đại học rồi à?’;
Tôi thủng thẳng trả lời:
‘Dạ chưa, em vẫn đang học phổ thông thôi mà’;
Anh sinh viên nghe vậy liền hỏi lại:
‘Vậy cậu đang học trường nào và nhà cậu đang ở đâu, cho mình xin địa chỉ được không!?’;
Nói rồi anh sinh viên vội vã lấy giấy bút từ trong cặp ra chuẩn bị để ghi, tôi trả lời:
‘Em đang học lớp mười một ở Quảng Bình và nhà em đang ở Quảng Bình, anh có muốn ghi địa chỉ cụ thể không?’;
Nghe vậy, anh sinh viên thở dài và nói:
‘Tưởng cậu ở Huế này thì mình định xin địa chỉ để mang sách đến bái cậu làm sư phụ vì mình đang bị thi lại Vật lý Lý thuyết...’;
Tôi bật cười và cũng cảm thấy cám cảnh cho anh sinh viên:
‘Nếu thế thì chắc là em không có thời gian để giúp anh được rồi bởi vì em chỉ ở lại đây có vài hôm thôi’;
Lúc tôi đã sắp xếp xong tất cả những quyển sách đã mua và trả tiền cho chị bán hàng sắp sửa ra về thì anh sinh viên liền cố gắng hỏi gặng tôi thêm một câu nữa:
‘Cậu có thể nói cho mình biết làm thế nào để học thật tốt Vật lý Lý thuyết được hay không?’;
Tôi nói ngay với anh sinh viên mà không cần phải suy nghĩ thêm một chút nào cả:
‘Thực chất, những Nguyên lý Cơ bản của Vật lý Lý thuyết đều đã được học ở các lớp Cấp III và thậm chí cả ở Cấp II.
Vì thế, chỉ cần anh nắm vững được Cơ sở Vật lý của Phổ thông Trung học và thay các công thức Toán học trong đó bằng Toán học Cao cấp là có thể dễ dàng tiếp cận với Vật lý Lý thuyết.
Có nghĩa là gì: Vật lý Lý thuyết được kết hợp bởi Cơ sở Vật lý Cơ bản của Phổ thông và Toán học Cao cấp.
Nếu anh chịu khó học lại Vật lý Phổ thông và chịu khó nắm vữmg Toán Cao cấp thì Vật lý Lý thuyết không còn gì khó khăn với anh cả’;
Khi nghe tôi nói đến việc yêu cầu anh ấy phải học lại Vật lý Phổ thông thì mặt anh ấy hơi cau lại vì tưởng tôi nói cạnh nói khoé nhưng sau khi suy nghĩ kỹ anh ấy gật gù và công nhận với tôi rằng:
‘Mình thừa nhận là kiến thức ở các lớp dưới mình bị hỏng rất nhiều nên bây giờ mình cảm thấy rất khó tiếp thu những kiến thức mới’;
Ngừng giây lát anh sinh viên lại nói tiếp:
‘Cậu có cách gì giúp mình ôn lại được kiến thức các lớp dưới một cách nhanh chóng hay không?’;
Tôi cũng nói ngay với anh và không cần phải suy nghĩ:
‘Trước hết anh cần phải khái quát hoá lại toàn bộ chương trình Vật lý ở các lớp dưới bằng cách đọc lướt vài lần toàn bộ các Sách Giáo khoa của các lớp dưới.
Sau đó, anh hãy xác định các mối liên hệ giữa các kiến thức của các lớp dưới với những kiến thức hiện tại mà anh đang cần để chú tâm vào trọng tâm chính mà anh đang phải học để thi trả bài...
Trên cơ sở đó, anh sẽ tự thấy được anh cần phải bổ túc những gì mà anh đang còn bị hỏng...’;
Anh sinh viên nghe qua liền gật gù:
‘Quả thật, cậu có một cách nhìn nhận vấn đề vừa rất vĩ mô nhưng cũng vừa rất cụ thể, mình nghĩ rằng không sớm thì muộn cậu cũng có thể trở thành một nhà Vật lý Lý thuyết giỏi.
Thậm chí hiện tại cậu cũng đã giỏi rồi...’;
Huế 1985
Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh
Lưu ý: Các bài viết trên in lại các trang web hoặc các nguồn phương tiện truyền thông khác không xác định nguồn http://tri-heros.net là vi phạm bản quyền