Đứt dây động rừng - Công ty TNHH Tam Hùng

Đứt dây động rừng

Thứ hai - 14/01/2013 09:14
Khi em gái tôi được một tuổi, mẹ tôi tham gia thanh niên xung phong của Liên chi Đoàn Trường vì mẹ tôi là Giáo viên gương mẫu nên trách nhiệm càng nặng nề. Sáng sớm, như mọi lần, sau khi cho cả hai em tôi ăn uống, mẹ tôi giao cả hai anh em tôi cho bà ngoại trông nom.

Trước lúc ra đi mẹ tôi dặn lại với bà ngoại tối hôm đó mẹ tôi sẽ về nhà nhưng sẽ về rất muộn. Vì mẹ tôi rất thương chúng tôi nên mặc dù từ nhà đến nơi công tác rất xa, đường sá lại khó khăn, phương tiện duy nhất lúc bấy giờ chỉ là chiếc xe đạp nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng lặn lội trở về nhà với chúng tôi cho bằng được để rồi sáng sớm hôm sau lại trở dậy và ra đi rất sớm.

Mẹ tôi ra đi cùng một anh thanh niên nữa ở làng bên.

Anh em chúng tôi ở lại với bà ngoại, em gái tôi vì được sinh đủ tháng đủ ngày nên nó hay ăn chóng lớn và sớm cứng cáp như những đứa trẻ khác. Riêng tôi vẫn phải nằm yên một chỗ. Cũng nhờ vậy, một nách hai trẻ dại nhưng đối với bà không vất vả quá sức.

Một điều nữa là lúc bấy giờ bà ngoại tôi đang độ sáu mươi tuổi nên vẫn còn sung sức, nhất là những người phụ nữ chân quê thường hay làm công việc đồng áng nhờ vậy mà sức khoẻ rất dẻo dai.

Ông ngoại tôi mất tính lúc ấy cũng suýt soát hai năm, trong lòng bà vẫn không nguôi ngoai được niềm thương nỗi nhớ đối với một người đã từng chung sống với bà mấy chục năm trời. Vậy nên việc trông hai đứa trẻ như tôi hàng ngày giúp cho bà bớt chút quạnh hiu trong nỗi lòng mỗi khi mọi người trong gia đình đều tham gia công tác xã, đoàn, dân quân tự vệ...

Vào lúc năm giờ chiều ngày hôm đó, Ban chỉ huy Quân sự địa phương thông báo sẽ có một tốp máy bay Mỹ ném bom ở các làng và các xã lân cận vào lúc 10 giờ tối, những mục tiêu bị ném bom nằm trên con đường mà ngày ngày mẹ tôi vẫn đi đi về về và cũng đúng vào tầm mà mẹ tôi trên đường trở về nhà.

Suốt cả buổi chiều hôm đó, bà ngoại tôi thấp thỏm đứng ngồi không yên vì sợ rằng mẹ tôi không làm việc ở các địa phương gần đó nên có thể không nghe được thông báo hoặc có thể nghe được thông báo nhưng vẫn cố liều lĩnh để trở về nhà với chúng tôi nên bà cứ bế tôi và dắt em gái tôi ra cửa rồi ra ngõ đứng trông. Bà cứ tay bồng tay bế chúng tôi lúc thì ra lúc thì vào mãi không thôi. Đôi lúc mắt bà lại chớp chớp và rớm lệ...

Thế rồi, cái giờ phút khủng khiếp ấy cũng đã đến, hồi còi báo động rú lên khắp các làng xã lân cận. Chừng ba mươi phút sau, những tiếng ầm ầm của động cơ máy bay và những tiếng nổ vang trời cùng với những góc trời sáng rực vì lửa cháy... bà bế tôi ra cửa trông về hướng ấy và khấn thầm trong bụng mong rằng mẹ tôi không trở về vào giờ phút đó.

Đôi lúc bà thảng thốt thành lời: ‘Con đừng về con ơi’, giọng bà nghẹn lại khi nghĩ đến điều không may cho mẹ tôi. Bỗng dưng em gái tôi khóc thét lên dữ dội, bà ngoại tôi dỗ mãi vẫn không làm cho nó nín lặng. Không hẳn nó khóc vì tiếng bom bởi vì lúc này làng tôi không bị bắn phá nên những tiếng bom đó ở các làng xã rất xa vọng lại không đến nỗi quá khủng khiếp để có thể làm cho nó phải bật khóc.

Một linh cảm gì đó chẳng lành chăng, bà ngoại tôi thầm nghĩ bụng, bà ngoại tôi run run tự hỏi ‘Chẳng nhẽ nó khóc vì đứt dây động rừng rồi sao!?’. Nhiều người vẫn cho rằng giữa con người và con người có tình thâm máu mủ với nhau thường vẫn có những linh cảm về nhau, linh cảm này khó có thể phân giải rạch ròi nhưng mỗi một khi có người thân ở xa gặp tai hoạ thì người ở nhà vẫn nhận được những linh cảm nào đó và bà cho rằng có thể em gái tôi đã linh cảm được điều đó bởi vì trẻ con vốn rất nhạy cảm với những gì xảy ra với người mẹ của nó...

Trận ném bom cũng chóng vánh qua đi một cách đột ngột như lúc nó xuất hiện, nhưng em gái tôi vẫn khóc đến khản cổ càng làm cho bà ngoại tôi lo sợ hơn. Thế rồi nó cũng thiếp đi vì mệt, bà ngoại tôi đặt nó xuống giường rồi lại lần mò ra cửa trông ngóng, mong sao cho trời sáng để đi tìm.

Tờ mờ sáng, một ông hàng xóm chạy sang hỏi bà ngoại tôi: ‘Hôm qua máy bay ném bom đúng vào tầm cháu nó hay về nên tôi sang hỏi bác xem cháu có về được không?’;

Bà ngoại tôi oà khóc lên với người hàng xóm: ‘Bác làm ơn giúp tôi đi tìm xem cháu có làm sao không, hôm qua con của nó khóc thảm làm tôi lo sợ quá. Tôi đang định bụng sẽ làm đôi quang ghánh cho các cháu nhỏ ngồi vào trong đó rồi ghánh chúng theo để đi tìm’;

Người hàng xóm vội vã ngăn bà ngoại: ‘Thôi, bà cứ ở nhà trông các cháu, cứ để tôi đi tìm giúp cho, đừng mang các cháu đi làm gì cho vất vả lại càng tội cho lũ trẻ...!!!’;

Bà ngoại tôi lấy tay quệt nước mắt mà rằng: ‘Được bác giúp thì tốt quá, mong bác sớm đi sớm về để tôi dược biết tin kẻo tôi lo lắng lắm, tôi không sao đứng ngồi cho yên được!’;

Người hàng xóm nhanh nhẹn chào từ biệt bà ngoại tôi rồi hối hả đi thẳng ra ngõ vội vã đi tìm mẹ tôi như ông đã hứa...

Người đàn ông đi rồi, trong lòng bà ngoại tôi cứ xốn xang như lửa đốt, chốc chốc trống ngực bà cứ dội lên từng hồi làm bà tức thở.

Em gái tôi vì ngủ muộn nên tỉnh giấc muộn hơn mọi lần, vì trận khóc lúc tối nên thi thoảng nó vẫn nấc lên trong cơn mê ngủ càng làm cho bà ngoại tôi phiền não. Bà ngoại tôi chốc chốc lại đưa tay áo lên thấm thấm khoé mắt.

Gần đến chiều, người hàng xóm mệt mỏi quay trở về với một người đàn ông ở làng bên và lúng túng nói với bà ngoại tôi rằng:

‘Chúng tôi sang làng kế bên và nhìn thấy hai chiếc xe đạp bị bom làm hỏng nát nằm dưới chân đê, người thì không thấy đâu cả. Tôi tìm mọi người trong làng để hỏi nhưng không ai biết vì họ cũng chưa kịp phát hiện ra việc này bởi họ phải bận rộn cho việc cứu chữa và chôn cất những người trong làng. Hoặc nếu có thì vì có nhiều tổ và nhiều nhóm làm công tác đó nên cũng không biết là đã có tổ nào biết được việc này hay chưa’;

Bà ngoại tôi cảm thấy như có một luồng gió lạnh chạy dọc xương sống, bà giật giọng hỏi lại:

‘Hai chiếc xe đạp đó như thế nào?’;

Người hàng xóm nói rằng:

‘Một chiếc xe đạp Phượng hoàng nam màu cánh trả và một chiếc xe đạp nữ màu mận chín’;

Bà ngoại tôi thất kinh hỏi lại:

‘Chiếc xe đạp nữ là xe Peugeot có phải không?’;

Cả hai người đàn ông đều lắc đầu trả lời:

‘Chúng tôi không biết rành rọt về xe đạp lắm nên không biết nó thuộc loại xe gì’.

Nhưng chỉ nghe đến chừng đó bà ngoại tôi cũng đã cảm thấy nghẹt thở và khóc lóc thảm thiết mà rằng:

‘Sáng qua cháu nó đi chiếc xe đạp Peugeot nữ với một anh cùng cơ quan ở làng bên cũng đi xe đạp Phượng hoàng màu cánh trả, không lẽ nó...’,

Bà ngoại tôi đau đớn và không đủ sức để nói tiếp được nữa.

Hai người đàn ông cũng chột dạ bởi vì nếu mẹ tôi không gặp nạn thì có thể sáng hôm nay phải về nhà rồi. Đằng này mẹ tôi vẫn không về...

Bà ngoại tôi vẫn gắng gượng chờ đợi trong sự tuyệt vọng vì không ai biết nơi mà mẹ tôi được phân công công tác ở đâu nên không thể tiếp tục tìm kiếm được hơn nữa.

Một ngày, hai ngày rồi ba ngày khắc khoải trôi qua, mẹ tôi vẫn không về... trong lòng bà ngoại tôi đau như bị xé từng khúc ruột.

 

1973

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết