Một lần, lúc mẹ tôi đã mang thai em tôi gần tám tháng, mẹ tôi cùng đoàn giáo viên và học sinh vượt dòng Sông Danh sơ tán ngược lên các bản làng gần trong núi xa. Sau khi qua đò, đoàn người lũ lượt kéo nhau đi trên con đê chạy dọc theo bờ sông thì một loạt đạn pháo từ các hạm đội Mỹ ngoài biển bắn vào đất liền dồn dập. Tiếng đầu đạn đại bác xé gió lao đi rít qua trên đầu nghe rợn gáy.
Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều ngã nhào xuống chân đê tránh đạn pháo. Mẹ tôi cũng lộn tròn một vòng vì tình huống quá khẩn cấp, quên rằng mình đang mang thai. Sau khi đã nằm dưới chân đê, mẹ tôi sực nhớ đến cái thai trong bụng, mẹ tôi hoảng hốt sờ nắn khắp bụng và vỗ nhẹ vào hai bên bụng nơi mà trước đây cái chân của em tôi vẫn thường đạp dữ dội làm mẹ tôi nhiều lần phải quặn lên vì đau đớn.
Không có lấy một động tĩnh, mẹ tôi lo sợ em tôi có việc gì hay không. Mẹ tôi mếu máo nói với một đồng nghiệp bên cạnh:
‘Chị ơi, em không biết con của em có bị làm sao không, thường ngày nó vẫn quẫy đạp dữ lắm mà bây giờ nó cứ nằm im thit thít thế này hở chị?’
Cô ấy sờ nắn khắp người mẹ tôi và hỏi:
‘Chị có thấy đau ở đâu không?’
Mẹ tôi trả lời:
‘Cũng có nhưng không đáng kể chị ạ!’
Cô ấy trả lời:
‘Thế thì không sao, vì nếu có chảy máu hoặc nếu bị tức bụng thì mới nguy hiểm’.
Mẹ tôi vẫn không khỏi lo lắng. Sau những loạt pháo kích, đoàn người lại tiếp tục hành trình. Khi đã đến nơi sơ tán, mẹ tôi vẫn bàng hoàng lo lắng đứng ngồi không yên.
Một ngày, hai ngày rồi ba ngày trôi qua, mẹ tôi vẫn không thấy một động tĩnh nào từ đứa em tôi trong bụng. Có lẽ nó quá hoảng sợ khi mẹ tôi ngã đã làm cho nó nằm im mấy ngày liền. Đến sáng ngày thứ tư, mẹ tôi mệt mỏi thức dậy sau một đêm ngủ chật vật đầy lo lắng, mẹ tôi thấy một cái đạp nhẹ vào thành bụng. Nó nhẹ tới mức mẹ tôi tưởng đang mê ngủ, nhưng rồi tiếp đó, một cái đạp khác mạnh hơn làm mẹ tôi nhói buốt nhưng mắt mẹ tôi bỗng sáng lên sung sướng. Mẹ tôi sờ qua thành bụng nắn nắn cái bàn chân nhỏ bé của em tôi đang đạp vào đó. Mẹ tôi thầm nói với nó ‘vậy là không sao rồi con ơi, con làm mẹ lo sợ suốt mấy ngày rồi’.
Biết tin, mọi người tụ tập chung quanh vừa chúc mừng vừa an ủi và động viên mẹ tôi cố ăn uống nhiều để bồi bổ sức khoẻ chuẩn bị cho ngày sinh nở ‘mẹ tròn con vuông’.
Những ngày tiếp theo, những cú đạp càng mạnh làm mẹ tôi đau dữ dội nhưng mẹ tôi càng phấn khởi và sung sướng vì biết rằng nó vẫn khoẻ mạnh. Mẹ tôi vẫn sờ nắn và lần tìm từng bộ phận cơ thể của nó sau lớp thành bụng của mẹ. Dường như em tôi cũng cảm nhận được sự vuốt ve trìu mến của người mẹ ở bên ngoài, nó càng quẫy đạp liên hồi vì nó cảm thấy sung sướng và yên ổn trong bụng mẹ...
Mẹ tôi thầm kể cho nó nghe những câu chuyện về cuộc sống đang xảy ra hàng ngày, thi thoảng mẹ tôi ru nó ngủ. Những lúc đó, nó nằm yên một cách ngoan ngoãn không quẫy đạp dường như nó biết nghe lời mẹ để ngủ yên trong bụng mẹ.
Những ngày hôm sau, tinh thần mẹ tôi phấn chấn hẳn lên và mẹ tôi lao vào tham gia những công tác dân vận giúp đồng bào sơ tán ổn định nơi lánh nạn và uý lạo đồng bào địa phương tích cực giúp đỡ đoàn kết với đồng bào tản cư... Những đồng nghiệp thông cảm cho sự vất vả của mẹ tôi nên khuyên bảo và vận động mẹ tôi nên nghỉ ngơi nhưng mẹ tôi nói rằng cần phải vận động thì sức khoẻ mới tốt hơn và càng dễ sinh con hơn. Vả lại mẹ tôi mang thai lần này là lần thứ hai nên không có gì đáng ngại.
Mẹ tôi nói đúng, em gái tôi được sinh ra theo đúng nghĩa ‘mẹ tròn con vuông’, lúc mới sinh nó nặng tới ba cân rưỡi, đó là một kỳ tích của thời chiến tranh. Lúc bấy giờ tôi đã hơn năm rưỡi nhưng toàn bộ cả người tôi chỉ nhỉnh hơn một cái chân của em tôi khi tôi nằm cạnh nó.
Giá như lúc bấy giờ tôi đã có đủ lý trí để ghen tỵ với nó, nhưng lúc đó, mẹ tôi sẽ càng cảm thấy khổ tâm hơn vì tôi. Cũng nhờ em tôi, tôi đã có sữa mẹ để bù lại cho quãng thời gian qua không có sữa lúc tôi mới lọt lòng. Nhưng vì tôi vốn ốm yếu nên sữa mẹ cũng không làm cho tôi lớn nhanh được trong lúc em tôi ngày một lớn nhanh trông thấy.
Gần một năm sau em tôi đã chập chững những bước đi đầu tiên và cũng đã bập bẹ tập nói. Còn tôi, vẫn nằm yên một chỗ để rồi bốn năm sau mới tập tễnh tập đi và cũng đến lúc đó mới bắt đầu bi bô tập nói.
1972
Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh
Lưu ý: Các bài viết trên in lại các trang web hoặc các nguồn phương tiện truyền thông khác không xác định nguồn http://tri-heros.net là vi phạm bản quyền