Họ đã sống những ngày như thế - Công ty TNHH Tam Hùng

Họ đã sống những ngày như thế

Thứ hai - 14/01/2013 19:56
Hơn một năm sau khi tôi và bố tôi từng tiễn các anh bộ đội của một Đơn vị Bộ đội Thông tin lên đường làm nghĩa vụ Quốc tế tại Campuchia thì có một người lính đã trở về nhưng không phải là một trong những người lính mà chúng tôi đã từng đưa tiễn.

Anh là một quân nhân phục viên vì đã từng bị thương nặng và được chuyển về hậu tuyến sau khi đã được cấp cứu và chữa trị những vết thương cho anh tại Quân y Viện dã chiến trên Chiến trường Campuchia lúc ấy.

Xét thấy anh không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục tham gia chiến đấu nên Quân y Viện dã chiến đã làm thủ tục cho anh phục viên. Khi anh trở về nước, anh đã được một Đơn vị Vận tải Quân sự cho đi nhờ xe từ Campuchia về đến Đông hà, anh còn phải tiếp tục đi một chặng đường nữa để ra Bắc nhưng lúc đó Đơn vị Vận tải Quân sự lại đổi tuyến đường để đi qua đường Chín Nam Lào để qua Lào nên anh bộ đội phục viên phải chấp nhận xuống xe giữa đường và được sự giúp đỡ của Cơ quan của bố tôi để lưu trú lại một thời gian cho hồi sức sau cả một chặng đường dài từ Campuchia trở về trong lúc sức khoẻ của anh đang rất yếu.

Người lính ấy mang một bộ quân phục đã bạc màu và đã đưa tất cả những giấy tờ cần thiết để trình cho bố tôi làm đăng ký tạm trú trong thời gian mà người lính ấy lưu lại ở Cơ quan của bố tôi.

Ngay hôm gặp gỡ đầu tiên, bố tôi đã mời người lính ấy cùng dùng cơm thân mật với gia đình tôi. Người lính cảm động vui vẻ nhận lời. Bữa cơm được tổ chức một cách hết sức đạm bạc bởi đó cũng là những năm khó khăn của đất nước.

Trong bữa ăn, người lính vô cùng xúc động kể lại cho chúng tôi nghe những ngày tháng cam go và ác liệt của những người lính đã từng trải ở chiến trường Campuchia, giọng anh lúc hào hứng sôi nổi khi anh kể đến những chiến thắng hào hùng của Quân đội ta nhưng cũng có lúc trầm lắng xuống và nghẹn ngào như nấc lên trước những hy sinh của đồng đội.

Người lính ấy nói rằng:

‘Bộ đội ta phải tập trung toàn bộ các cánh quân chủ lực và thiện chiến nhất để mở một đường máu từ Biên giới Việt nam – Campuchia vào tận Thủ đô Phnompenh của Campuchia bởi lính Polpot được trang bị vũ khí rất mạnh của Trung Quốc và Mỹ cũng như chúng là những tên lính rất thiện chiến.

Nhất là đánh du kích thì những tên lính Polpot cũng rất giỏi bởi chúng rất thông thạo địa hình và cũng rất lì lợm và hung hãn.

Chúng biết phân biệt được đối phương là cựu binh hay là tân binh để biết cách đối phó: Nếu chúng đụng độ phải cựu binh của ta thì chúng phải bỏ chạy tán loạn nhưng nếu đối gặp một đơn vị tân binh của ta và cho dù chúng chỉ có một tên Polpot thì chúng cũng sẽ chống lại đến cùng...’;

Nghe vậy, tôi rất ngạc nhiên hỏi lại:

‘Làm sao chúng biết bộ đội ta là Tân binh hay Cựu binh thiện chiến để chúng có thể thay đổi chiến thuật đối phó?’;

Người lính giải thích ngay:

‘Bởi bọn Polpot cũng sử dụng cùng loại súng AK như bộ đội ta nên chúng rất rành mạch cách sử dụng loại súng này:

Về nguyên tắc, súng AK có hai chế độ bắn gồm một mức chỉ bắn phát một và một mức bắn liên thanh.

Đối với những người lính tân binh chưa quen bắn thì có thể họ chỉ sử dụng được từng phát một để tiết kiệm đạn hoặc vì tâm lý chiến đấu căng thẳng không giữ được bình tĩnh nên họ thường lia luôn từng loạt.

Đối với những người lình thiện chiến thì họ có thể đặt khoá súng ở chế độ liên thanh nhưng mỗi lần lẩy cò họ chỉ cho phép nổ từng hai phát một.

Vì thế nếu bon Polpot nghe được từng phát súng rời rạc hoặc từng tràng liên thanh thì chúng biết rằng đó là những tân binh và chúng sẽ quyết chiến với ta đến cùng.

Nhưng nếu nghe được từng hai phát súng một thì chúng sẽ liệu đường mà trốn vì đó là các cựu binh thiện chiến’.

Tôi mở tròn xoe mắt vì được hiểu thêm những kinh nghiệm lâm trận của những người lính đã từng trải. Tôi liền hỏi:

‘Các anh có gặp được một Đơn vị Bộ đội Thông tin cũng đã từng sang Campuchia mà trước khi lên đường họ cũng đã từng dừng chân ở Cơ quan của bố em không?’;

Người lính hỏi lại:

‘Em có nhớ là đơn vị nào không?’;

Tôi không thể nhớ nhưng bố tôi biết và trả lời cho người lính thay tôi. Người lính cố lục tìm trong trí nhớ và nói rằng:

‘Rất khó phán đoán bởi vì những Đơn vị Thông tin khi được điều ra chiến trường thường được bổ sung và tăng cường một cách tuỳ cơ ứng biến cho các đơn vị chiến đấu nên rất khó mà biết được họ đã được phân bổ cho Đơn vị nào’;

Bố tôi lại hỏi lại:

‘Các anh chỉ là Lính Thông tin chắc là không trực tiếp chiến đấu như những người Bộ đội Chủ lực?’;

Người lính liền trả lời:

‘Đồng chí nói rất đúng, bởi vì Thông tin là Huyết mạch của Quân đội nên nhiệm vụ chính của họ là phải đảm bảo nối thông liên lạc trong toàn quân bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.

Vì thế, họ không trực tiếp chiến đấu như những Bộ đội Chủ lực nhưng vẫn phải tự chiến đấu để bảo vệ an toàn cho các đường dây liên lạc và khi họ được điều động cho các Đơn vị Chủ lực thì mệnh lệnh dành cho họ là không được chết.

Có nghĩa rằng toàn bộ Đơn vị Chủ lực có thể hy sinh để bảo vệ họ nhưng họ không có quyền hy sinh để đảm bảo liên lạc vẫn phải được nối thông và họ có nhiệm vụ phải gọi cho những đơn vị khác gần nhất tới ứng cứu kịp thời’;

Người lính dừng lại đối chút vì rất xúc động khi tiếp tục kể:

‘Có rất nhiều lần những Đơn vị Chủ lực mà tôi được điều động tới để phục vụ Thông tin Liên lạc cho cuộc chiến đấu, hành quân, truy quét bọn Polpot thì đã bị trúng phục kích hoặc chạm trán trực tiếp với bọn Polpot có lực lượng mạnh hơn nên đã bị hy sinh gần như toàn bộ cả Đơn vị Chủ lực.

Trước tình huống đó, người chỉ huy cao nhất của Đơn vị Chủ lực phải ra lệnh cho Đơn vị Thông tin phải rút lui an toàn trước khi những người lính Chủ lực cuối cùng tử thủ để bảo vệ cho chúng tôi.

Những người lính Thông tin buộc phải rút theo mệnh lệnh chiến đấu của người Chỉ huy của Đơn vị Chủ lực nhưng bọn Polpot quá đông và vây kín khắp trận tuyến nên chính chúng tôi cũng không thể thoát ra ngoài.

Đó là một trận chiến xảy ra rất ác liệt trên Cánh dồng Chăm với rất nhiều hố chôn người tập thể mà bọn Polpot từng gây ra đối với người dân Campuchia và những hố đó đầy rẫy những sọ người. Chúng tôi không còn cách nào khác phải bới đống sọ người lên để ẩn núp phía dưới đó.

Trong khi ẩn núp, chúng tôi vẫn cố theo dõi kết cục của trận đánh và vẫn tiếp tục liên lạc với các đơn vị bạn để xin ứng cứu gấp và chính tôi đã nhìn thấy tận mắt sự tàn ác điên cuồng của những tên lính Polpot đối với những người đồng đội của chúng tôi:

Cuộc vây ráp của chúng càng ngày càng khép dần vòng vây, chúng đã dồn được những người lính chủ lực cuối cùng vào giữa và những người lính chủ lực cũng không còn đạn để chống trả. Vậy là những cuộc vật lộn tay không giữa họ với những tên Polpot bắt đầu.

Những người lính chủ lực lần lượt bị những tên Polpot hợp sức đánh ngã và bốn năm tên cùng đè một người xuống đất sau đó dùng lưỡi lê đâm vào bụng rồi dùng dao găm mổ ruột moi gan của các chiến sỹ của ta để ăn sống ngay tại chỗ...’;

Những giọt nước mắt của anh rơi xuống vì xót thương và cảm phục những người đồng đội đã hy sinh và chính anh đã chứng kiến tận mắt cũng đã làm cho chúng tôi phải ứa nước mắt theo anh./.

 

Đông hà 1980

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết