Làng quê - Công ty TNHH Tam Hùng

Làng quê

Chủ nhật - 13/01/2013 21:10
Làng quê tôi cũng như bao làng quê khác trên đất Việt nam, bình dị hiền hoà sau những luỹ tre xanh với những thửa ruộng liền kề. Những mái nhà san sát tập trung giữa những cánh đồng bao bọc xung quanh.

Trước chiến tranh chống Pháp, tuy làng quê tôi rất nhỏ bé nhưng có lẽ vì làng tôi và những làng lân cận vốn được bồi đắp bởi phù sa của các nhánh Sông Danh nên ruộng đồng rất màu mỡ. Những mùa lúa tươi tốt, những hồ sen phả hương thơm ngào ngạt mỗi khi đến mùa hoa nở. Những lũ chim rừng vẫn thường bay về kiếm ăn và hót líu lo.

Cho dù có ít trí tưởng tượng thì cũng cảm thấy được cuộc sống thanh bình và rất đỗi giàu đẹp của thiên nhiên đã ban cho những người dân quê tôi. Giàu trí tưởng tượng hơn nữa cũng thể cho rằng nơi đây như là một cõi thần tiên bởi làng quê tôi có ba bề giáp sông, một bề kề mép ngoài của rặng Trường Sơn chạy dài khắp đất nước.

Mép ngoài của rặng Trường Sơn là những rặng núi thấp, một nhánh nhỏ của dòng Sông Danh vẫn cố gắng luồn lách để tách cái mảnh đất nhỏ bé của làng tôi ra khỏi mép của rặng Trường Sơn. Vậy nhưng, vẫn còn sót lại hai quả núi đá đứng sừng sững ngay phía đầu của làng tôi, người dân quê tôi vẫn thường gọi đó là động lòi.

Nhìn từ trên cao, làng quê tôi giống như một thiếu nữ ở độ tuổi xuân thì đang yên giấc ngủ giữa làn tóc được tạo bởi các nhánh Sông Danh, hai quả núi đá giống như hai bầu vú căng tròn tràn đầy sức sống, đầu thiếu nữ như đang gối lên rặng Trường Sơn trùng trùng điệp điệp... Mỗi sáng sớm, những làn sương mỏng giăng mờ che kín rặng Trường Sơn giống như những lớp rèm nơi khuê phòng của thiếu nữ. Những cơn gió rừng liên tục đổi hướng làm cho những làn sương lay động càng làm cho khuê phòng của thiếu nữ trở nên huyền diệu và đẹp lạ thường.

Khi nắng lên, những làn sương tản dần ra khắp mọi nơi, lúc thì bay là là, lúc thì lên cao như những làn tóc mai mềm mại của thiếu nữ bồng bềnh giữa khoảng trời bao la. Hương rừng theo gió núi lan toả khắp làng quê tôi như mùi thơm da thịt của thiếu nữ.

Những dòng suối nhỏ luồn lách dưới các chân núi đổ về các nhánh Sông Danh với làn nước trong vắt ngọt ngào và mát rượi ngay cả những trưa hè gay gắt như là dòng sữa của cõi tiên sẵn sàng dâng cho thiếu nữ mỗi khi nàng thức dậy.

Dọc bờ sông, những con đò cắm sào đứng đợi dưới hàng cây sung phủ bóng um tùm. Vào mùa quả chín những cành sung chi chít quả mặc sức cho lũ chim và muông thú đến trú đậu và ăn quả...

Hàng năm dân làng quê tôi lũ lượt lên rừng, chỉ cần đi bộ và trèo núi non nửa ngày đường đã có thể lên tận rừng sâu để làm nương và hái quả, đẵn gỗ làm nhà. Rặng Trường Sơn như là kho báu vô tận với vô vàn cây to cao vút rậm rịt chen chúc nhau đã ban cho dân làng quê tôi cuộc sống no đủ đầm ấm... Suốt ngày đêm chim hót véo von, tiếng thú rừng gọi bầy hoặc kiếm mồi vang rộn khắp nơi nơi.

Những con thú rừng vẫn thường mò về làng tôi kiếm ăn và mặc sức tung hoành trên những cánh đồng.

Những lúc chiều tà, giữa lưng chừng trời văng vẳng tiếng sáo diều vi vu của lũ trẻ chăn trâu. Cuộc sống ở nơi đây đâu khác gì cõi thần tiên ở chốn Bồng lai.

Với mảnh đất và địa thế ấy, người dân quê tôi có thể làm được rất nhiều nghề: đánh cá, làm ruộng, làm nương, lên rừng đánh gỗ và săn thú... mọi nghề đều đem lại cho người dân quê tôi cuộc sống sum vầy ấm no.

Chính mảnh đất này cũng sản sinh ra cho đất nước những nhà cách mạng lão thành, những nhà lãnh đạo cũng như những trí thức hàng đầu của đất nước qua nhiều thời đại và nhiều thế hệ... nó xứng đáng với tên gọi là ‘địa linh nhân kiệt’. Kỳ lạ thật, đất quê tôi không phải để trồng ra lúa bởi đồng ruộng quê tôi không thẳng cánh cò bay nhưng thay vào đó đất quê tôi chỉ để trồng ra những nhân tài cho đất nước.

Làng quê tôi vốn giàu đẹp là thế, bình dị và hiền hoà là thế, vậy mà những năm chống Pháp rồi chống Mỹ, cảnh yên bình của quê tôi luôn bị bom đạn quấy phá. Hai hàng sung dọc bờ sông và những luỹ tre quanh những mái nhà bị bom đạn quật ngã không thương tiếc. Đồng ruộng bị băm thành từng mảnh bởi các hố bom chi chít và đất bị cày tung thành từng vệt dài bởi các loạt đạn súng máy và rocket... nhà cửa phần lớn cháy rụi, làng xóm trở nên tiêu điều xơ xác.

Những rặng Trường Sơn cũng bị bom napan và nhiều hoả lực tàn ác của Mỹ thiêu trụi chỉ trơ trọi lại những dãy núi trọc lóc, sau hơn ba mươi năm mới được phủ lên màu xanh của cỏ dại và các loài cây thân yếu... không biết cho đến bao giờ những dãy núi trùng điệp ấy mới được hồi sinh như thời nguyên thuỷ của nó!? Rừng sâu và rừng già của Trường Sơn trước đây vốn vẫn rất gần gũi với dân quê tôi, vậy mà giờ đây chúng đã lùi rất xa về phía biên giới Lào. Lũ thú rừng và chim muông cũng không còn nữa...

Chiến tranh đã cướp đi của người dân quê tôi tất cả những gì của thiên nhiên đã phú cho họ và cướp đi tất cả những gì mà bằng mồ hôi nước mắt lao động của họ đã làm ra. Cái đói cái nghèo bao trùm khắp mọi nơi trên làng quê tôi. Vậy nhưng những người dân quê tôi vẫn bám trụ nơi mình sinh ra, họ vẫn ra sức cày cấy và nuôi trồng.

Sau những trận ném bom và bắn phá của Mỹ, mọi người lại đổ ra đồng để san lấp hố bom, lập lại những thửa ruộng mới giành lại từng màu xanh của sự sống trên những cánh đồng đã bị bom đạn băm nát.

Những thửa ruộng cũng không phụ vào công người cày cấy, sau những tháng ngày vất vả, chen giữa những hố bom, những chồi non của sự sống vẫn vươn lên ngạo nghễ mặc cho bao nhiêu trận mưa bom khác vẫn tiếp tục dội xuống không ngớt.

Con người gắn bó với đất, đất gắn bó vào con người, tất cả hoà quyện vào nhau thành một, sắt son và thuỷ chung. Có lẽ vậy mà những con người từng được sinh ra nơi đây đã được hun đúc lòng cần cù, kiên nhẫn, dũng cảm với niềm tin vô bờ bến. Phải chăng đó chính là những tố chất giúp cho những con người đã từng được sinh ra nơi đây sớm có nghị lực và hoài bão để trở thành những bậc vĩ nhân của đất nước sau này!?

Làng tôi có ba dòng họ lớn, đứng đầu là họ Hoàng của ông ngoại tôi, kế đến là họ Trần của ông nội tôi và sau đó là họ Nguyễn. Cả ba dòng họ này luôn gắn bó nhau như ba chân vạc đã cống hiến cho đất nước không biết bao nhiêu người con ưu tú trong các cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc cũng như những trí thức hàng đầu của đất nước sau thời chiến.

....      ....      ......    .....

Tôi trở về làng quê tôi sau những tháng ngày xa cách, người thiếu nữ vẫn nằm đó, giấc mơ nghìn thu vẫn còn đó nhưng những lớp rèm nơi khuê phòng của thiếu nữ không còn nữa. Tôi không còn được chiêm ngưỡng mái tóc mai của thiếu nữ mỗi khi nắng lên và không còn được tận hưởng mùi vị ngào ngạt của làn da thiếu nữ mỗi khi những cơn gió rừng thổi tới.

Từ trên hai núm vú của thiếu nữ chỉ vang vọng lại tiếng con chim câu núi rúc lên từng hồi: ‘ru... ú... u... c, r... u... ù... u’, nghe trầm đục da diết, nó vang mãi trong khoảng không gian bao la của một miền quê thanh vắng. Trong lòng tôi chợt dâng lên bao nỗi xót xa nghẹn ngào...

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết