Lòng bác ái - Công ty TNHH Tam Hùng

Lòng bác ái

Thứ hai - 14/01/2013 19:47
Tôi đã từng bị ngược đãi nên tôi cũng cảm thấy rằng sự ngược đãi của tôi đối với người khác là bình thường; Những kẻ đã phải cam chịu sự tàn bạo của kẻ khác cũng sẽ trở thành một kẻ tàn bạo nếu có thể bức hiếp được một kẻ khác.

Cuộc sống khốn khó của những năm trong thời hậu chiến cũng có những kỷ niệm vui buồn về cuộc sống diễn ra hàng ngày, về những tình cảm mộc mạc và bình dị giữa những con người và cả về những nghị lực phi thường của những con người vượt qua bao khó khăn gian nguy để vươn lên không ngừng...

Từ sau ngày gã trộm được mẹ tôi làm thủ tục bảo lãnh để được tha bổng, tôi bắt đầu có một trò chơi mới:

Vào một lần sau buổi học, trên đường đi học về, tôi cố tình nấn ná chờ cho đứa bạn gái con của gã trộm đến gần rồi hét tướng với đám bạn:

‘Chúng mày ơi, nó là con của kẻ trộm! Bố nó vào cơ quan của bố tao ăn trộm nên đã bị Công an bắt, chúng mày đừng chơi với nó!’;

Những đứa bạn cùng lớp với tôi vội vào hùa cùng tôi để chế giễu và báng bổ nó khiến cho một đứa bé vô tội như nó phải khóc lóc thảm thiết vì xấu hổ và nhục nhã...

Tôi không hiểu sao lúc đó tôi không thấy mình biết cảm thương cho nó, không biết cảm thương cho một số phận nghiệt ngã vì bị phỉ báng và hạ nhục... hay là vì chính vì trong thời gian đó tôi luôn từng bị lũ bạn cùng trường đánh đập do sự kỳ thị của chúng đối với tôi là con của những người thuộc Chế độ Cộng sản còn chúng là con của những người từng sống trong Chế độ Sài gòn cũ... nên tôi không còn cảm thấy biết thương hại kẻ khác.

Phải chăng vì tôi đã từng bị ngược đãi nên tôi cũng cảm thấy rằng sự ngược đãi của tôi đối với người khác là bình thường. Những kẻ đã phải sống và cam chịu sự tàn bạo của kẻ khác cũng sớm trở thành một kẻ tàn bạo nếu có thể bức hiếp được một ai đó.

Đó chính là một điều đáng sợ đối với bản thân tôi vào lúc đó.

May thay, mẹ tôi cũng vừa lúc đi dạy về và đi ngang qua, nhìn thấy tôi đang đầu têu để sỉ nhục đứa bé tội nghiệp đó, mẹ tôi liền quở mắng tôi và bước tới dỗ dành đứa bé gái.

Nó cảm thấy tủi hận thực sự và giờ đây chỉ có duy nhất một mình mẹ tôi là người có thể che chở cho nó nên nó đã gục vào vai mẹ tôi mà khóc một cách oan ức lúc mẹ tôi cúi xuống an ủi nó.

Mẹ tôi liền bế nó và cứ vậy cho đến tận nhà nó. Những nghĩa cử bác ái và vị tha của mẹ tôi lại khiến cho nó càng thêm ấm ức.

Thực tình mà nói, trẻ con rất hay mủi lòng và luôn muốn được thể hiện hết sự ấm ức của nó khi có ai đó dỗ dành nó.

Không phải nó cố tình khóc dai để buộc mẹ tôi phải khó nhọc dỗ dành nó mà đó là vì tâm lý của một đứa trẻ, nó cũng giống như tôi mỗi khi gặp chuyện ấm ức vẫn thường kéo níu dài thời gian dỗ dành của người lớn.

Còn tôi, không còn biết mình phải làm gì hơn là lũn cũn theo sau mẹ tôi về tận nhà nó.

Mẹ tôi cứ thế bế nó về đến tận nhà nó vừa hay bố nó cũng vừa đi học việc về. Ông ta vội vàng mở cửa cất đồ lề rồi niềm nở với mẹ tôi. Mẹ tôi nói:

‘Thằng con trai của tôi hẵng còn nhỏ dại, chưa biết điều lễ nghĩa, nó đã hàm hồ báng bổ con gái của anh nên tôi phải dỗ dành nó và cho tôi được xin lỗi anh vì những gì mà con trai tôi đã xúc phạm đến cháu.

Tôi sẽ giáo dục lại con tôi khi tôi đưa nó về nhà...’;

Người đàn ông vội vã:

‘Cũng là trẻ con với nhau cả mà, nó có đùa cợt chứ có đánh đập con tôi thì cũng biết vậy thôi chứ chả nhẽ...

Chị đã khiến cho tôi phải chịu ơn chị nhiều lắm, tôi không biết phải cám ơn chị như thế nào cho phải lẽ!?’;

Mẹ tôi nói:

‘Anh đừng khách sáo làm chi, tôi là một nhà giáo nên tôi phải giáo dục các con các cháu đến nơi đến chốn để các con các cháu phải học được điều hay lẽ phải, phải biết làm những việc có ích cho Xã hội...’;

Mẹ tôi nói đến đó vừa chợt nhận thấy nét mặt người đàn ông hơi lắng xuống. Mẹ tôi biết câu nói của mình vô tình chạm đúng vào nỗi đau của người đàn ông liền vội vã lảng sang chỗ khác:

‘Chị đang đi vắng hở anh?’;

Người đàn ông sực nhớ:

‘Ồ xin lỗi chị, nhà tôi đang đi chợ mua bán vài thứ, để tôi đi đun ấm nước mời chị. Nói chuyện với chị từ nãy tới giờ mà tôi quên mất, tôi thật có lỗi nhiều với chị...’;

Mẹ tôi vội khước từ:

‘Thôi, xin cám ơn anh, anh không phải bày đặt cho khách sáo. Tiện đây tôi chỉ muốn hỏi xem tình hình công việc làm ăn của anh có tiến triển được tốt đẹp hay không?’;

Người đàn ông xúc động nói:

‘Chị thấy đấy, hàng ngày tôi vẫn phải đi học nghề ở một xưởng mộc trong Phường và thi thoảng cũng đi đào hố rác để gom thu phế liệu đi bán, còn vợ tôi thì cũng đã được bà con cô bác giúp cho ít vốn để chạy chợ buôn bán và làm ăn nên tạm thời cũng xoay xở được chút ít để có được một cuộc sống tạm ổn và cũng có hy vọng. Thời bây giờ thì phần lớn mọi người dân ở đây đều thế cả, không riêng gì tôi’;

Mẹ tôi nghe vậy liền vui mừng và nói:

‘Biết được như vậy thì tôi cũng rất mừng cho anh, tôi cũng hy vọng và chúc cho anh chị gặp nhiều may mắn, ổn định được cuộc sống và chăm lo được cho các con các cháu ăn học được đến nơi đến chốn vậy là nhất rồi.

Hoàn cảnh của chúng tôi hiện tại tuy là Nhân viên và Cán bộ Nhà nước nhưng cũng còn rất khó khăn... cũng đã trưa rồi xin phép chào anh  chúng tôi phải ra về để chuẩn bị bữa trưa cho gia đình.

Hẹn anh lúc khác...’;

Biết là không thể lưu chúng tôi lại lâu hơn được nữa nên người đàn ông vồn vã đi ra mở cổng và chúng tôi ra về.

Đó chính là bài học về lòng Vị tha mà mẹ tôi đã dạy cho tôi...

Hơn hai mươi năm sau tôi mới có dịp quay lại mảnh đất Đông hà nắng cháy bỏng lưng người và được biết rằng nó đã cùng gia đình tản cư sang Mỹ theo diện HO. Trước khi lên đường sang Mỹ, ông ấy đã cất công lặn lội vào tận Huế để tìm gặp cho bằng được mẹ tôi với hy vọng sẽ được nói lời giã biệt với mẹ tôi nhưng không gặp vì gia đình tôi lại chuyển về lại Quảng Bình sau khi tách Tỉnh (1989).

Lòng Vị tha và Bác ái của mẹ tôi đã khiến cho một kẻ từng cầm súng bắn lại nhân dân phải khắc nhớ tận tâm can cho đến khi đã và đang sống ở một nơi xa xôi tận bên kia Bán cầu của Trái đất...

 

 

Đông hà 1978

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết