Lòng mẹ - Công ty TNHH Tam Hùng

Lòng mẹ

Thứ hai - 14/01/2013 15:19
Ai sẽ giữ gìn cho chúng ta ngọn đuốc thiêng liêng của Nền Văn minh Nhân loại tự bao nghìn năm nay: Cuộc đời này chính là cuộc chạy tiếp sức của loài người từ thế hệ này qua thế hệ khác mà trong cuộc chạy đó loài người đã trao cho nhau ngọn đuốc thiêng liêng của tinh thần bất diệt của sự sống giữa các thế hệ cha anh với các thế hệ cháu con như chúng ta và của chúng ta sau này, nếu chúng ta không trân trọng và giữ gìn nó trong những chặng đường tiếp theo!?

Sau một năm kể từ lúc mẹ tôi phải đi điều trị ở Bệnh viện Trung ương ở Hà nội, bố tôi đã về nước và được điều vào thành lập đơn vị kinh tế cho Thị xã Vĩnh linh từng là mũi đầu chiến tuyến của đất nước.

Cơ quan mà bố tôi thành lập chỉ là ba căn nhà mái tôn, một căn nhà vừa là phòng ngủ vừa là văn phòng làm việc của tất cả mọi người cùng cơ quan, một căn nhà làm nhà ăn tập thể và một căn nhà để làm nhà kho.

Kể ra, một cơ quan được thành lập ngay sau khi đất nước vừa giải phóng thì như vậy cũng không phải là thua kém gì những cơ quan khác. Trách nhiệm của cơ quan mà bố tôi thành lập là thu mua nông sản và lâm sản để xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ nhân dân và một số ít mặt hàng công nghiệp phục vụ cho Tỉnh nhà.

Khó có thể kể hết cuộc sống vất vả mà bố tôi cùng những người cùng cơ quan của bố tôi và chúng tôi đã phải trải qua những ngày tháng ấy.

Cho đến tận bây giờ, những ai đã từng trải qua những ngày tháng trong thời kỳ hậu chiến mới có thể thấu hiểu và thông cảm cho những thống khổ của chúng tôi: Những gì mà hàng ngày chúng tôi có thể qua được cơn đói là một phần ba gạo, hai phần còn lại là hoa màu. Vào những thời điểm may mắn thì chúng tôi được hai phần kia là bột mì hoặc hạt bo bo, kém hơn một chút là ngô hạt và tột cùng là sắn lát phơi khô.

Ba anh em chúng tôi vì thể lực kém và vì đói ăn hàng ngày nên không thể ăn được cơm trộn sắn lát. Có những bữa vì say sắn lát mà cả ba anh em chúng tôi đã say lộn nhào, tất cả những gì mà chúng tôi đã từng cho vào bụng đều bị nôn thốc nôn tháo ra ngoài.

Biết vậy, cứ đến bữa, các cô các chú trong cơ quan rất thương tình phải tìm cách lựa những hạt cơm ít ỏi trong bát của họ dành lại cho chúng tôi. Thế nhưng thời đó, gạo mậu dịch đã mốc và vì phải trộn lẫn với sắn lát nên mùi vị của những hạt cơm mà chúng tôi ăn không còn là mùi của những hạt cơm nguyên vẹn mà nặng mùi sắn lát nồng nặc khó chịu...

Tuy vậy, tất cả chúng tôi cũng đều phải trải qua cuộc sống như vậy suốt nhiều năm trời. Có lẽ, nhờ đó, chúng tôi cũng đã trở thành những thế hệ còn lại của đất nước này thấu hiểu được hậu quả của chiến tranh và nhận thức được rằng có được cuộc sống như ngày hôm nay quả là một hạnh phúc vô cùng lớn đối với chúng ta.

Có thể, những thế hệ trẻ mới trưởng thành sau những giai đoạn mà đất nước đã hết khó khăn đang chuyển mình sang Cơ chế Thị trường – Tiền đề cho sự cất cánh của đất nước trong vòng mười năm tới sẽ không còn quan tâm và thậm chí không muốn ai đó nhắc tới những khốn khó mà những thế hệ trước đã từng trải qua thì chắc chắn tôi và tất cả những ai đã từng trải qua những năm tháng ấy sẽ không khỏi chạnh lòng và không khỏi ngậm ngùi chua xót trước những nghĩ suy nông nổi của nhiều thế hệ trẻ sau này.

Tôi càng cảm thấy xót xa vô cùng khi được biết một học sinh giỏi văn đã trả bài thi tuyển chọn học sinh giỏi với đề bài nói về ‘Bài văn tế Nghĩa sỹ Cần giuộc’ của Nguyễn Đình Chiểu.

Cô bé học sinh đó đã viết một bài văn với nội dung rằng vì em là một trong những thế hệ đã và đang sống trong một thời đại của đất nước thanh bình, xung quanh em không còn những đau thương, không còn những vất vả thì làm sao em có thể cảm nhận được những đau thương của những thế hệ đã cách xa em ngót trăm năm...

Có một phần nào đó cô bé học sinh đó đã nói đúng nhưng chúng ta hãy thử ngẫm suy thật nghiêm túc về điều này xem thực sự đúng hay sai!? Khi mà chúng ta đã và đang sống trong cuộc sống yên bình không phải vật lộn với những thiếu thốn và không phải chịu đựng cảnh chia lìa với những người thân phải ngã xuống nơi chiến trường!

Than ôi, tôi thiết nghĩ rằng đã là con người thì phải biết rung cảm trước nỗi đau và nỗi cơ cực cũng như biết cảm thông cho nỗi nhục của những kẻ phải cam chịu cho dù họ là những người xa lạ và cho dù họ đã ở cách xa chúng ta trong quá khứ.

Không nhất thiết những sự kiện ấy phải xảy ra ngay chính bên cạnh chúng ta thì mới có thể cảm nhận được nỗi đau và không phải chỉ có những người thân của chúng ta phải chịu đựng những nổi đau ấy thì mới có thể khiến cho chúng ta bộc phát được tình thương.

Nếu không có những người bết đau nỗi đau cho đồng loại thì Thế giới này làm gì có khái niệm Nhân loại, nếu không có những người vẫn còn biết lưu dĩ vãng vào tâm can thì Thế giới này làm gì có Lịch sử.

Ai sẽ giữ gìn cho chúng ta ngọn đuốc thiêng liêng của Nền Văn minh Nhân loại tự bao nghìn năm nay: Cuộc đời này chính là cuộc chạy tiếp sức của loài người từ thế hệ này qua thế hệ khác mà trong cuộc chạy đó loài người đã trao cho nhau ngọn đuốc thiêng liêng của tinh thần bất diệt của sự sống giữa các thế hệ cha anh với các thế hệ cháu con như chúng ta và của chúng ta sau này, nếu chúng ta không trân trọng và giữ gìn nó trong những chặng đường tiếp theo?

Trong lúc các thế hệ thanh thiếu niên của chúng ta từ chối quá khứ của dân tộc thì bên kia nửa bán cầu, một người lính Mỹ đã trân trọng nâng niu những cuốn Nhật ký của nữ Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã từng anh dũng hy sinh trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Vĩ đại của Dân tộc.

Tại sao một ‘tên’ lính Mỹ đã từng gây không ít tội ác với đất nước và dân tộc Việt nam chúng ta trong cuộc chiến đã lùi xa hơn ba mươi năm lại vẫn lưu giữ cho chúng ta trong ngần ấy năm trời những chứng tích cho Lịch sử của một Dân tộc đã từng đứng lên giành lại độc lập, trong lúc những thế hệ trẻ của chúng ta lại ngoảnh mặt thờ ơ...!

Tại sao một kẻ chiến bại đã biết bỏ qua sự sỉ nhục của chính cá nhân họ và hơn thế là của cả dân tộc và đất nước họ vốn là một Đại đế quốc chưa từng biết chiến bại để tôn trọng những di vật của một người đã chiến thắng họ, trong lúc chúng ta đáng lẽ phải biết tự hào và càng phải trân trọng những gì mà chúng ta từng có và phải biết tiếc nuối những gì đã mất đi...

Chúng tôi cũng đã có những ngày tháng ấu thơ sống trong suy nghĩ nông cạn của trẻ thơ đã không cảm nhận được hết những cao quí của cuộc sống để rồi khi lớn lên tôi không khỏi ân hận và day dứt.

Cho đến bây giờ, khi tôi đã thực sự trưởng thành và nhớ lại những gì đã qua, với nhiều ký ức dồn dập đã khiến tôi bùi ngùi và cảm thấy cay xè ở khoé mắt và ở cuống họng luôn dợn lên những tiếng nấc nghèn nghẹt.

Có lẽ nào chỉ trong cuộc sống khốn khó thì con người mới biết quí trọng tình cảm và tinh thần còn khi cuộc sống trở nên sung túc thì tình cảm cao quí giữa những con người trở nên không còn là điều quan trọng!?

Nhưng riêng tôi, những ngày tháng ấu thơ ấy đã hằn đọng trong trí óc của tôi tất cả những tấm lòng của các cô bác cùng cơ quan đã đãi đằng chúng tôi bằng những hạt cơm ít ỏi cho chúng tôi qua đi những cơn đói hành hạ không chỉ chính chúng tôi mà còn hành hạ cả chính họ.

Cơn đói ấy đã hành hạ chúng tôi triền miên để rồi sau khi qua khỏi những ngày tháng ấy chúng tôi mới thấm thía được những ngày hôm nay và luôn bị ám ảnh nếu vì một lý do gì đó phải quay trở lại những ngày xa xưa ấy...

Đó là một lần mẹ tôi từ Bệnh viện Trung ương Hà nội trở về, sau gần hai năm xa cách. Lúc mẹ tôi trở về, chúng tôi đã yên giấc nên mẹ tôi chỉ thầm lặng ngắm nhìn chúng tôi ngủ giữa hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi gò má của mẹ tôi vì sự nhớ nhung đối với chúng tôi.

Sáng sớm khi vừa thức dậy, bố tôi được một người dân trong xóm biết tin mẹ tôi về nên đã mang sang cho bố tôi một ít gạo trắng vừa được gặt xong và cũng vừa mới được giã kỹ. Vào thời đó, có được một ít gạo mới để ăn thì thật là hiếm có đối với chúng tôi.

Thế rồi cả mấy anh em chúng tôi cũng thức giấc, mẹ tôi chờ chúng tôi ở dưới bếp vì theo thói quen mỗi khi chúng tôi dậy đều xuống bếp kiếm cái gì đó để ăn sáng. Vừa nhìn thấy mẹ, chúng tôi đều sung sướng và đồng thanh reo to ‘ah mẹ, mẹ đã về’ và cùng nhảy ùa vào lòng mẹ...

Cũng vừa lúc ấy, mùi thơm của nồi cơm gạo mới bốc lên nghi ngút khiến cho chúng tôi cảm thấy thèm khát vô cùng, đứa em gái út của tôi vội vã buông mẹ tôi và chạy đến bên nồi cơm mở hẳn nắp nồi cơm, mắt nó bỗng sáng lên rồi một lần nữa lại reo lên sung sướng ‘ah, cơm gạo trắng’.

Nghe vậy cả ba anh em chúng tôi cùng buông mẹ và nhào vào nồi cơm, đứa thì bưng bát, đứa thì lấy thìa đũa để xới cơm và cùng ăn ngấu nghiến.

Cả ba anh em chúng tôi đều quên mất rằng mẹ chúng tôi vẫn ngồi ở đó với đôi dòng nước mắt lã chã khôn cầm.

Cuộc sống là vậy đó, sự đói khát đã khiến cho những đứa trẻ như chúng tôi cảm thấy cần một bát cơm ngon hơn là cần đến sự âu yếm và yêu thương của người mẹ mà chúng tôi đã phải xa cách bấy nhiêu tháng ngày...!

 

 

 

 

1976

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết