Lòng nhân ái - Công ty TNHH Tam Hùng

Lòng nhân ái

Thứ hai - 14/01/2013 02:32
Tôi đã vào lớp một khi tôi chưa đầy năm tuổi. Tôi nhớ rằng, ngày đầu tiên mẹ tôi đưa tôi đến trường xin nhập học, thấy tôi quá bé, không ai dám cho tôi vào lớp. Mẹ tôi phải lên tận Ban Giám hiệu gặp Hiệu trưởng để nài nỉ và xin cho bằng được nhưng Hiệu trưởng cũng cảm thấy ái ngại và dè dặt từ chối nguyện vọng của mẹ tôi...

Mẹ tôi đành phải đưa tôi trở về, khi ra đến cổng trường, biết rằng tôi không được đi học, tôi đã nhảy xuống xe đạp, rất may là sân trường bằng cát nên tôi không hề hấn gì sau khi bị ngã vì nhảy khỏi xe. Tôi vật nài và giận dỗi với mẹ tôi, mặc cho mẹ tôi khuyên can tôi vẫn không muốn trở về nhà.

Mẹ tôi đành phải quay lại một lần nữa để thuyết phục các thầy cô giáo cho tôi dược đến lớp. Mọi người không còn cách gì để từ chối ngoài việc lấy cớ rằng việc học rất khó mà tôi chưa đến tuổi nên tôi không thể học được.

Sau lời nói của thầy Hiệu trưởng, tôi vội vã thưa ngay với thầy rằng tôi đã học xong sách lớp một và nếu thầy không tin thì các thầy các cô có thể kiểm tra. Thầy Hiệu trưởng liền đánh cuộc với tôi nếu sau kiểm tra mà xác nhận đúng như lời tôi nói thì tôi mới có thể vào lớp. Ngược lại, tôi phải ngoan ngoãn về nhà với mẹ:

Tôi rắn rỏi đồng ý, và cuộc kiểm tra bắt đầu, cô giáo tên là Nho, sau này là chủ nhiệm của lớp tôi, mang cuốn sách tập đọc lên Phòng Giám hiệu và trước mắt thầy Hiệu trưởng tôi bắt đầu đọc từng chữ một cách rành rọt. Không còn cách nào để từ chối, thầy Hiệu trưởng đành phải ký các thủ tục và làm Học bạ cho tôi nhập học.

Vậy là buổi học đầu tiên trong cuộc đòi tôi bắt đầu, kỳ thực tôi chỉ vào cho vui mà thôi bởi vì các bài học của lớp một thì trước đó tôi đã học ở nhà cùng với anh họ của tôi. Những ngày sau, tôi bắt đầu cảm thấy chán ngán những bài học ở lớp. Tuy vậy, những trò nghịch của bạn bè cùng lớp vẫn lôi cuốn tôi. Không những vậy, tính hiếu động và hay nghịch ngợm của tôi đã khiến tôi trở thành kẻ đầu trò cho những trò chơi mới của lũ bạn cùng lớp.

Nhờ sự hiếu động của tôi mà tôi may mắn được các thầy cô giáo chiếu cố cho tôi được đến trường. Nhưng cũng chính vì sự hiếu động của tôi mà suýt nữa tôi bị thầy Hiệu trưởng đuổi học...

Nguyên do là ngôi trường mà tôi học vừa mới được cất lên trong năm cuối cùng của cuộc chiến tranh. Sân trường hoàn toàn bằng cát, lũ học sinh chúng tôi thường cào cát thành từng đống để chơi trò chơi xây nhà...

Một lần, khi cào cát, tôi phát hiện một quả bom bi vùi sâu dưới cát và tiếp theo là nhiều vỏ đạn lẫn những viên dạn súng trường còn nguyên. Tôi nhặt lên khoe với lũ bạn cũng vừa lúc cô giáo chủ nhiệm của tôi trông thấy: Cô giáo hoảng hốt lao tới giật lấy quả bom bi trong tay tôi và đưa vào báo với thầy Hiệu trưởng, thầy Hiệu trưởng kinh hãi nói với cô giáo chủ nhiệm của tôi rằng: ‘Có lẽ phải trả nó về với gia đình vì nó quá nghịch và quá dại ngộ, nhỡ có những việc tương tự như vậy thì biết thế nào mà lường được’.

Một lần nữa, tôi lại trở nên giảo hoạt không thể tưởng tượng được, tôi vội thưa với thầy: ‘Thưa thầy, lúc em vừa đến nơi đã thấy các bạn đào cát để lộ quả bom bi ra ngoài, em sợ các bạn có thể làm nó nổ nên định bụng sẽ mang nó đi vứt’;

Thầy Hiệu trưởng ngạc nhiên hỏi lại ‘làm sao em biết được đấy là quả bom bi?’;

‘Thưa thầy vì bố em cũng từng bị trúng mìn bị thương nên bố em thường kể lại chuyện đó và mô tả cho em các loại bom mìn của Mỹ còn sót lại để phòng tránh’;

Thầy Hiệu trưởng không khỏi kinh ngạc và cho rằng tôi đã nói đúng nên thầy không trách phạt tôi mà chỉ nói rằng ‘nếu lần sau em gặp trường hợp như vậy thì không nên tự em giải quyết mà phải báo với người lớn để tránh nguy hiểm, em hiểu chưa?’;

Tôi cám ơn thầy và xin phép được về lớp. Về phần cô gáio chủ nhiệm, phát hiện được sự tinh nghịch của tôi, trong lòng cô không khỏi lo lắng. Cô định bụng sẽ gặp mẹ tôi để nói với mẹ tôi về điều này.

Thế rồi việc gì đến cũng sẽ đến, có một lần nhân lúc mẹ tôi đến đón tôi sau buổi học. Vì thường ngày các chị học sinh của mẹ tôi hay đến đón tôi nhiều hơn. Lần ấy nhân có mẹ tôi đến, cô giáo chủ nhiệm vội vã đến gặp mẹ tôi và cùng chúng tôi đi dọc suốt con đường từ trường về nhà. Mặc dù cả mẹ tôi và cô giáo cùng đi xe đạp nhưng cả hai không ai lên xe mà chỉ đẩy bộ xe đạp cùng nhau vừa đi vừa nói chuyện rất đỗi thân thiết.

Trong tình cảm chân thành thân thiện của mẹ tôi, cô giáo chủ nhiệm cũng không nỡ phê bình sự nghịch ngợm của tôi mà đang phải tìm những lời lẽ để khen tôi. Quả thực ngoài sự tinh nghịch vì tính hiếu động của trẻ con thì tôi vẫn là một đứa trẻ ngoan và ham học hỏi những điều mới mẻ. Bất kỳ những bài học nào mới mẻ đều gây nên sự chú ý của tôi...

Mẹ tôi cũng vô cùng cảm động trước sự quan tâm của cô giáo chủ nhiệm đối với tôi mặc dù không biết đằng sau đó sẽ có những lời phê bình của cô giáo chủ nhiệm hay không nhưng mẹ tôi vẫn hiểu cá tính hiếu động của tôi. Vì thế, không để cô giáo chủ nhiệm kịp nói ra điều đó thì mẹ tôi cũng đã nói về sự tinh nghịch của tôi.

Thấy vậy, cô giáo chủ nhiệm cũng chột dạ và cũng không muốn phải nói ra điều đó nữa. Và từ đó hai người càng trở nên thân thiết nhau hơn và họ cùng đích thực quan tâm đến tôi như hai người mẹ.

Khi đã sắp đến Trường của mẹ tôi, mẹ tôi nói với cô giáo chủ nhiệm rằng mẹ tôi sắp phải đi điều trị ở Bệnh viện Trung ương vì mẹ tôi từng bị chấn thương sọ não nên trong thời gian tới sẽ không thể chăm lo cho tôi được nữa. Mẹ tôi sẽ phải điều trị một thời gian khá dài nên mẹ tôi rất lo lắng về tôi vì tính hiếu động của tôi.

Cô giáo chủ nhiệm nghe vậy liền thuyết phục mẹ tôi hãy để cô chăm nom cho tôi trong thời gian mẹ tôi điều trị. Cô nói rằng ‘cháu hẵng còn rất bé nên chị hãy cho cháu học lại thêm một năm lớp một nữa để cho cháu được cứng cáp thêm nhiều rồi hãy cho cháu lên lớp hai. Nếu cháu vẫn học lớp một thì tôi vẫn là chủ nhiệm của cháu và tôi sẽ chăm lo cho cháu: Hàng ngày tôi sẽ đưa cháu đi học và tan học tôi sẽ đưa cháu về ở nhà tôi, tôi cũng muốn được coi cháu như con trai của tôi. Thực tình nó rất hiếu động và cũng rất nhanh nhẹn khiến tôi thương yêu nó như con của mình vậy’;

Mẹ tôi rơm rớm nước mắt cảm động hầu như không còn cách nào để giải quyết tốt hơn vì tình thế bắt buộc mẹ tôi phải vào viện điều trị...

Thấy vậy, tôi khăng khăng từ chối ‘con không đồng ý đâu, con đã học hết chữ của cô rồi, con phải lên lớp hai. Con không muốn phải ở lại lớp một, con xấu hổ lắm!’.

Vào lúc đó, tôi phản kháng quyết liệt lời đề nghị của cô giáo chủ nhiệm rằng tôi phải học lại lớp một cho đủ tuổi nhưng tôi vẫn nhận thấy được điều mà cô đề nghị không có gì ác ý với tôi cả mà ngược lại tôi luôn cảm nhận được ở cô giáo một tình yêu thương rất mực của một cô giáo như tấm lòng của một người mẹ. Chỉ tiếc rằng, tôi chưa đủ nhận thức trong lý trí để giãi bày mong ước của tôi được lên lớp trước sự đùm bọc yêu tgương của cô giáo, có thể nào lúc đó tôi có làm cho cô giáo chạnh lòng hay không!?

Cho đến bây giờ, đã gần ba mươi năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in bóng hình của cô giáo với mái tóc bạc nhưng rất đỗi hiền dịu và thân thương. Nhiều năm đã qua, tôi đã quay lại mái trường mà ngày xưa tôi đã từng học những ngày đầu tiên của cuộc đời được làm người nhưng không ai còn biết cô giáo đã ở phương trời nào.

Ngày đó, lúc mà mẹ tôi và cô giáo cùng nói chuyện với nhau, mẹ tôi và tôi cũng chỉ biết nhà của cô giáo ở phía bên kia ngọn đồi theo ngón tay của cô giáo chỉ cho chúng tôi. Tôi cũng đã tìm theo hướng ấy nhưng ở xóm cũ không còn ai biết cô giáo đã chuyển nhà đi đâu.

Tôi không biết cô có còn nhớ tôi không nhưng trong lòng tôi vẫn canh cánh một nỗi niềm:

‘Thưa cô, cho dù cô không còn nhớ đến em thì trong tâm khảm của em vẫn không bao giờ phai nhoà hình bóng của cô là một người thầy đầu tiên trong cuộc đời của em: Bài học đầu tiên mà cô dạy cho em không phải là những điều gì xa vời mà chính là tình cảm thân thương giữa những con người. Vâng đó chính là lòng Nhân ái!’.

1975

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết