Lòng vị tha - Công ty TNHH Tam Hùng

Lòng vị tha

Thứ hai - 14/01/2013 07:45
Tôi đang ngon giấc ngủ trưa thì bỗng dưng có tiếng người chạy rầm rập và tiếng hô to: ‘Trộm, bắt kẻ trộm... đứng lại’;

Tôi vội vàng vùng khỏi giường và chạy ra ngoài, tôi thấy chạy phía trước là một gã đàn ông trạc tuổi tứ tuần và chạy phía sau là một chú ở trong cơ quan của bố tôi. Không mấy chốc thì gã đàn ông bị tóm bởi chú ở Cơ quan bố tôi và chú ấy một tay tóm lấy bàn tay của gã còn một tay kia đặt lên bả vai của gã để bẻ gập cánh khuỷ không cho gã trộm kháng cự và ẩy về phía nhà tôi để gặp bố tôi.

Cùng lúc đó bố tôi và mẹ tôi cùng các em của tôi cũng ra trước hiên nhà ngóng xem chuyện gì đã xảy ra. Khi gã trộm được điệu cổ đến gần, bố tôi nói với chú cùng Cơ quan:

‘Anh đưa hắn lên phòng làm việc của tôi để lập biên bản và giao nộp hắn cho Công an’;

Nghe vậy, chú ấy bèn xoay người gã lại và đẩy gã về phía dãy nhà làm việc của cơ quan. Động tác của chú ấy khá mạnh khiến cho chiếc áo vải trắng mà gã đang mặc vốn đã sờn bị rách toạc một vệt dài từ trên cổ áo xuống tận dưới lưng. Mẹ tôi bất chợt nhìn thấy và biết rằng một tình cảnh thảm thương đã khiến gã phải chót dại... Mẹ tôi ngăn bố tôi:

‘Anh cứ cho anh ta vào đây hỏi rõ sự tình xem sao đã’;

Nghe vậy, bố tôi liền bảo với chú cùng cơ quan:

‘Anh cho hắn vào đây vậy!’;

Chú ấy liền ‘dẫn độ’ gã vào nhà tôi. Cuộc ‘thẩm cung’ bắt đầu:

Gã trộm van vỉ và kể lể:

‘Tôi xin cắn cỏ lạy các ông, xin các ông tha cho tôi lần này, tôi chỉ trót dại một lần này thôi vì nhà tôi nghèo quá nên phải làm liều:

Thưa các ông, tôi không dám giấu diếm gì các ông, trước đây tôi bị bắt đi phục vụ trong Quân đội của Chính quyền Nguỵ, mặc dù tôi không muốn nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc nên tôi không thể chống lại Chính quyền của thời đó.

Đến ngày giải phóng vì tôi thuộc diện Nguỵ quân nên bị bắt đi cải tạo ba năm, tôi vừa mới được mãn hạn cải tạo vì tôi chỉ là lính trơn không có nhiều tội ác với nhân dân nên được thả về sớm.

Khi trở về nhà, thấy cảnh vợ con nheo nhóc, tôi muốn đi tìm một công ăn việc làm tử tế để nuôi vợ nuôi con. Nhưng các ông biết đấy, thời buổi này đâu dễ kiếm được việc làm ngay, tôi phải đi học nghề thợ mộc và phải chấp nhận làm không công sau khi thành nghề một thời gian để trả tiền học vì tôi không có tiền để nộp học phí cho người dạy nghề mộc...’

Gã dừng lại giây lát và nấc lên nghẹn ngào vì sự hối lỗi một cách thành thực và kể tiếp:

‘Lúc tôi đi ngang qua đây, tôi thấy cả cơ quan vắng lặng và thấy có mấy bộ quần áo phơi ở ngoài dây phơi...

Vì hoàn cảnh của tôi lúc này nghèo quá, tôi chỉ có mỗi bộ quần áo mặc trên người nên tôi đã nảy sinh ý định ngu dại...’

Gã lại gào khóc thảm thiết:

‘Tôi có ngờ đâu, chỉ vì một bộ quần áo mà có thể khiến tôi lại có thể vào tù. Cộng với tiền sử của tôi trước đây, tôi có thể bị Chính quyền qui kết cho tôi tội danh không biết hối cãi mà có thể bắt tôi phải ngồi tù nhiều năm... hu... hu... hu., vợ con tôi không biết phải khổ sở đến mức nào...’;

Nghe gã kể đến đó, mẹ tôi lựa lời khuyên can bố tôi:

‘Các anh thấy đó, anh ấy cũng rất thành thực với những lầm lỗi của anh ấy nên các anh hãy tha cho anh ấy đi!’

Bố tôi vốn là người rất nguyên tắc và nóng nảy nên bố tôi gắt gỏng:

‘Em thật là, làm sao mà biết được người ta nói thật hay nói dối khi mà chỉ mới gặp người ta lần đầu và chỉ nghe người ta kể qua loa như vậy!?

Tốt nhất, hãy cứ giao cho Công an, đúng sai thế nào tự họ biết phân xử một cách công minh. Chúng ta không phải là người của Pháp luật nên chúng ta không có quyền tha hay bắt giữ...’;

Nghe nói đến đó, gã sụp xuống vái lấy vái để cầu xin mọi người đừng giao nộp gã cho Công an. Mẹ tôi cũng rất muốn can ngăn bố tôi nhưng biết tính bố tôi nên đành phải thôi. Hơn nữa, vì hình như mẹ tôi cũng đã có một dự tính khác:

Gần trưa hôm sau, sau khi đi dạy về và tôi cũng đã đi học về, mẹ tôi bảo tôi đi cùng với mẹ. Tôi không biết mẹ tôi sẽ đưa tôi đi đâu nhưng được đi với mẹ thì còn gì bằng. Khi đến nơi, tôi mới biết rằng mẹ tôi đến đồn Công an mà hôm trước bố tôi đã giao gã trộm cho họ.

Mẹ tôi trực tiếp gặp Thủ trưởng của đồn Công an, vị Thủ trưởng nhận ngay ra mẹ tôi là một Hiệu trưởng và gọi thêm một Cảnh sát khác vào cùng ngồi tiếp chuỵên mẹ tôi và giới thiệu với người Cảnh sát vừa mới bước vào:

‘Đây là chị Hiệu trưởng..., chị ấy là vợ của anh Thủ trưởng Cơ quan Xuất nhập khẩu Việt – Lào mà chiều hôm qua có giao cho chúng ta một tên trộm, hôm nay chị ấy đến đây chưa biết có chuyện gì muốn gặp chúng ta!?’;

Mẹ tôi nghe vậy liền nói:

‘Cũng vì việc đó mà hôm nay tôi mới đến đây...’;

Mẹ tôi dừng lại giây lát vì rất xúc động rồi nói tiếp:

‘... không biết có làm phiền các anh hay không!?’;

Các chú Công an nghe vậy liền trấn tĩnh mẹ tôi:

‘Như chị biết đấy, chỗ chồng chị và chúng tôi đều rất thân quen nhau và vì thế mà tôi cũng rất biết chị. Chị cứ xem như là người nhà cả, có gì mà chị cứ phải e ngại. Xin chị cứ nói, nếu những gì nằm trong khả năng chúng tôi thì chúng tôi sẽ hết lòng để làm theo yêu cầu của chị’;

Mẹ tôi vui vẻ và mạnh dạn nói tiếp:

‘Tôi có một yêu cầu có thể làm khó cho các anh đó là tôi tha thiết xin các anh hãy tha bổng cho người mà hôm qua bên cơ quan của chồng tôi đã giao cho các anh’;

Hơi lưỡng lự giây lát, vị Thủ trưởng hỏi lại mẹ tôi:

‘Vì sao chị muốn tha bổng cho hắn?’;

Mẹ tôi nói:

‘Tôi thấy anh ta rất chất phác, chỉ vì hoàn cảnh túng bấn mà lỡ dại, nếu chỉ vì như thế mà khiến anh ta phải ngồi tù thì khổ thêm cho vợ con của anh ta ở nhà. Tôi đoán chừng, với độ tuổi của anh ta thì con của anh ta cũng chỉ mới bằng tuổi đứa con trai của tôi đây là cùng...’;

Nói rồi mẹ tôi chỉ vào tôi. Các chú Công an cũng nhìn vào tôi khiến tôi lúng túng và tán dương mẹ tôi:

‘Chị quả là có con mắt tinh tường, chúng tôi cũng đã có lý lịch đầy đủ của hắn. Công bằng mà nói, hoàn cảnh của hắn hiện tại cũng nhiều trắc ẩn. Hắn vốn là lính nguỵ...’;

Mẹ tôi vội ngắt lời:

‘Anh ta cũng đã từng nói với chúng tôi rồi..., nhưng tôi nghĩ chúng ta đừng vì quá khứ của anh ta mà có thể gán buộc thêm tội cho anh ta. Tôi thiết nghĩ chúng ta nên có chút lòng vị tha, không nên cố chấp cho lỗi lầm cũ mà chỉ căn cứ vào vi phạm hiện tại để cảnh cáo anh ta biết đường ăn năn thôi’;

Mẹ tôi lại nói tiếp:

‘Tôi tha thiết mong các anh hãy tha bổng cho anh ta để chứng tỏ Chính sách Khoan hồng của Chế độ Xã hội Chủ nghĩa!’’

Trước những lời nói rất có tình có lý của mẹ tôi, các chú Công an không đành lòng từ chối:

‘Trước những lời có tình có lý của chị, chúng tôi thấy không thể không làm theo yêu cầu của chị. Chỉ có điều, cần phải làm thủ tục bảo lãnh cho anh ta... Chồng chị có đồng ý không?’;

Mẹ tôi liền nói:

‘Nếu vậy, chính tôi sẽ làm bảo lãnh cho anh ta có được không?’;

Suy nghĩ giây lát rồi cuối cùng vị Thủ trưởng cũng gật đầu và bảo viên Cảnh sát lấy các thủ tục cần thiết cho mẹ tôi...

Sau khi đã hoàn thành thủ tục bảo lãnh, mẹ tôi hỏi lại:

‘Bao giờ thì chính thức các anh sẽ thả người?’;

Vị Thủ trưởng nói:

‘Ngay chiều nay thôi, vì chúng tôi cần phải hoàn thành nốt một số thủ tục Pháp lý khác về can phạm. Hơn nữa. chúng tôi cũng cần phải thông báo cho người nhà của can phạm đến đón và ký xác nhận cần thiết’;

Mẹ tôi lại nói:

‘Nếu vậy, chiều nay tôi muốn được đến đây...’;

Vị Thủ trưởng vội mỉm cười ranh mãnh và ngắt lời:

‘Chắc là chị không tin chúng tôi sẽ thả người nên muốn được chứng kiến việc chúng tôi thả người chứ gì!?’;

Mẹ tôi giải thích:

‘Không phải vậy, mà là bởi vì tính tôi xưa nay vẫn thế: Đã làm việc gì thì phải làm cho tới cùng và phải thấy cho bằng được kết quả thì mới thôi’;

Vị Thủ trưởng liền thán phục:

‘Nếu bất kỳ ai cũng hiểu rõ đạo lý và đều có tinh thần trách nhiệm như chị thì đất nước...’;

Mẹ tôi cười gượng và cắt lời:

‘Thời buổi này, mỗi người đều phải đóng góp một chút sức lực, trí truệ và một tấm lòng thì mới có thể khôi phục được đất nước sau chiến tranh. Tôi cũng chỉ có bấy nhiêu thôi, đáng gì để các anh phải khen ngợi!’;

Vị Thủ trưởng Công an liền hẹn với mẹ tôi:

‘Chiều nay độ 4 giờ, tôi mời chị đến đây để chứng kiến lễ phóng thích phạm nhân nhé!’;

Câu nói đó của vị Thủ trưởng khiến mẹ tôi cười ngặt nghẽo và cũng lấy làm cảm kích trước sự đồng tình của vị Thủ trưởng Công An đối với những gì mà mẹ tôi đã từng đề nghị.

Tôi cùng mẹ tôi quay về nhà vào lúc gần 2 giờ chiều, mẹ tôi tất bật làm cơm cho chúng tôi và chuẩn bị cho cuộc hẹn...

Đúng hẹn, chúng tôi đã có mặt tại đồn Công an, người nhà của phạm nhân là một cô bé trạc tuổi tôi khiến tôi nhận ra nó là một đứa bạn học cùng lớp. Nó cũng nhận ra tôi và vừa nhác thấy tôi thì nó rất lấy làm xấu hổ bèn vội vã nấp vào sau lưng bố nó trông thật tội nghiệp.

Lúc đó, không hiểu sao tôi rất lấy làm kiêu hãnh mà mãi nhiều năm sau này tôi mới thấy rằng những hành động và suy nghĩ của tôi lúc ấy thật ngu dại như Nhà văn Tô Hoài cũng đã từng có một câu mà tôi rất tâm đắc trong đời ‘Tuổi trẻ thường ngông cuồng và rồ dại’ trích trong ‘Dế mèn phiêu lưu ký’ của ông. Và nhiều khi nghĩ lại, tôi tự trách mình và tự cười nhạo với chính bản thân mình vì những gì tôi đã thể hiện lúc ấy.

Vị Thủ trưởng vừa chỉ tay về phía mẹ tôi vừa nói với gã phạm nhân:

          ‘Đây  là người đã từng bảo lãnh cho ông ra khỏi trại giam và chúng tôi sẵn sàng bỏ qua quá khứ của ông hy vọng ông sớm làm lại cuộc đời’;

          Người đàn ông cũng nhận ra mẹ tôi và nhìn mẹ tôi với sự biết ơn vô hạn, những giọt nước mắt vì sự cảm động rất dữ dội và vì sự biết ăn năn đã chảy dài trên má khiến ông không thể thốt lên một lời nào cho dù miệng ông ta cố há hốc để nói những điều chân thật từ đáy lòng. Mẹ tôi thấu tỏ:

‘Chồng tôi vì quá nguyên tắc nên đã nhỡ giao anh cho Công An, mong anh đừng trách cứ chồng tôi. Tôi cũng tự xét thấy rằng vì hoàn cảnh xô đẩy mà anh đã lỡ vi phạm một lỗi lầm tuy cũng đáng trách nhưng không đến nỗi bị khép tội phải chịu cảnh tù đày bởi một nguyên nhân anh từng có lý lịch không tốt nên tôi phải làm thủ tục để xin cho anh được tha bổng chỉ mong anh được đoàn tụ cùng với vợ con và làm lại cuộc đời mới có ý nghĩa cho chính anh cùng gia đình của anh trong Chế độ Xã hội mới...’;

Người đàn ông gật đầu lia lịa và xin phép được trở về cùng đứa con gái của mình và chính là bạn học cùng lớp của tôi.

Khi ra đến cổng đồn Công An, người đàn ông quay lại nhìn những người Công An và mẹ tôi một lần nữa cùng với những lời nói đang nghẹn lại trong cổ:

‘Xin đa tạ các ông và xin đội ơn bà nhiều lắm, tôi hứa sẽ tự tu tỉnh mình, chỉ làm những điều thiện: Sẽ có trách nhiệm tốt đối với gia đình và Xã hội, không dám tái phạm những việc làm như đã rồi ’;

Đứa bé gái là bạn học cùng lớp với tôi vẫn nem nép sau lưng bố nó vì hổ thẹn không dám nhìn tôi:

Tôi không hiểu tại sao tôi không nhận thức được sự đáng thương của hoàn cảnh của nó lúc ấy mà ngược lại tôi chỉ nhận thức được một điều rằng bố nó là một người có lỗi rất đáng bị chê trách nên tôi đã ‘chụp’ lên đầu nó một cái tội danh ‘tòng phạm’ hay nói đúng hơn là con của một kẻ có tội và nghiễm nhiên tôi đã trở thành một ‘vị quan toà’ để cáo buộc tội lỗi của cả hai bố con của đứa bạn gái cùng lớp mặc dầu nó hoàn toàn vô tội và theo sự độ lượng của mẹ tôi thì lỗi lầm của bố nó vẫn có thể được tha thứ và cần được tha thứ.

Ý nghĩ ngu dại và ngông cuồng đó đã khiến tôi kiêu hãnh đứng nhìn nó như một người hùng./.

 

Đông hà 1978

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết