Lớp tám - Công ty TNHH Tam Hùng

Lớp tám

Thứ hai - 14/01/2013 20:22
Tôi bắt đầu học lớp tám ở Quảng Bình nơi mà tôi đã từng bắt đầu những ngày đầu tiên của đời học trò của mình nhưng ở một mái trường khác. Vào thời đó, các tỉnh miền Bắc đang chuyển đổi hệ Giáo dục Đào tạo dục từ hệ Mười năm sang hệ Mười hai năm nên lớp tám là lớp lở dở cuối Cấp II giữa hai hệ Giáo dục mà thời đó tôi có vinh hạnh được học.

Lúc vào học lớp tám, một thầy giáo dạy Toán rất yêu quí tôi và luôn dành cho tôi những tình cảm đặc biệt. Một lần thầy cho phép tôi được đến nhà thầy để thăm thầy. Tình cờ lúc ấy, tôi thưa chuyện với thầy về những ham muốn của tôi và thầy đã chăm chú lắng nghe...

Khi kết thúc câu chuyện kể của tôi, thầy vội vàng lục tìm trong đống đồ lỉnh kỉnh của thầy và lấy ra mấy mạch Radio tự lắp rồi thầy nói:

‘Những năm thầy còn trẻ, đó là những năm chiến tranh, thầy cũng thường tìm kiếm những mạch điện tử từ các cây nhiệt đới của Mỹ thả dọc các con sông hoặc trên các ngọn núi để lấy linh kiện và lắp các máy thu vô tuyến để chơi. Và đây là một trong những mạch mà thầy đã từng lắp’;

Vào lúc đó, tôi cũng đã bắt đầu lắp được một số mạch tăng âm, micrô vô tuyến, sửa chữa được các thứ đài điện trong gia đình nên câu chuyện của tôi đã khiến cho thầy rất tâm đắc. Ngược lại, những thứ mà thầy mang ra cho tôi xem cũng đã khiến cho tôi thích thú không kém phần.

Và thế là tôi trở thành cậu học trò cưng của thầy từ lúc nào không hay, hàng ngày, những lúc rỗi rãi tôi vẫn thường đến nhà thầy để ‘đàm đạo’ những vấn đề về Vật lý và về Kỹ thuật Vô tuyến Điện tử.

Trong những buổi ‘đàm đạo’ đầu tiên, thầy cũng đã từng góp ý cho tôi rất nhiều nhưng những buổi ‘đàm đạo’ lần sau, thầy vỗ vai tôi rất thân thiện và nói rằng:

‘Tuổi trẻ của em hôm nay đã vượt quá xa so với những ngày thầy vẫn còn trẻ trước đây. Thầy thừa nhận rằng những hiểu biết của em về Vô tuyến Điện tử đã vượt quá sự hiểu biết của thầy, vì thế, thầy không thể có thêm bất kỳ kiến giải nào với em hơn nữa.

Thầy chỉ mong rằng em sớm phát huy được những khả năng đặc biệt của em trong thực tiễn sau này để có thể đóng góp được cho Xã hội và cho đất nước là thầy mừng lắm...’;

Tôi vô cùng xúc động vì lời khen của thầy, đó chính là sự khích lệ lớn của thầy đối với tôi bởi thầy đã khẳng định được phần nào những hiểu biết của tôi đã đạt được mức độ đáng khen ngợi...

Không những vậy, vào thời đó, tất cả các quyển sách giáo khoa về Vật lý, Toán và Hoá học của Cấp III đều đã được tôi tự học bằng hết.

Biết rằng tôi có năng lực đặc biệt nhờ tự học, hồi đó ngay cả nhiều anh chị học lớp mười hai sắp chuẩn bị ôn thì tốt nghiệp và thi đại học cũng đã phải đến tìm tôi nhờ tôi giảng bài.

Tôi đã trở thành Gia sư bất đắc dĩ cho họ. Tất nhiên, tôi không lấy làm tự hào về điều đó mà tôi sẵn sàng làm Gia sư cho họ là bởi vì thông qua việc làm Gia sư, tôi tự phát huy được phương pháp trình bày và các phương pháp lập luận của mình một cách có khoa học để bất kỳ ai cũng có thể hiểu...

Vì đọc quá nhiều sách mà mẹ tôi sợ tôi không còn thời gian để học bài ở trường với lại sợ tôi đổ bệnh nên nhiều lần mẹ tôi khuyên can không được. Nhân một lần mẹ tôi đang chuẩn bị về quê có giỗ. Vì trễ tàu không đi được, mẹ tôi đành quay trở về nhà và thấy tôi đang hì hục với đống sách bừa bộn thì cáu tiết và gom tất cả những cuốn sách kỹ thuật của và đốt bằng sạch.

Tôi nhìn theo ngọn lửa đang thiêu cháy dần những cuốn sách của tôi mà lòng buồn rười rượi. Sau khi những cuốn sách đã cháy hết, mẹ tôi cũng rất ân hận nhưng vì đã muộn.

Về phần tôi, tôi quá sức buồn chán và bỏ đến ở nhà bạn suốt mấy ngày liền. Mẹ tôi đã phải cất công đi tìm tôi và nói rằng sẽ mua lại cho tôi tất cả những cuốn sách đó.

Mặc dù rất tiếc những cuốn sách, nhưng trước sự ân hận của mẹ tôi, tôi không dám bắt buộc mẹ tôi phải mua lại cho tôi những cuốn sách đó bởi phải tốn rất nhiều tiền. Với đồng lương rất ít ỏi của bố mẹ tôi cùng một lúc không thể mua được ngần ấy sách.

Tôi đã phải dành tiền từ rất nhiều năm và phải mua dần dần: Lúc tôi còn ở Đông hà, tôi cũng theo bạn bè để đi đào hố rác. Ngay ở trong Cơ quan của bố tôi cũng có một hố rác rất lớn và chính tôi là người đầu tiên phát hiện ra hố rác đó và mở đầu cho ‘công cuộc’ khai thác nhôm đồng phế liệu.

Nhờ vào sự nhanh nhạy và linh hoạt của tôi mà tôi luôn đào được khá nhiều nhôm đồng phế liệu để đem bán. Đặc biệt, món hời nhất mà tôi kiếm được đó là bán đạn súng tiểu liên.

Tôi đã đào được rất nhiều đạn tiểu liên AR 15 còn mới nguyên trong hộp. Với những hòm đạn đó, nếu chỉ đem cân lên và bán theo kiểu nhôm đồng phế liệu thì rất rẻ và rất ít tiền, thậm chí không bán được nhưng tôi đã biết được một ‘thị trường’ để tiêu thụ món hàng đó của tôi:

Tôi mang tất cả những hòm đạn còn mới về nhà giấu kỹ và cho dầu nhờn vào ngâm thật cẩn thận. Sau đó, tôi lấy dần ra từng trăm viên một và mang lên Sân bay dã chiến (mà trước đây vẫn thường dành cho các máy bay cánh cụp cánh xoè của Mỹ), sau ngày giải phóng là bãi đỗ xe của Cơ quan Vận tải Quá cảnh C15 giữa Việt nam và Lào để gạ bán.

Kết quả tôi bán được với giá đắt gấp hàng chục lần thậm chí tới hàng trăm lần so với bán nhôm đồng phế liệu.

Trung bình, cứ bán một trăm viên đạn thì tôi có thể mua được gần một chục quyển sách và tôi đã bán được tới hàng nghìn viên đạn AR15.

Cứ như vậy, vào thời đó tôi đã kiếm được rất nhiều đạn từ các chú trong cơ quan của bố tôi cũng tham gia đào nhôm đồng nhưng vì không bán được đạn theo kiểu phế liệu nên họ vứt bỏ lại ở miệng hầm, tôi đã nhặt hết  đem về làm sạch lại và đem bán để có rất nhiều tiền mua sách và mua những linh kiện điện tử cho những trò thí nghiệm của mình.

Không những vậy, vào thời đó, tôi hay ốm thường xuyên, cứ mỗi lần ốm tôi được rất nhiều người trong cơ quan của bố đến thăm, cũng vì tình nghĩa của những người cùng hoàn cảnh khó khăn nên họ dúi vào tay tôi lúc thì vài đồng lúc thì vài hào để mua quà sáng và bồi dưỡng.

Nhưng tôi cũng biết đó là tình nghĩa của họ đối với bản thân tôi và đối với bố mẹ tôi và thế là tôi đã dành dụm tất cả để mua sách...

Biết vậy, nên tôi không thể hành hạ mẹ tôi hơn nữa. Với lại, tôi cũng cần phải trở về nhà để chuẩn bị thi tốt nghiệp cuối cấp và chuẩn bị thi vào Cấp III. Một trang mới sắp mở ra với cuộc đời tôi./.

 

Quảng Bình 1984

 

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết