Một câu nói - Công ty TNHH Tam Hùng

Một câu nói

Thứ ba - 15/01/2013 15:50
Chỉ cần một câu nói cũng có thể đưa một con người lên tận đỉnh cao của danh vọng và sự nghiệp nhưng cũng có những câu nói có thể khiến cho một con người phải mất cả sự nghiệp và thậm chí mất cả cuộc đời. Bản thân tôi cũng đã từng chuốc hoạ nhiều lần chỉ vì những câu nói không chỉ là do mình thiếu suy nghĩ trước khi nói mà nhiều khi vì người nghe hiểu sai ý của mình.

Năm 2002, tôi tham gia Hội nghị Tự động hoá Toàn Quốc lần thứ VI do Viện Điện tử – Tin học VIELINA, Giáo sư Nguyễn Xuân Quỳnh làm Viện trưởng đứng ra tổ chức: Tôi tham gia với tư cách là một báo cáo viên và báo cáo của tôi là các nghiên cứu và chế tạo mới một số Thiết bị Quân sự trong Thông tin và Liên lạc Viễn thông Quân sự.

Bài báo cáo của tôi được xếp vào Phân ban Tự động hoá do Giáo sư Tiến sỹ Cao Tiến Huỳnh là Chủ toạ (Chairman), tôi cũng biết Giáo sư Cao Tiến Huỳnh và Giáo sư Cao Tiến Huỳnh cũng biết tôi vì lúc trước đó tôi đã từng làm việc ở Viện Kỹ thuật Quân sự II cùng với Giáo Cao Tiễn Huỳnh, về sau này, các Viện Kỹ thuật Quân sự được sát nhập thành một Trung tâm Khoa học – Kỹ thuật – Công nghệ Quân sự Quốc gia thì Giáo sư Cao Tiến Huỳnh được phân công làm Viện trưởng của Phân viện Tự động hoá trực thuộc Trung tâm Khoa học – Kỹ thuật – Công nghệ Quân sự Quốc gia cũng ở ngay địa chỉ cũ của Viện Kỹ thuật Quân sự II trước đây là 89 Lý Nam Đế ở Hà nội.

Trong số các báo cáo viên tham gia trong Phân ban Tự động hoá có một cậu lưu học sinh của Việt nam đang du học ở Australia cũng có tới năm bài báo cáo khác nhau về một số phương pháp tính toán mới cho việc thiết kế các hệ thống gia công cơ khí (phục vụ chính cho Hệ thống Cán nguội).

Cũng có lẽ vì cậu ta bắt đầu học đại học tại Australia ngay sau khi vừa tốt nghiệp Phổ thông trung học nên sau khi sang Australia học được một thời gian và được đào tạo bằng tiếng Anh nên có thể rất nhiều Thuật ngữ chuyên môn đều được cậu ta thừa nhận bằng tiếng Anh chứ không hiểu nghĩa bằng tiếng Việt.

Đây cũng là một trường hợp khá phổ biến đối với rất nhiều lưu học sinh ở nước ngoài, ngay cả bản thân tôi trong thời gian đầu cũng bị rơi vào tình trạng tương tự là chỉ nắm được các Thuật ngữ Chuyên môn bằng tiếng nước ngoài chứ không hiểu nghĩa và không thể diễn đạt được bằng tiếng Việt. Mãi về sau tôi phải cố gắng đọc thêm rất nhiều tài liệu bằng tiếng Việt mới có thể hiểu được các ‘phiên bản’ tiếng Việt của các Thuật ngữ đó.

Vậy là cậu lưu học sinh đó mới xin phép với Ban Chủ toạ của Phân ban Tự động hoá được phát biểu bằng tiếng Anh:

‘Em rất xin lỗi, vì em đang học ở Australia nên có rất nhiều Thuật ngữ em không hiểu theo nghĩa tiếng Việt vì vậy xin Ban Chủ toạ cho phép em được trình bày bài báo cáo này bằng tiếng Anh’;

Giáo sư Cao Tiến Huỳnh nghe qua tưởng cậu ta phách lối bèn nói:

‘Thôi đi, ở đây không có ai giỏi tiếng Anh cả, xin bạn hãy phát biểu bằng tiếng Việt cho rõ ràng đi!’;

Câu nói của cậu lưu học sinh đã chạm phải lòng tự ái nghề nghiệp của những người tham dự báo cáo và chọc đúng ‘tổ kiến lửa’ của các Giảng viên và các Giáo sư trong Khoa Tự động hoá của trường Đại học Bách khoa Hà nội và câu nói của Giáo sư Cao Tiến Huỳnh như đổ thêm dầu vào lửa đã vô tình làm cho tất cả các Giáo sư và Giảng viên Tự động hoá của Đại học Bách khoa Hà nội đùng đùng nổi giận.

Vậy là những bài báo cáo của cậu lưu học sinh Việt nam ở Australia bị tất cả các thành viên trong Ban Chủ toạ và các Giáo sư cũng như các Giảng viên Tự động hoá của Đại học Bách khoa Hà nội bắt bẻ tới nơi tới chốn khiến cho cậu lưu học sinh xoay xở không nổi.

Sau khi hết bài báo cáo thứ nhất và vài báo cáo viên khác tiếp tục, giờ giải lao cũng đã bắt đầu. Tôi đã tìm gặp riêng với cậu lưu học sinh và nói:

‘Thực tình, anh nói rằng có nhiều Thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng Anh mà anh không hiểu nghĩa bằng tiếng Việt, đó là một thực trạng của nhiều Sinh viên Việt nam đang du học ở nước ngoài và họ đi học ngay sau khi tốt nghiệp Phổ thông Trung học.

Mặc dù anh nói thì rất thực tình nhưng anh đã vô tình làm cho Ban Chủ toạ hiểu nhầm nghĩa câu nói của anh vì cho rằng anh đang học ở Australia nên có thể anh tự cho rằng tiếng Anh của anh giỏi hơn họ khiến họ rất tự ái và phẫn nộ với anh’;

Cậu lưu học sinh nghe vậy liền thở dài và nói:

‘Sau khi nói xong câu ấy thì tôi mới thấy rằng mình quá ngu dại vì không biết lựa lời nhưng dầu sao đi nữa thì tôi vẫn nghĩ rằng một lời nói có thể bất cẩn trọng vì trong những điều kiện bị áp chế về mặt tâm lý không ai có thể tránh khỏi bất cẩn cho những câu nói của mình.

Trong những trường hợp như thế, những người nghe cũng nên có một chút vị tha để lượng thứ cho sự sai sót đó. Nhưng ngược lại, họ đã chỉ vì một sự tự ái nhỏ trước những lời nói bất cẩn của người khác để cùng bị kích động một cách thái quá khiến cho tôi rất khó xoay xở trong khi mình báo cáo vừa rồi, mình cảm thấy hối hận và rất tuyệt vọng...’;

Tôi hiểu sự tuyệt vọng của cậu lưu học sinh bởi sự tuyệt vọng của cậu ta không chỉ bị dừng lại ở chỗ bài báo cáo của cậu ta không được bảo vệ thành công mà cậu ta đã phải nhìn nhận về thái độ và ý thức ‘Bảo vệ Khoa học’của những người trong Ban Chủ toạ và các Giáo sư cũng như các Giảng viên Chuyên ngành Tự động hoá của Đại học Bách khoa Hà nội.

Theo cách nghĩ của cậu ta, nếu tình trạng này luôn diễn ra một cách kéo dài thì rất nhiều Nhà Khoa học giỏi sẽ bị đánh trượt bởi vì bị ‘qui phạm đạo đức’ do những lời nói bất cẩn.

Những ‘qui phạm đạo đức’ sẽ làm cho những người phản biện tìm cách để hạ bệ báo cáo viên và những người trong Ban Chủ toạ cũng sẽ bàng quan, không tìm cách bảo vệ cho những báo cáo viên có thể thực hiện được báo cáo của mình một cách tốt đẹp.

Tôi an ủi với cậu ta rằng:

‘Tôi nghĩ rằng, mong muốn thực chất của bất kỳ Hội thảo Khoa học nào cũng chỉ là những sự đóng góp ý kiến của các báo cáo viên và sự giúp đỡ xây dựng của những người trong Hội đồng Khoa học.

Bởi thế, những ý kiến của các báo cáo viên có thể còn sai sót rất nhiều thứ kể cả về phạm vi chuyên môn và kể cả do những lời nói trực ngôn nhưng không phải vì thế mà có thể bị chỉ trích hoặc bị bài bác mà nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của những người trong Hội đồng Khoa học vẫn phải tìm ra những hướng đúng hoặc cái đúng cụ thể của các báo cáo viên, qua đó để căn cứ vào những sai sót để có thể giúp cho các báo cáo viên hoàn thiện tốt hơn ý tưởng của mình.

Tôi nhận thấy rằng, tôi cũng đã từng tham gia rất nhiều Hội nghị và Hội thảo Khoa học trong nước nhưng tôi chưa tìm thấy được Phong cách Xây dựng Khoa học ở trong đó mà luôn gặp phải những Phong thái Chỉ trích Bài bác để loại bỏ tất cả những bài báo cáo nào chưa hoàn chỉnh...

Điều đó có nghĩa rằng nếu quan điểm của các nước Phương Tây về các Hội nghị Hội thảo Khoa học là bất kỳ một báo cáo nào trước khi tham gia đều có thể sai và chưa hoàn thiện nhưng sau khi báo cáo thì Hội đồng Khoa học sẽ đánh giá và góp ý để sau khi báo cáo những người báo cáo sẽ tiếp thu được sự góp ý cho sự hoàn thiện của báo cáo của mình.

Còn đối với Việt nam thì tất cả các báo cáo muốn thành công thì phải đúng và phải hoàn thiện ngay từ đầu. Nếu có sai sót hoặc không hoàn thiện thì sẽ bị bài bác đến nới đến chốn.

Nhưng tôi tin chắc rằng, trong một thời gian tới, tầm nhìn của Giới Trí thức Việt nam cũng sẽ khác, họ sẽ học theo Phong cách Xây dựng Khoa học để nâng cao tính tích cực cho các Hội nghị và Hội thảo Khoa học hơn. Có như thế mới gọi la Hội nghị và Hội thảo Khoa học’;

 

Hà nội 2002

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết