Một người điên - Công ty TNHH Tam Hùng

Một người điên

Thứ hai - 14/01/2013 14:49
Thấm thoắt năm học đầu tiên trong cuộc đời tôi cũng kết thúc, đó là một ngày cuối cùng của năm học và cũng là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè, tôi cùng bọn trẻ cùng lớp ùa ra cổng trường khi vừa tan buổi học cuối cùng.

Ra đến cổng trường, tôi đứng ngóng tìm chị học sinh đến đón tôi về, và bỗng tôi nhìn thấy lũ trẻ đang xúm xít vây quanh một người đàn bà điên đang đứng bên cạnh cổng trường, bà ấy vừa múa vừa hát. Lúc đầu bọn trẻ chỉ vây lấy người đàn bà điên và chòng ghẹo bằng những câu nghịch ngợm khờ dại của trẻ con. Sau dần, chúng lấy que đánh vào người đàn bà điên tội nghiệp đó.

Bị lũ trẻ con vây chặt và đánh ngày càng dữ dội, người đàn bà điên ngừng múa hát và tìm cách bỏ chạy, bà ấy cố luồn lách giữa lũ trẻ để cố thoát ra ngoài. Bọn trẻ tóm lấy áo người đàn bà điên ấy và khi nhìn thấy mặt người đàn bà điên ấy, tôi chợt nhận ra gương mặt quen thuộc của một người đã có vài lần đến nhà tôi và gặp mẹ tôi. Tôi dần dần nhớ lại những lần gặp gỡ hy hữu giữa người đàn bà điên đó với tôi và mẹ tôi:

Người đàn bà điên ấy từng là một nữ văn công rất trẻ đẹp đã cùng đoàn văn công hăng hái xung phong vào chiến trường miền Nam đem lời ca tiếng hát để cổ vũ tinh thần chiến đấu của những người lính dũng cảm nơi tiền phương. Họ mang theo hơi ấm của hậu phương ra tận chiến trường để làm ấm lòng người chiến sỹ...

 Ngày chị ấy cùng đoàn văn công lên đường ra trận, mẹ tôi đã tiễn chân đoàn. Trước chiến tranh mẹ tôi là một người năng nổ nhanh nhẹn nên cũng đã từng tham gia gần như tất cả mọi phong trào của các tổ chức và đoàn thể từ các phong trào văn nghệ của Tỉnh, công tác Đoàn và những hoạt động của Thanh niên Xung phong nên mẹ tôi cũng đã từng tiễn đưa nhiều đoàn chiến sỹ ra trận.

Với những đoàn chiến sỹ, tuy rằng, ngày tiễn đưa các anh cũng không kém phần bịn rịn nhưng những người chiến sỹ đã ra đi với khí phách hiên ngang của những con người đầu đội trời chân đạp đất đã không khiến cho mẹ tôi và những người đưa tiễn lo lắng mà chỉ thấy trong lòng một niềm phấn chấn tràn đầy tin tưởng các anh đi và các anh sẽ trở về.

Ngày tiễn đưa đoàn văn công, mẹ tôi và những người tiễn đưa không cầm được nước mắt bởi những người văn công ra trận không phải chiến đấu với kẻ thù bằng súng đạn mà họ chiến đấu với quân thù chỉ bằng tình yêu thiết tha đối với đất nước qua những bài ca thống thiết nặng tình quê hương và ấm tình đồng đội, họ không sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù bằng súng đạn nhưng cuộc chiến tranh tàn khóc không buông tha bất kỳ ai.

Trong đoàn văn công đã ra trận ngày ấy, có chị, người đàn bà điên ấy từng là một cô gái trẻ nhất đoàn. Ngày chị lên đường, chị mới mười sáu tuổi. Mẹ tôi ân cần nắm tay chị như một người chị với một người em gái nhỏ, mẹ tôi căn dặn chị ấy rất nhiều điều trước khi chị ấy ra đi.

Chị vào chiến trường được một năm thì bị một viên đạn bắn vào đầu và được đưa vào Quân y viện cứu chữa và sau khi qua khỏi cơn nguy kịch thì chị được trả về quê hương và một năm sau đó là ngày đất nước được giải phóng. Những đồng đội của chị đã lần lượt ngã xuống trên chiến trường nhưng những lời ca tiếng hát của họ đã khích lệ hàng nghìn hàng vạn chiến sỹ hăng hái chiến đấu với quân thù lập nên chiến thắng và bên kia chiến tuyến những người lính cũng quay súng trở về với chính nghĩa, sự hy sinh của các anh các chị đã thật không uổng phí.

Đáng thương thay cả gia đình chị đã bị trúng bom và không còn một ai sống sót. Khi chị trở về, biết chị là thương bệnh binh nặng, bà con lối xóm đã dựng lại cho chị một mái nhà tranh vách đất ngay trên mảnh đất cũ của gia đình chị. Nhiều người còn giúp chị lúc bữa cơm, lúc thì bữa cháo và cũng thăm nom chị mỗi lúc chị ốm đau hoặc tái phát vết thương.

Có một gã thanh niên trong xóm vì thấy chị đẹp nên đã gạ gẫm muốn lấy chị làm vợ. Chị cũng đã nghĩ mình chỉ có một thân một mình lẻ loi, không ai chăm sóc lúc ốm đau, nhờ vả bà con lối xóm nhiều cũng ngại. Vả lại, chị cũng chừng tuổi đôi mươi mười tám chưa có đủ khôn ngoan và kinh nghiệm của cuộc sống nên không lường được những kẻ đểu giả và cơ hội ngay trên chính mảnh đất quê hương của chị rắp tâm hại chị.

Chị đã từng sống qua những ngày tháng tuy là gian nguy vất vả và thiếu thốn về vật chất nhưng là những ngày hạnh phúc và đẹp nhất về tinh thần trong những năm tháng ngắn ngủi của cuộc chiến tranh. Vì khi đó, trong cái khoảng cách rất mong manh giữa cái chết và sự sống, những đồng đội của chị đã đối xử với chị bằng tất cả những tình cảm cao đẹp, chân thành và cảm động nhất.

Hậu quả của cuộc chiến tranh đã gây ra cho chị những vết thương nặng không chỉ trên da thịt, thân thể của chị mà còn là một vết thương đau đớn trong tâm hồn, nó đã khiến cho chị từ một con người có đủ tri giác và lý trí của con người mà Tạo hoá đã ban cho chị thành một con người dở khôn dở dại nên chị càng không có đủ sự khôn ngoan và sáng suốt để cân nhắc cho sự quyết định những ngày tháng còn lại của cuộc đời mình.

Chị đã bằng lòng làm vợ của gã thanh niên đó và bà con lối xóm đã đến chúc mừng chị nhân ngày cưới của chị những tưởng rằng chị sẽ được hạnh phúc bên chồng.

Gã thanh niên đã cưới chị làm vợ là con một của một gia đình giàu có nhất trong vùng. Chẳng biết bố mẹ của gã moi đâu ra mà lắm tiền, nhà của bố mẹ gã là một căn nhà xây lợp ngói vừa to vừa rộng nhất vùng. Sau ngày cưới, gã được bố mẹ cho tiền để làm riêng một ngôi nhà xây lợp ngói cũng khang trang nhưng ở một nơi khác.

Hắn đã lôi chị ra khỏi căn nhà tranh vách đất mà bằng tình nghĩa của cô bác xóm giềng đã làm cho chị, tuy xoàng xỉnh nhưng nó cũng chẳng kém cạnh so với những căn nhà của các cô bác trong làng. Bởi sau chiến tranh, nhà tranh vách đất là đa số, ngay cả căn nhà mẹ tôi và chúng tôi ở được nhà trường phân cũng chỉ là một gian nhà tranh vách đất. Có được căn nhà xây lợp ngói phải là những người giàu có mới có thể có được.

Gã đưa chị về sống với hắn ở căn nhà mới xây. Thấm thoắt một năm nữa lại trôi qua và chị đã có cho hắn một cậu con trai kháu khỉnh. Thế rồi hạnh phúc đối với chị cũng thật là ngắn ngủi, quả là kiếp hồng nhan đa truân và bạc phận...

 Khi đứa con của chị được vài tháng tuổi, một cơn đau dữ dội vì vết thương tái phát đã làm chị kêu khóc và đập phá điên loạn, gã chồng bất lương của chị đã giằng lấy đứa con trên tay chị, đạp chị ra khỏi cửa rồi bế con về ở với bố mẹ của gã.

Những người hàng xóm tốt bụng thấy chị bất tỉnh trước ngôi nhà mà chị từng sống với gã chồng tệ bạc đó đã đưa chị vào viện cấp cứu. Phút chốc, chị cũng qua được cơn nguy kịch. Biết được chị vẫn còn bị một viên đạn đang nằm nguyên trong đầu, các bác sỹ muốn chuyển tuyến cho chị ra Bệnh viện Trung ương Hà nội làm phẫu thuật và chữa trị nhưng chị phải có các xác nhận của Quân y viện hoặc của những cơ quan mà trước đây đã điều chị vào chiến trường thì chị mới được chữa trị theo chế độ và chính sách ưu tiên cho những thương bệnh binh. Trong trường hợp không có các xác nhận là thương bệnh binh hoặc những giấy tờ xác nhận chị từng là những người từng tham gia chiến trường thì phải tự túc khi chữa trị.

Chị trở về nhà chồng vật nài van vỉ hắn xin được lấy lại các xác nhận thương bệnh binh của chị để làm thủ tục chuyển tuyến như yêu cầu của bác sỹ nhưng gã chồng khốn kiếp ấy đã nói với chị rằng hắn đã vứt hết giấy tờ và đồ đạc của chị. Chị đau khổ tuyệt vọng quay trở lại bệnh viện kể hết sự tình, các bác sỹ thở dài thương cảm cho chị và giải thích cho chị hiểu rằng bệnh viện của Thị xã chưa đủ khả năng để làm phẫu thuật cho chị. Nếu chị gặp cơn nguy cấp thì bệnh viện sẵn sàng cấp cứu cho chị qua khỏi cơn nguy kịch nhưng không thể điều trị lâu dài cho chị nếu không có những xác nhận được ưu tiên... chị đành xuất viện và quay trở lại căn nhà cũ ở xóm cũ mà bà con cô bác đã làm cho chị.

Biết chị bị chồng ruồng bỏ, bà con lối xóm căm uất đến khiển trách hắn và gia đình hắn. Bị mất mặt, hắn làm bộ làm tịch đến xin lỗi và xin chị quay trở về với hắn. Nhưng chị cũng đã đủ khôn ngoan để biết được sự giả nhân giả nghĩa của hắn nên đã không quay về với hắn.

Thế nhưng đứa con mà chị đã từng rứt ruột đẻ ra chưa đầy tuổi đã khiến chị nửa muốn về nửa không, chị phải dằn vặt rất nhiều lần. Thoảng hoặc chị đến nhà hắn xin được thăm con nhưng vừa nhác trông thấy chị, hắn đã đánh mắng chị và cấm không cho chị vào cửa. Hắn nói rằng chị đã bị điên, không còn lý trí có thể làm hại đến con hắn...

Cái lý của một kẻ vô học và bất lương đã chạm đúng nỗi đau đang dày xé hành hạ thân thể và tâm hồn chị. Chị nuốt nước mắt ngậm ngùi, mất gia đình, bị chồng ruồng bỏ, bị chồng cướp mất đứa con. Chị càng sầu khổ chất chồng, những cơn đau vì thế ngày càng thêm nặng.

Những ngày mà chị có thể tỉnh táo về lý trí để có thể nhận thức được chị đang sống những ngày hiện tại và hy vọng cho mai sau càng trở nên ngắn và thưa thớt dần.

Những cơn đau đã cướp chị khỏi hiện tại và thay vào đó là những quá khứ của cuộc chiến tranh đã qua ngày càng hiện về rất rõ trong óc chị. Cuộc đời chị chỉ dừng lại ở quá khứ, không có hiện tại và không có cả tương lai. Và trong tâm trí ít ỏi còn sót lại của chị cũng chỉ có quá khứ mà thôi.

Ngày ngày chị ra đường múa hát với những bài hát của những ngày sục sôi cả nước lên đường với giọng hát trong trẻo và hồn nhiên tràn đầy sức sống khiến bao người vừa cảm phục giọng hát của chị vừa thương cho chị.

Bà con cô bác nơi xóm cũ của chị càng ngậm ngùi và thương xót cho chị hơn. Biết chị không còn lý trí, ngày ngày họ vẫn mang sang nhà chị lúc thì bát cơm bát cháo, lúc thì vài củ khoai và thêm ít hoa quả để sẵn vào đó để đến bữa nếu những lúc chị đói và vẫn biết đường tìm về nhà thì chị vẫn có cái để ăn. Những người lối xóm đối đãi với chị dù bằng tình thương thật sự hay bằng sự thương hại thì cũng chỉ có thể giúp chị được đến thế là cùng.

Một lần trên đường từ trường về nhà, mẹ tôi gặp chị thơ thẩn vừa đi vừa múa, từ xa mẹ tôi đã nhận được dáng vẻ quen thuộc năm nào của chị. Mẹ tôi cố đến thật gần và ngờ ngợ gọi tên chị, khi đến trước mặt chị, mẹ tôi  xót xa hỏi:

‘Có phải em là....?’

Mẹ tôi gọi tên chị liên tục, ban đầu chị ấy phá lên cười sằng sặc điên loạn, mẹ tôi vẫn tiếp tục gọi tên chị. Hình như đâu đó trong tiềm thức sâu xa của chị vẫn còn một vùng tri giác để nhận ra được cái tên gọi thân quen mà cha mẹ chị đã từng đặt cho chị, từ trong xa thẳm của đôi mắt vô thần đờ dại của chị bỗng như có một tia sáng loé lên làm cho đôi mắt ấy sáng long lanh trở lại. Chị đứng yên và nhìn mẹ tôi chằm chằm rồi như nhận ra được một điều gì đó, chị đưa hai tay vê vê cái ve áo bẩn thỉu rách nát của mình.

Mẹ tôi cầm tay chị ấy dắt chị ấy về nhà, chị ngoan ngoãn đi theo mẹ tôi và không nói một câu nào. Mẹ tôi vì quá xúc động nên cũng không thể nói được với chị một lời nào trên suốt dọc đường về nhà. Khi về đến nhà, mẹ tôi giúp chị ấy lau rửa chân tay mặt mũi và làm vội cho chị mấy chiếc bánh mì hấp để chị ăn.

Chị cầm từng miếng bánh ăn ngấu nghiến một cách ngon lành, khi đó, tôi trông rõ khuôn mặt của chị rất đẹp. Thời gian vẫn chưa kịp tàn phá nhan sắc của chị, trông dáng chị vẫn thon thả với làn da trắng mịn bên trong lần áo rách rưới...

Tôi nép sau lưng mẹ, lấm lét nhìn chị ấy và lần hồi nghe chị ấy kể lại câu chuyện về quãng đời của chị sau ngày vào chiến tuyến và bị đứt đoạn qua những tiếng khóc lúc thì nức nở nghẹn ngào, lúc thì thảm thiết của chị...

Chị cũng đã từng kể như vậy với nhiều người mà chị gặp trong những lúc chị có đủ tỉnh táo không bị chìm đi trong cái thế giới vô tri nhưng cũng có người tin và có người không tin. Có người cho rằng chị bị điên vì tình và câu chuyện mà chị kể cho họ chỉ là ảo giác trong khả năng tri giác còn lại ít ỏi của chị. Dù sao họ cũng thương cảm cho chị và vẫn cho chị những miếng ăn để chị đỡ đói lòng và phần nào chị vẫn hiểu được trên đời này vẫn còn có những tấm lòng tốt đối với chị.

Khi nghe đến sự phản trắc của gã chồng chị, mẹ tôi căm phẫn thốt lên:

‘Quân bất lương, nếu chị còn tham gia dân quân du kích thì chị sẽ cho hắn một phát súng’;

Nghe thấy vậy, chị hoảng hốt kêu lên:

‘Em xin chị, dù chị có thể làm được việc đó thì em cũng xin chị đừng giết hắn vì hắn đang nuôi đứa con vẫn chưa đầy tuổi của em...’

Giọng chị lạc hẳn đi và mắt chị lại như chìm vào một cõi u tối xa xăm. Chị xin phép mẹ tôi để ra về, mẹ tôi cũng không thể lưu chị lại lâu hơn được nữa mặc dù rất thương chị bởi mẹ tôi vẫn còn cả ba đứa trẻ dại khờ như chúng tôi. Giữ chị ở lại là một điều quá sức đối với mẹ tôi và chúng tôi lúc này.

Mẹ tôi lấy ra một bộ quần áo hẵng còn rất mới và nói:

‘Bộ quần áo này chị chỉ mới mặc được vài lần, em hãy dùng tạm’

Nhìn thấy bộ quần áo, chị sung sướng cảm động:

‘Nhưng bộ quần áo đẹp thế này sẽ làm khổ em vì lũ con trai mới lớn mất thôi chị ạ!’

Mẹ tôi hiểu ý và lấy cho chị bộ quần áo khác, mẹ tôi giúp chị thay quần áo rồi lấy lược chải đầu cho chị, chị gạt tay mẹ tôi và nói:

‘Thôi chị ạ, em không muốn mình xinh đẹp hơn đâu, dù sao em cũng là một kẻ điên mà!’.

Mẹ tôi không cầm được nước mắt và tôi cũng không khỏi mủi lòng. Chị ấy dùng dằng bước ra cửa, sau một thoáng tần ngần đắn đo, mẹ tôi gọi chị ấy lại và chạy lại tìm chiếc valy, mẹ tôi lục dưới đáy valy và lấy ra tờ năm mươi đồng duy nhất ân cần đưa cho chị ấy và nói:

‘Lương của chị mỗi tháng chỉ được mười tám đồng, chị đã cố dành dụm được năm mươi đồng để phòng khi các cháu ốm đau. Nhưng hoàn cảnh của em lúc này khiến chị không nỡ, en hãy cầm mà chi tiêu lúc cần’;

Chị khóc oà lên và nói đứt đoạn:

‘Chị giống như là chị gái của em, nhưng em biết lấy tiền để làm gì?

Hàng ngày bà con cô bác vẫn cho em ăn uống, dù chỉ là bố thí thì em cũng no đủ rồi, em cầm tiền của chị biết đâu có kẻ xấu vu vạ cho em ăn cắp tiền của họ thì sao?’;

Mẹ tôi nói:

‘Đành rằng là vậy, nhưng hoàn cảnh của em lúc này ốm đau thất thường, em cứ cầm để nếu có phải vào viện thì cũng có thể trả tiền thuốc thang. Chị cho em, em hãy cầm cho chị vui lòng’;

Một thoáng xúc động khiến mẹ tôi nghẹn lời, mẹ tôi dừng lại để lấy lại bình tĩnh và nói tiếp:

‘Chị sẽ đi tìm lại những người cấp trên của em để nhờ họ làm xác nhận cho em được chuyển tuyến ra Bệnh viện Trung ương chữa trị, thời gian tới chị cũng sẽ ra ngoài ấy điều trị. Biết đâu, nếu em được ra cùng với chị thì hay biết chừng nào’;

Mắt chị sáng lên sung sướng và rằng:

‘Em biết ơn chị nhiều lắm, trăm sự em xin trông cậy vào chị’;

Tiễn chân chị, mẹ tôi nói:

‘Em cho chị biết địa chỉ nhà của em nếu lúc nào có kết quả chị sẽ đến tìm em hoặc thi thoảng em hãy quay lại đây với chị’

Chị ấy nói địa chỉ cho mẹ tôi rồi ra đi, mẹ tôi và tôi nhìn theo bóng chị khuất dần.

Nhiều ngày sau đó, mẹ tôi tất bật chạy đôn chạy đáo khắp nơi để dò tìm những người lãnh đạo của các cơ quan cũ từng điều động chị ấy và đoàn văn công của chị ấy vào Nam. Hiềm thay, sau giải phóng người ta sát nhập cả ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế thành một tỉnh Bình Trị Thiên nên các cán bộ đầu não có liên quan đến số phận của chị ấy đều vào Huế, mẹ tôi rất khó có thể có điều kiện để vào Huế tìm gặp họ.

Mẹ tôi vẫn hy vọng ít nhất vẫn còn lại một vài người vẫn đang tiếp tục làm việc ở ngoài này. Nhưng việc kiếm tìm quả thật là khó. Trong từng đêm ngủ, mẹ ôm chặt tôi và lòng và nước mắt thấm đẫm cả má tôi, mẹ tôi nói rằng mẹ tôi và chị ấy cùng cảnh ngộ nên mẹ tôi biết chị ấy rất khổ sở vì vết thương, bệnh tật và càng bất hạnh hơn vì chị ấy không còn ai để nương tựa.

Tôi như nuốt từng lời của mẹ tôi vào bụng và rất hiểu tấm lòng cũng như tình thương của mẹ tôi đối với chị.

Thế rồi, vào một buổi chiều mẹ tôi trở về với một nụ cười sung sướng khoe với tôi rằng:

‘Mẹ đã hỏi được tin về một bác trước đây cũng đã từng ký quyết định tuyển nhận chị ấy vào đoàn văn công, bây giờ bác ấy đang phụ trách trong Ban Văn hoá Nghệ thuật dưới Thị xã. Vì cũng đã cuối giờ làm việc nên bác ấy chắc cũng đã về nhà và cũng đã muộn nên mẹ phải về làm cơm cho các con. Sáng mai mẹ sẽ xuống Thị xã đề nghị bác ấy làm các thủ tục bảo lãnh cho chị ấy chuyển tuyến bệnh viện’.

Đáng tiếc thay, mẹ tôi không kịp làm được việc đó giúp chị. Ngay tối hôm đó mẹ tôi bị tái phát vết thương, những trang giáo án mẹ tôi đang soạn dở đã bị chính mẹ tôi xé nát, mọi thứ đồ đạc trong nhà cũng bị mẹ tôi quẳng bừa bãi...

Ngay tối hôm đó, nhận được tin, Ban Giám hiệu nhà trường và Thường vụ Tỉnh đã cho xe đưa mẹ tôi tức tốc ra Bệnh viện Trung ương Hà nội để chữa trị, ba anh em chúng tôi được giao cho các cô giáo và các chị học sinh trong trường chăm sóc.

Vài ngày sau đó thì chị ấy quay lại, vừa trông thấy chị bên ngoài bờ rào, tôi sợ hãi giữ chặt hai đứa em nhỏ và nói với chị bằng giọng vừa sợ hãi vừa thương cảm:

‘Mẹ em nói mẹ em là đã tìm được địa chỉ bác phụ trách trước đây của chị và định sẽ đến gặp bác ấy xin xác nhận cho chị được chuyển tuyến ra Bệnh viện Trung ương...’;

Nghe tôi nói đến đó, tôi thấy mắt chị sáng lên sung sướng tột cùng, nhưng tôi không thể giấu giếm chị và nói tiếp:

‘Nhưng mẹ em bị tái phát vết thương rất nặng nên mọi người đã phải đưa mẹ em ra Bệnh viện Trung ương gấp rồi...’.

Chị bỗng khuỵ chân xuống đập trán xuống cọc bờ rào khóc lên nức nở, đôi vai chị rung lên từng hồi, tôi không biết cách và cũng không dám an ủi chị. Hồi lâu sau, chị lững thững bỏ đi. Tôi vẫn nhìn theo bóng chị khuất dần và thầm nghĩ ‘mẹ ơi, mẹ có thể chữa được lành bệnh hay không!?’

Tiếng bọn trẻ kêu la khiến tôi sực tỉnh và quay về thực tại, nhác thấy bọn chúng lao vào xung quanh vệ đường nhặt gạch đá để ném vào chị, quần áo chị rách tơi tả trông thật thảm thương. Tôi hoảng sợ kêu lên và can chúng nó đừng hành hạ chị ấy.

Bọn trẻ cự nự và nói với tôi rằng:

‘Con mụ điên ấy thì liên quan gì đến mày mà mày can ngăn chúng tao, nó là mẹ mày đấy chắc?’

Tôi lắc đầu và định bảo chúng nhưng có một đứa bạn học là con của một cô giáo cùng trường với mẹ tôi bảo với chúng nó rằng:

‘Mẹ nó cũng bị điên đấy...!!!’

Bọn trẻ quay sang tôi cười ồ lên và chuẩn bị một tấn trò mới:

‘À, mẹ mày bị điên thì mày cũng bị điên rồi. Đánh nó luôn đi!’

Cả lũ trẻ bắt đầu quay sang đánh tôi, chúng đè tôi xuống giữa sân trường đầy cát vừa đấm đá và thụi tôi những cú đau điếng người. Cát bụi của sân trường lẫn nước mắt làm mắt mũi tôi cay xè và ho sặc sụa...

Bị đè dưới đất bởi lũ trẻ, tôi vẫn cố ngước nhìn theo bóng chị đang lảo đảo xiêu vẹo như kẻ say rượu cố chạy thoát lũ trẻ giữa cái ban trưa hè nắng gắt như đổ lửa, bộ quần áo rách tả tơi mà chị đang mặc trên người chính là bộ quần áo mà mẹ tôi đã từng cho chị ấy cách đấy hai tháng trước khi mẹ tôi đi nằm viện.

Những hòn gạch, đá từ trong tay lũ trẻ vẫn lao theo chị...

 

1975

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết