Ngày thống nhất - Công ty TNHH Tam Hùng

Ngày thống nhất

Thứ hai - 14/01/2013 09:47
Trong các cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, bất kỳ một đất nước và dân tộc nào cũng đều có những người con anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, cho đồng bào và cho những người thân thương ruột thịt của mình. Nhưng cũng có không ít những giọt máu oan uổng phải đổ xuống.

Đó là những giọt máu ngay chính ngày hoà bình của những người lính đã trở về và của những người dân sau chiến tranh...

Một trong những người lính ở quê tôi đã trở về nhà ngay trong ngày đất nước thống nhất sau gần mười năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Anh đã mang theo nỗi nhớ quê nhà và một lòng thương nhớ diết da người mẹ già ốm yếu của anh ở quê nhà...

Mẹ anh ở nhà một mình hiu quạnh mong nhớ anh trở về, mẹ anh từng trông mong từng tin của anh ở chiến trường, mẹ khóc bao đêm vì một thân một mình lẻ loi cô độc. Mẹ từng ngày đếm thời gian mà anh ra đi cho đến ngày đất nước được giải phóng đã qua biết bao nhiêu mùa lúa, nhà neo người không người cày cấy...

Ở chiến trường anh cũng ngày đêm mong nhớ mẹ già, mong sao chóng đến ngày giải phóng để quay trở về quê nhà đỡ đần cho mẹ già của anh. Thế rồi ngày chiến thắng cũng đã đến, anh được giải ngũ trở về.

Nhưng cuộc chiến cũng đã gây nên không ít bi kịch ngay khi nó đã kết thúc. Người lính trở về vì phải mang theo trên mình những kỷ vật thiêng liêng của những người đồng đội đã hy sinh nên khi anh trở về quê, anh không về ngay nhà của anh mà phải vào Uỷ ban Xã để nhờ Uỷ ban Xã tìm kiếm giúp anh thân nhân của những đồng đội, trao gửi lại cho họ những kỷ vật cuối cùng của những người đã khuất.

Uỷ ban Xã mời anh ở lại gặp mặt với bao nỗi niềm cảm động khôn xiết. Mẹ anh hay tin cũng đã chạy vội lên Uỷ ban Xã để nhìn anh cho rõ mặt, mặc dầu vậy, bà cũng không làm mất không khí trang trọng của buổi gặp mặt giữa anh và Uỷ ban Xã mà chỉ đứng nhìn anh từ xa, phía dưới Hội trường của Uỷ ban Xã:

Mẹ trông anh rắn rỏi hơn ngày nào anh ra đi, anh thật chững chạc và thật khôn lớn khác với ngày trước, mẹ mừng cho anh và rơm rớm nước mắt vì được nhìn thấy anh trở về nguyên vẹn bằng xương bằng thịt ngay sau khi đất nước đã được giải phóng những tưởng rằng anh sẽ không bao giờ phải ra đi một lần nữa. Vậy là nỗi niềm bấy lâu nay mẹ phải khát khao trông đợi anh về không còn làm mẹ phải day dứt đêm ngày nữa rồi...

Mẹ anh vội vã chạy về nhà kiếm vài món ăn ngon để cho anh cùng mẹ mừng ngày đoàn tụ.

Hiềm thay, trời phụ lòng nhớ mong con của người mẹ và nỡ phụ tình thương của đứa con ở chiến trường xa quay trở về. Ngày anh trở về cũng là ngày anh lại ra đi vĩnh viễn:

Lúc Uỷ ban Xã đang cùng anh gặp mặt những thân nhân của những đồng đội của anh đã khuất ở chiến trường, trong không khí vừa mừng vừa tủi của những bà mẹ, anh em của những người đã khuất, anh không nỡ rời họ để trở về nhà. Cuộc gặp gỡ đó đã kéo dài cho đến tận tối.

Cho đến khi có một người đàn ông trong làng cầm một quả lựu đạn mỏ vịt đã bị tháo chốt bởi những đứa trẻ chăn trâu nhặt được ở ngoài đồng. Người đàn ông này thấy lũ trẻ đã tháo chốt của quả lựu đạn thì vội giật lấy và kẹp chặt mỏ vịt và quả lựu đạn trong tay mang vào báo cáo với Uỷ ban Xã. Anh bộ đội nhìn thấy vậy liền đề nghị:

‘Chiến tranh đã kết thúc rồi, chúng ta không cần phải giữ lại những thứ này nữa, hãy để tôi tiêu huỷ nó đi’;

Mọi người đồng thanh ủng hộ ý kiến của anh bộ đội. Người lính ấy liền mang quả lựu đạn đi ra ngoài.

Trời đã tối hẳn, xa xa thấp thoáng những ánh đèn dầu vàng ệch mờ nhạt. Vì cuộc chiến tranh vừa mới kết thúc, chỉ ở những nơi thành phố hoặc Thị xã mới có điện, ở những miền làng quê như anh vẫn đang còn phải dùng đèn dầu hoả.

Mặc dù trời rất tối nhưng mảnh đất này gần như đã hằn sâu vào trong trí nhớ của anh đến tận từng bờ đê bên những thửa ruộng, anh quen cả con đê chạy dọc bờ sông với hàng sung mọc um tùm, anh nhớ tới một bến đò nhỏ cách đó không xa mà xưa kia anh vẫn cùng lũ trẻ cùng lứa với anh nhảy xuống tắm sông.

Anh định bụng sẽ đi ra theo hướng ấy, đến bến đò sẽ ném quả lựu đạn ra xa xuống sông cho quả lựu đạn nổ là đã xong một nhiệm vụ cuối cùng của người lính. Mặc dầu quê anh là một làng ven sông nhưng người dân quê anh sống bằng nghề nông là chủ yếu, không phải làm nghề đánh cá cho nên buổi tối không có ai ra bờ sông làm gì nên anh nghĩ rằng ném quả lựu đạn ra sông không có gì sai lầm ngoại trừ một điều vượt ra khỏi thói quen mà anh đã từng sống trước đây mười năm:

Sự thực, sau khi anh đi, người dân quê anh đã không dùng bến đò ấy nữa bởi vì trong làng có một cô gái trẻ không may đã bị chết đuối ở bến đò ấy và nhiều đêm người dân làng hình như vẫn nghe tiếng khóc oan ức của cô gái trẻ đó vọng về. Hơn nữa, người ta thường bảo rằng những người chết trẻ nhất là gái chưa chồng hoặc trai chưa vợ và được gọi là ‘đồng cô, đồng cậu’ thường rất thiêng...:

Vì thế, dân làng đã cho rằng, nếu cứ sử dụng bến đò ấy thì có thể hàng năm sẽ có ít nhất thêm một người chết vì oan hồn của cô gái ấy... cho nên người dân quê anh phải làm một bến đò khác và bỏ bến đò cũ đó để tránh oan hồn của cô gái trẻ làm hại những người khác.

Sau mười năm, những chồi sung non ở bến đò cũ đã lớn nhanh và che kín tầm mắt anh. Anh bộ đội những tưởng rằng trước mắt anh là bến đò cũ, là một khoảng trống và thấp hơn là mặt sông rộng lớn rất đỗi thân quen và hiền hoà mà xưa kia vẫn thường ôm anh vào lòng những khi anh tung tăng bơi lội giữa dòng nước mát.

Anh vung tay ném ngang quả lưu đạn với dự tính quả lựu đạn sẽ rơi xuống lòng sông và nổ dưới nước. Nhưng không ngờ, quả lựu đạn đập phải một thân cây sung và dội ngược về phía sau:

Một tiếng nổ chát chúa vang lên...

Mẹ anh đã làm cơm và vẫn chờ anh trở về... từng bao nhiêu năm của chiến tranh cho đến khi tận mắt nhìn thấy anh trở về ngay chính trên mảnh đất của anh đã từng sinh ra cùng với mẹ già của anh, vậy mà giờ đây mẹ anh vẫn phải khắc khoải chờ anh...!

 

 

1975

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết