Người Hoa - Công ty TNHH Tam Hùng

Người Hoa

Thứ hai - 14/01/2013 20:02
Sau khi cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc vừa kết thúc, một gia đình người Hoa kiều không biết từ đâu chuyển về sinh sống và làm ăn ở Phường 5 của Thị xã Đông hà. Họ mở một hiệu bánh bao để tạo kế sinh nhai. Có lẽ nói không ngoa rằng người Hoa vốn giỏi nghề nấu nướng, cũng có lẽ vì cuộc sống khốn khổ và tha hương của họ đã khiến cho họ phải lao động một cách cần cù để kiếm sống mà vì vậy họ có thể làm được rất nhiều nghề và đều rất thành thạo.

Vì lẽ đó, bánh bao cũng chỉ là một trong vô số các nghề có thể giúp họ kiếm sống nơi đất khách quê người.

Kể từ khi hiệu bánh bao ấy vừa mới mở, tôi là một trong những khách hàng đầu tiên của họ và thi thoảng tôi vẫn xin mẹ tôi tiền để đi mua bánh. Mặc dù đồng lương rất ít ỏi nhưng mẹ tôi rất thương tôi nên vẫn thường cho tôi tiền để mua bánh.

Mỗi lần như vậy, tôi mua được khi thì chỉ một chiếc, khi thì hai chiếc và lúc nào nhiều lắm thì cũng chỉ đủ tiền để mua được bốn hoặc năm chiếc nhưng lần nào tôi cũng đều mang về nhà và chia đều cho mọi người cùng ăn.

Của ít người nhiều nên dù không ngon thì cũng cảm thấy ngon. Vả lại, thật tình mà nói thì bánh bao của người Hoa kiều làm cũng ngon không thể chê được nên chúng tôi cảm thấy mùi vị của bánh bao lại càng ngon hơn gấp bội.

Ông chủ quán người Hoa ấy có hai cô con gái lớn và hai cậu con trai sau cùng. Cô con gái lớn nhất lúc ấy đang tuổi đôi mươi mười tám, cô em kế tiếp cũng đang độ trăng tròn còn hai cậu em thì cũng hơn tôi vài tuổi nhưng chúng có thân hình to khoẻ của con nhà lao động.

Cả hai cô gái lớn đều rất xinh đẹp và hiền thục, cuộc sống lao động vất vả thường ngày đã tạo cho họ một bản tính nhẫn nhục biết chịu thương chịu khó. Cũng vì lẽ đó càng tôn thêm cho họ nét đẹp dịu dàng thục nữ của những người con gái xa xứ.

Mặc dù lúc ấy tôi chỉ là một đứa trẻ và kém tuổi các chị rất nhiều nhưng lúc ấy tôi cũng đã cảm nhận được vẻ đẹp của cả hai người con gái của ông chủ quán bánh bao. Có lẽ cũng vì thế mà nó cũng đã trở thành một nguyên nhân khiến tôi thường thích mua bánh bao ở quán bánh bao Hoa kiều.

Hơn nữa, giữa tôi và họ cũng có chung một sự đồng cảm về cuộc sống xa xứ bởi tuy tôi là người Việt nam đang sống trên đất Việt nam nhưng là một nơi không phải là bản quán của mình. Còn họ vừa không phải là bản quán và vừa cũng không phải là đất nước của họ.

Tôi luôn cảm thấy ngậm ngùi thay cho họ cuộc sống nơi xứ người.

Điều ấy càng thể hiện rõ hơn khi một lần trên đường đi học trở về nhà, tôi đã nhìn thấy những đứa trẻ học cùng trường hành hung hai cô gái người Hoa ấy:

Lúc đi đến gần hiệu bánh bao, tôi nhìn thấy hai cô gái người Hoa kéo một chiếc xe ba gác đi chở nước ở một cái giếng rất xa trong phường vì người Hoa rất công phu trong việc chế biến thức ăn, họ phải chọn nguồn nước rất tinh khiết để sử dụng.

Đông Hà vốn là một vùng đồi thấp và bị bom đạn san bằng nên nguồn nước không tinh khiết. Hơn nữa, trước đây Đông hà là một vùng Chiến sự ác liệt nên nơi đây từng được xây dựng các kho xăng, vũ khí và đạn dược để rồi khi bị phá huỷ thì những thành phần hoá chất độc hại của nó đã hoà tan vào những nguồn nước rồi lắng dần vào các mạch nước ngầm khiến cho nước trong các giếng đào của người dân trong Thị xã Đông Hà thường bị nhiễm phèn, dầu và nhiều độc tố khác…

Hiếm hoi lắm mới tìm được một cái giếng có nước sạch… ở Phường 5 lúc ấy cũng chỉ có duy nhất một cái giếng nước sạch ở gần trường tôi.

Hai cô gái Hoa kiều đẩy chiếc xe đi ngược về phía chúng tôi, cô chị mặc chiếc váy dài kiểu Trung hoa truyền thống rất mềm mại và duyên dáng càng tôn thêm vẻ đẹp vốn có của chị. Cô em thì đơn giản trong bộ quần áo bó sát người nhưng cũng không kém phần xinh đẹp.

Lũ trẻ nhìn thấy cô chị mặc váy liền cảm thấy ngứa mắt bởi thời ấy trong mắt chúng không cảm nhận được cái đẹp tinh tế của những chiếc váy mà trong sự nhận thức của chúng chiếc váy là hiện thân của sự lố lăng và đĩ thoã. Hơn thế nữa, cuộc chiến tranh Biên giới vừa mới kết thúc nên trong mắt chúng, tội ác của những tên đại bá đã từng gây ra trên các tỉnh Biên giới khiến cho chúng bị kích động một cách quá khích:

Bọn trẻ đồng thành hô to:

‘A, con đĩ, đánh chết chúng nó đi…’.

Ngay lập tức, cả bọn xông vào đấm đá túi bụi cả hai chị em họ. Sau một hồi bị tấn công bất ngờ, hai cô người Hoa mới bắt đầu kịp phản ứng trở lại. Hai cô gái tìm cách gạt lũ trẻ ra xa nhưng chúng không vừa vặn gì, chúng bị các cô gái chống cự liền quay sang tấn công bằng cách khác:

Chúng hung hãn nhặt gạch đá bên vệ đường và ném không thương tiếc vào hai cô gái, bị trúng đòn đau và tủi nhục hai chị em đành thúc thủ đưa hai tay lên ôm mặt khóc nức nở.

Hai cậu em trai của họ nghe tiếng bọn trẻ la ó và nghe tiếng khóc của hai chị liền vác đòn ghánh trong quán chạy ra để đánh đuổi bọn trẻ. Lũ trẻ biết là không thể chọi nổi với hai cậu em rất lực điền nên đành mạnh ai nấy chạy.

Riêng tôi, vẫn đứng trân trân nhìn cảnh hai chị em người Hoa bị lũ trẻ hành hung mà không kịp có một phản ứng nào khác.

Tôi không thể hành động gì hơn bởi tôi cũng đã từng bị lũ trẻ hành hung vì bị gán buộc tôi là con của bộ đội nên tôi không thể can ngăn bọn trẻ và tôi càng không thể bảo vệ cho hai cô người Hoa ấy bởi vì những đồng bào của họ đã từng gây nên những tang thương cho người dân Việt nam ở các tỉnh Biên giới.

Nếu tôi cứ tỏ ra là một ‘anh hùng’ thì không chừng sự quá khích của lũ trẻ sẽ khiến cho tôi nguy hại đến tính mạng.

Đang mải miết trong khi phải suy nghĩ mình phải hành động như thế nào cho đúng bởi tôi cũng hiểu rằng mặc dù họ là người Hoa nhưng không phải bất kỳ người Hoa nào cũng đều tàn ác mà cũng có những người Hoa lương thiện, vẫn có những người Hoa chỉ biết yêu lao động và kiếm sống một cách chân chính. Và tôi cũng đã nhận thức được rằng họ là những người không đáng bị lăng nhục, họ cần phải được bảo vệ…

Sự suy nghĩ khiến cho tôi gần như chìm mình trong một thế giới mơ hồ, tôi như lạc vào một chốn không cảm giác và vô tri. Tôi bất ngờ sực tỉnh khi bị một đòn ghánh của một cậu em trai của hai cô chị ấy phang vào người khiến tôi giật mình và tìm cách chống cự theo bản năng của mình.

Vừa nhác thấy cậu em đánh tôi, cô chị vội vã kêu lên:

‘đừng đánh nó, nó không làm gì chị đâu à’;

Nói rồi cô chị vội vã chạy lại gần tôi hỏi:

‘em có đau không à? Cho chị xin lỗi em được không à!?’.

Tôi lắc đầu và nói:

‘Em không sao, chị có bị chúng đánh đau không?’;

Cô chị gạt nước mắt và cười một cách sung sướng vì như tìm được ở tôi một sự cảm thông chân thành đối với chị và nói:

‘Không sao đâu, dường như chị cũng quen chịu đựng rồi à !’.

Câu nói ấy của chị khiến lòng tôi như lắng lại, cổ của tôi như nuốt phải mật đắng: Câu nói của chị làm tôi chợt hiểu ra rằng gia đình của chị cũng đã từng bị xua đuổi và từng bị hành hung như vậy ở bất kỳ nơi nào mà chị đã từng sống khiến cho gia đình chị không thể yên thân và đành phải thay đổi nơi sinh sống thường xuyên để hy vọng tìm được sự bằng an trong cuộc sống hằng ngày nhưng rốt cuộc vẫn không thoát khỏi bị hành nhục...

Lũ trẻ như chúng tôi chỉ vì sự quá khích và đôi khi chỉ vì sự xúi giục một cách thiếu ý thức của những người lớn tuổi không đứng đắn đã biến những đứa trẻ thơ dại thành những tên côn đồ hung hãn khiến cho những người dân xa xứ như chị và như tôi phải chịu nhiều khổ sở…

Câu nói ấy đã làm tôi phải suy nghĩ suốt cả cuộc đời tôi ‘nếu Việt nam là một đất nước biết yêu cái đẹp, vốn chuộng hoà bình và mến yêu cuộc sống thì tại sao lũ trẻ như chúng tôi có thể hành hung những người xa xứ?’.

Cho dù những hành động của lũ trẻ chỉ do sự bột phát không ý thức nhưng vì trong tiềm căn của chúng không được giáo hoá một lòng nhân ái  khiến chúng luôn nông nổi và sẵn sàng trở nên tàn bạo khi bị kích động.

Nếu trong tâm hồn trẻ thơ của chúng không được một đạo lý soi sáng và nếu ở tuổi thơ ấu của chúng đã có sẵn những mầm mống của bạo lực thì sau này chúng lớn lên sẽ trở thành người như thế nào!?.

Riêng tôi, tôi luôn nghĩ rằng, giá như tôi có thể làm được một chút gì để có thể bảo vệ cho các chị bởi dù gì đi nữa tôi cũng là một người từng sinh ra và lớn lên trên đất nước này, trên một danh nghĩa nào đó thì tôi vẫn là một chủ nhân của đất nước còn các chị là khách tha hương.

Tôi muốn bày tỏ sự mến khách của đất nước này đối với chị và muốn chị hiểu rằng tính nhân bản thì đất nước và dân tộc nào cũng có. Cũng như chị hiểu rõ và phân biệt được tôi là một đứa trẻ không ngỗ ngược hung hãn như những đứa trẻ khác.

Và tôi, dù sao đi nữa tôi cũng là một đứa trẻ không thích bạo lực ngay từ nhỏ, không phải vì tôi là một đứa trẻ nhút nhát mà chỉ vì tôi sớm nhận thức được rằng bạo lực không làm cho con người có thể trưởng thành và bạo lực không thể khiến cho kẻ khác phải khuất phục.

Tôi đã tự nhận thức được một cách sâu xa rằng chỉ có Trí tuệ và Lòng nhân ái mới có thể giúp mình chiến thắng một cách vinh quang…

Tại sao lũ trẻ như tôi không hiểu được điều đó!?

Bởi lũ trẻ ấy chính là những ‘chủ nhân thực sự’ của mảnh đất ấy và trong đầu chúng luôn tự nhận thức rằng chúng có quyền hành hung những người khách tha hương khiến họ phải khuất phục chúng mà không ai dám phản kháng chúng:

Bản thân chúng chưa từng phải cảm nhận cuộc sống của một kẻ tha hương nên chúng không cảm nhận được nỗi đau của một kẻ tha hương như các chị và như chính bản thân tôi. Bởi vậy, chúng chỉ biết hành hạ người khác mà không thể biết cảm thông cho những ai bị chúng hành hạ.

Những câu nói tiếp của chị lại kéo tôi về thực tại:

‘hình như em cũng không phải là người ở đây à?’ ;

Tôi cảm nhận được mặc dù tuổi của chị chưa phải là quá lớn nhưng cuộc sống nay đây mai đó vì bị xua đuổi của chị đã khiến cho chị sớm trưởng thành và sớm hiểu được nhiều điều hơn trong cuộc sống mà những đứa trẻ như tôi không thể được như thế.

Tôi gật đầu và nói:

‘em ở ngoài Bắc chuyển vào và em cũng từng bị bọn trẻ ở đây hành hung như thế…’;

Chị lại cười và trong mắt chị như man mác một nỗi nhớ mong về cố quốc của chị, ở đó có thể vẫn còn nhiều người thân trong dòng tộc của chị nhưng trong cái nỗi lòng hướng về cố quốc ấy cũng có chút chạnh lòng vì con người không ai không hướng về quê cha đất tổ nhưng tại sao chị và những người thân trong gia đình chị phải bỏ xứ ra đi để lang bạt trên xứ người kiếm sống là bởi vì cuộc sống trên chính đất nước của chị cũng đầy rẫy khổ cực  vất vả, không dễ gì đảm bảo được cuộc sống hàng ngày.

Gia đình chị phải lưu tán ở Việt nam bởi lẽ vì Việt nam vẫn là một đất nước dễ kiếm sống hơn đất nước của chị.

Tôi ước rằng giá như lũ trẻ nhận thức được một lòng nhân ái và những đạo lý làm người cao cả để đối xử với chị như những người biết yêu cuộc sống chân chính thì có lẽ cuộc sống của những người khách tha phương như chị không phải tủi nhục như vậy.

Chị lại nói:

‘nhà chị bán bánh bao à, nếu lúc nào em muốn mua bánh bao thì cứ đến quán của chị, chị sẽ bán rẻ cho em à!’;

Tôi gật đầu nói:

‘em biết rồi, mấy hôm trước em vẫn mua của bánh bao của chị mà’.

Vài hôm sau, tôi lại đến mua bánh bao ở quán người Hoa, vừa thấy tôi đến thì cô chị đã đon đả tất bật chạy tới và hỏi:

‘em mua bánh bao à?’.

Tôi gật đầu nhưng hơi ngượng nghịu và nói:

‘Nhưng chỉ một cái thôi chị ạ’

Chị chạy tới nồi bánh mau mắn mở nắp nồi và lấy ra hai cái bánh còn nóng bốc hơi nghi ngút gói vào một tờ giấy báo rồi mang tới cho tôi, tôi đưa tiền cho chị và nói:

‘Em chỉ mua một cái thôi mà!’

Chị bảo:

‘Không sao, chị bán rẻ cho em mà!’

Tôi ngần ngại cầm lấy bánh vì sự hảo ý của chị đối với tôi. Dò đoán được tâm trạng của tôi, chị tỏ ra thân thiện liền hỏi thêm:

‘Em ăn bánh có ngon không à?’

Khuôn mặt tròn phúc hậu của chị nhìn tôi với ánh mắt đằm thắm, đôi má chị ửng hồng vì hơi nóng của cái nồi bánh mà chị vừa mở ra khiến cho làn da vốn trắng mịn của chị càng được tôn thêm, tôi thấy chị càng trở nên xinh đẹp hơn thường ngày.

Tôi gật đầu rồi nói:

‘Chị đẹp lắm đó!’

Đông hà 1980

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết