Người cha - Công ty TNHH Tam Hùng

Người cha

Thứ hai - 14/01/2013 19:58
Cuộc sống này đã sinh ra con người thì cũng chính cuộc sống này sẽ sinh ra cho con người niềm hy vọng và những khát khao hướng đến cuộc đời đích thực.

Mặc dù chúng tôi sống xa quê từ thuở bé nhưng hàng năm cứ đến ngày Tết là chúng tôi lại về quê ăn Tết và thăm viếng họ hàng cũng như chúc Tết người làng xóm thân thích.

Đã thành lệ thường, cứ đến gần Tết là chúng tôi đi bằng tàu hoả để về quê, đó là phương tiện thuận tiện nhất mà chúng tôi có thể về quê bởi quê tôi là một làng nhỏ nằm ngay cạnh một ga nhỏ và đã từ lâu cái tên Ga Minh Lễ đã trở thành một tiếng gọi thân thương trong ký ức và tâm khảm của tôi.

Tuy vậy, hạn hữu vì một lý do nào đó không thể mua được vé tàu thì chúng tôi có thể đi ô tô về đến Ba đồn và sau đó mới đi thuyền qua sông rồi đi bộ về làng…

Nói cho cùng thì chúng tôi vẫn thích nhất là về quê bằng tàu hoả: Cho đến nay, thấm thoắt cũng đã hơn hai mươi năm nhưng tôi vẫn nhớ một kỷ niệm buồn khiến tôi ngậm ngùi và day dứt mãi trong lòng:

Lần đó, trên chuyến tàu về quê, đó là một chuyến tàu chợ vốn đã chật chội và bẩn thỉu trong những ngày thường thì lại càng chật chội hơn trong những ngày cuối năm bởi ai ai cũng muốn tranh thủ những ngày cuối năm để về thăm quê hoặc ăn Tết.

Tôi lên tàu từ Ga Đông Hà và cũng đã tìm được cho mình một chỗ ngồi vừa ý, nhưng bản tính trẻ con vốn hiếu động, tôi không ngồi yên một chỗ mà luôn chạy loanh quanh trong toa tàu, thậm chí chạy sang cả những toa khác chỉ để thoả sự hiếu kỳ không mục đích của mình.

Đến một Ga lẻ dọc đường, trong số những hành khách lên tàu, tôi nhìn thấy một người đàn ông bế một đứa trẻ chừng ba tuổi và dắt theo một đứa trẻ chừng sáu tuổi lên tàu.

Điều gì đã khiến cho tôi chú ý đến người đàn ông và hai đứa trẻ nhỏ kia? Bởi người đàn ông và cả hai đứa trẻ đều chỉ mặc duy nhất một lớp áo mỏng trên người, ngoài ra không có thêm áo ấm nào khác và không hành lý.

Cái lạnh của đêm đông cuối năm đã khiến cho mọi hành khách lên tàu phải mặc ấm rất cẩn thận trong lúc người đàn ông và hai đứa trẻ ấy hình như bất chấp cái lạnh cắt da cắt thịt.

Tôi chợt hiểu rằng đó là một gia đình rất nghèo, họ không thể có được hơn những gì mà họ đang có, ngay cả bộ quần áo mỏng mà họ mặc trên người cũng đã quá cũ và nhàu nát thậm chí đã sờn rách nhiều chỗ.

Trong đôi mắt của một đứa trẻ như tôi lúc ấy cũng bỗng dưng hằn lên một nỗi thương cảm thực sự với những con người ấy. Tôi thật sự cảm thấy xúc động và trong lòng tôi như có một thứ gì đó đang dồn lên nhưng chưa kịp trào lên cổ họng thì đã bị chặn lại bởi một nghịch cảnh:

Những người nhân viên soát vé trên tàu bắt đầu đi kiểm tra vé của những người mới lên, cũng vừa lúc họ hỏi người đàn ông cùng hai đứa trẻ. Người đàn ông gượng gạo xin xỏ vì không có vé!

Những người nhân viên soát vé sẵng giọng nói với ông ‘nếu không có vé thì đến ga tới ông và những đứa trẻ này phải xuống tàu’.

Người đàn ông cố nằn nì nhưng những nhân viên soát vé đã quay mặt bỏ đi để tiếp tục kiểm tra những hành khách khác.

Những tưởng rằng họ bỏ qua cho người đàn ông và hai đứa trẻ tội nghiệp đó nhưng đúng như lời họ nói, khi tàu vừa dừng lại ở một Ga kế tiếp đó, những người nhân viên soát vé đã quay trở lại tìm người đàn ông cùng hai đứa trẻ để buộc họ xuống tàu.

Người đàn ông bật khóc và năn nỉ xin những người nhân viên soát vé chiếu cố cho hoàn cảnh của mình nhưng những người nhân viên soát vé vẫn thẳng tay ẩn người đàn ông ra phía cửa lên xuống và nói ‘Các người luôn miệng kêu khổ chỉ để biện bạch cho việc đi lậu vé của các người thôi. Chúng tôi đã quá quen việc này rồi, đừng năn nỉ mà vô ích!’.

Những người hành khách trên toa tàu thấy thái độ quá nhẫn tâm của những nhân viên soát vé liền lên tiếng trách ‘Các anh làm gì mà quá đáng đến thế !? Các anh không thấy ngay cả áo ấm mà họ còn chẳng có để mặc vậy thì làm sao mà có tiền mua vé tàu được? Các anh hãy làm phúc cho mấy cha con họ đi nhờ có được không?’.

Bị hành khách phản đối nên những nhân viên soát vé miễn cưỡng cho người đàn ông cùng hai đứa trẻ tiếp tục đi tàu nhưng chỉ được ngồi ở bên cạnh cửa lên xuống. Người đàn ông ngoan ngoãn bế đứa nhỏ và dắt đứa lớn ra đứng cạnh cửa lên xuống, phía bên trái, nơi mà cánh cửa vẫn thường xuyên đóng kín. Còn phía bên phải là cánh cửa lên xuống thường mở mỗi khi tàu vào Ga.

Có lẽ, đối với người đàn ông nghèo tội nghiệp đó thì nơi ấy là một nơi lý tưởng cho ông và hai đứa con của ông trên tàu. Chuyến tàu ấy cũng như những chuyến tàu khác không thể dành cho ông một chỗ tốt hơn như vậy.

Đêm cũng dần về khuya, người đàn ông và hai đứa trẻ cũng bắt đầu thấm mệt: Cái đói và cái rét bắt đầu hành hạ họ, có lẽ lúc ấy, giấc ngủ là một biện pháp tốt nhất để giúp họ quên đi tất cả.

Người đàn ông trao đứa nhỏ cho đứa lớn, đứa lớn bế lấy đứa nhỏ một cách khó khăn bởi thực tình mà nói đứa lớn ấy cũng không lớn hơn đứa nhỏ bao nhiêu nên nó phải dựa lưng vào thành tàu và phải cưỡng hết sức mình mới bế nổi đứa em của nó.

Người đàn ông đi loanh quanh một hồi rồi cũng tìm được một vài tờ báo cũ và quay lại với hai đứa trẻ. Trải mấy tờ báo xuống sàn tàu lạnh như băng, người đàn ông ngồi xuống và đỡ lấy đứa nhỏ từ tay đứa lớn rồi bảo đứa lớn nằm xuống bên cạnh chân ông.

Sự nghèo khổ và đáng thương của người đàn ông cùng hai đứa trẻ đã khiến cho tôi không rời mắt khỏi họ kể từ lúc họ lên tàu.

Có lẽ trong đời tôi, kể từ lúc sinh ra và kể từ lúc tôi nhận thức được thế nào là sự nghèo khổ thì đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự nghèo khổ thực sự của những tầng lớp khốn khổ nhất trong Xã hội của một đất nước vừa mới qua khỏi cuộc chiến tranh chưa được bao lâu.

Người đàn ông nhìn đứa trẻ đang ẵm trong tay mình rồi nhìn đứa trẻ đang nằm dưới chân ông, nó nằm co quắp và cố gắng thu gọn người nhất  ôm kín chân ông để tận dụng tối đa hơi ấm từ đôi chân của người bố mong rằng có thể xua được cái lạnh buốt người giữa đêm đông ấy và để đánh lừa cái đói.

Dưới ánh điện vàng ệch mờ nhạt hắt ra từ chiếc bóng điện trong toa tàu, tôi thấy toàn thân người đàn ông run lên từng hồi vì lạnh và đứa trẻ trong tay ông cũng cố nép mình thật kín vào cơ thể của ông để được giữ ấm hơn.

Tôi đọc thấy ánh mắt bị giằng xé của người đàn ông khi nhìn hai đứa con của mình: Ông vừa thương đứa trẻ đang ẵm trên tay mình không được đủ ấm và càng thương hơn đối với đứa trẻ đang nằm co quắp bên cạnh chân ông  trên sàn tàu lạnh giá, nó dường như đã ngủ say với một giấc ngủ dại khờ.

Không, có lẽ đó không phải là một giấc ngủ của một đứa trẻ vốn dễ ăn và dễ ngủ mà nó đang lả đi vì đói và vì rét! Toàn thân nó cũng rung lên từng cơn và lắc lư theo nhịp của đoàn tàu.

Ông không thể bế cùng lúc hai đứa trẻ trên tay và kỳ thực ông cũng không thể sưởi ấm hơn cho những đứa con của ông.

Ánh mắt của ông vừa chan chứa một tình cảm vô hạn đối với những đứa con của mình và trong ánh mắt ấy cũng vừa lộ ra một nỗi đau khôn cùng bởi ông cảm thấy bất lực trước những đứa con tội nghiệp của mình:

Ông không thể che chở cho chúng thêm nữa mặc dù ông luôn muốn mình phải làm nhiều hơn như vậy…

Có nỗi đau nào bằng nỗi đau của sự bất lực nhất là khi vì tình thương của mình đối với những đứa con.

Trong đời tôi, tôi chưa nhìn thấy được một người đàn ông nào có thể có được ánh mắt khi nhìn con như vậy: Ánh mắt ấy thật thân thương và chan chứa như ánh mắt của một người mẹ thảo hiền.

Trong ánh mắt ấy cũng vừa toát lên một nỗi đau chịu đựng và bất lực trước hoàn cảnh hiện tại.

Nhưng trong ánh mắt ấy cũng toát lên một sức sống mãnh liệt: Kỳ lạ thay, tôi không hiểu từ đâu trong cái cơ thể nhỏ nhoi và gầy yếu của những đứa trẻ cũng như với cái thân hình gầy guộc của người đàn ông ấy, những sinh lực mạnh mẽ và dữ dội vẫn quyết sống mái với cái đói và cái rét để giành giật từng giây từng phút với sự sống mặc dù rất mong manh và mơ hồ.

Sự sống ấy đối với họ quý giá biết nhường nào: Cuộc sống này có nghiệt ngã với họ như vậy đến suốt đời hay không hay một ngày nào đó số phận sẽ mỉm cười với họ!? Tôi chỉ biết rằng đằng sau sự chịu đựng ấy của họ là một sự lạc quan và hy vọng rất mãnh liệt của họ vào ngày mai.

Tôi nhìn thấu được những hoài bão lớn lao của họ, họ giống như những mầm sống được gieo vào giữa trời đất bao la và những sinh linh đó sẽ tồn tại và trỗi dậy vì tiếng gọi của cuộc sống thiêng liêng từ trong Vũ trụ.

Cuộc sống này đã sinh ra con người thì cũng chính cuộc sống này sẽ sinh ra cho con người niềm hy vọng và những khát khao để họ hướng đến cuộc đời của một con người đích thực.

Nhiều năm sau tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh người đàn ông và hai đứa trẻ khốn khổ ấy. Tôi luôn cảm thấy day dứt và tự trách mình tại sao lúc ấy tôi không san sẻ cho họ một manh áo, dù chỉ là một manh áo cỏn con trong những chiếc áo mà tôi đang mặc để giúp họ phần nào giảm được cái giá lạnh.

Tôi cảm thấu được cái rét tột cùng mà người đàn ông cùng hai đứa trẻ đã phải chịu đựng bởi ngay cả chính bản thân tôi lúc ấy đằng sau mấy lần áo ấm trên người cũng không xua được cái lạnh buốt xương.

Toàn thân tôi cũng run lên vì lạnh và chân tôi cũng tê buốt, những đầu ngón tay của tôi gần như cứng lại.

Thực tình, thâm tâm tôi lúc ấy vẫn muốn làm một cái gì đó để giúp họ nhưng bởi lúc ấy tôi chỉ mới là một đứa trẻ nên tôi luôn do dự trước những suy nghĩ và quyết định của mình: Không hiểu sao tôi luôn cảm thấy ngượng và xấu hổ khi muốn làm một việc gì đó tốt cho người khác.

Làm một việc tốt cho người khác cũng cần phải đòi hỏi lòng dũng cảm và quyết tâm thật lớn lao ư? Có lẽ nó cũng là một bản tính tâm lý của những đứa trẻ bằng tuổi tôi lúc ấy.

Nhưng lúc ấy tôi cũng đã có một suy nghĩ khác ‘đành rằng chia sẻ cho họ một manh áo cũng là một điều tốt nhưng một manh áo chỉ giúp được một người và chỉ giúp được họ trong hiện tại nhưng sau này thì sao. Không những vậy, còn nhiều người khác cùng cảnh ngộ nữa thì sao?’.

 

Đông hà 1980

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết