Người thiếu phụ - Công ty TNHH Tam Hùng

Người thiếu phụ

Thứ ba - 15/01/2013 12:27
Nhiều năm trước đây, mỗi độ cuối năm, tôi vẫn thường về quê bằng tàu hoả nhưng cũng nhiều khi vì quá muộn không mua được vé tàu thì tôi mới phi xe máy từ Hà nội về quê.

Đó cũng là một lần cuối năm, tôi lên tàu Thống nhất để về quê ăn Tết, khi tôi đang đứng chờ để lên tàu vì nhiều người đang chen chúc ở cửa lên xuống của toa tàu, đứng chờ bên cạnh tôi là một thiếu phụ đang bế một đứa trẻ nhỏ chừng hai tuổi trên tay và xung quanh ngổn ngang bao nhiêu thứ.

Nhìn thấy cô ta một thân một mình tay xách nách mang nên cũng đành phải bất đắc dĩ ‘ra tay tương trợ’: Tôi giúp người thiếu phụ chuyển mọi thứ hành lý lên tàu, chẳng biết duyên nợ thế nào người thiếu phụ ấy lại ngồi đối diện với tôi.

Con tàu đã lăn bánh ngay sau khi tôi đã yên vị. Con tàu tiếp tục chạy, đứa bé trên tay người thiếu phụ bắt đầu tỏ ra ương chướng khiến người thiếu phụ dỗ dành một cách mệt nhọc.

Vì ngồi đối diện nên tôi có nhiều cơ hội để quan sát người thiếu phụ với đứa bé, thực tình không phải vì chút gì đó gọi là ‘xiêu lòng’ mà lẽ vì bất giác tôi chợt nhận thấy sự bất hạnh trên gương mặt trẻ trung xinh đẹp của người thiếu phụ.

Nhìn thấy gương mặt buồn của cô, tôi không nỡ hỏi về hoàn cảnh của cô nhưng cũng không khỏi động lòng trắc ẩn muốn hiểu nguồn cơn của cô trong quá khứ và hiện tại…Mặc dầu vậy, tôi biết chắc rằng người thiếu phụ cùng đứa trẻ trên tay đã bị chồng phụ bạc.

Cái lạnh của tiết cuối đông đã làm cho đứa trẻ phải tìm mọi cách nép sát vào người mẹ nó khiến cho hoàn cảnh của hai người càng trở nên tội nghiệp và đáng thương hơn. Mặc dầu có duyên ngộ gặp người thiếu phụ ấy nhưng tôi và họ đồng hành không được bao xa, đến ga Thanh hoá thì người thiếu phụ với đứa trẻ lại xuống tàu.

Một lần nữa tôi lại giúp người thiếu phụ cùng đứa trẻ chuyển hành lý xuống tàu, người thiếu phụ không còn có thể biết làm gì hơn với tôi ngoài lời cảm ơn sau khi đã xuống tàu. Tôi thầm nghĩ ‘có lẽ duyên tình chỉ đến thế thôi’ và đinh ninh rằng tôi và cô ấy chỉ gặp nhau có một lần và không hẹn ngày gặp lại.

Nào ngờ, vài năm sau, tôi và một cậu bạn rủ nhau đi hát ‘Karaoke chay’ (không có tiếp viên) với dự định ban đầu là chỉ hát với nhau mà thôi. Nhưng sau vài lon bia, hắn cao hứng gọi bồi bàn yêu cầu gọi nữ nhân viên vào hát cùng, tôi khoát tay cản lại nhưng hắn càng làm hăng hơn. Tôi không còn cách gì hơn đành phải để cho hắn đạo diễn.

Một lát sau, hai cô gái trẻ thập thò phía cửa…

Cậu bạn tôi nhanh nhảu vẫy tay ra hiệu hai cô gái vào hẳn bên trong và bảo tôi hãy chọn lấy một cô, lúc bấy giờ tôi miễn cưỡng nhìn lần lượt hai cô gái và bất giác bắt gặp cái nhìn ngượng ngịu của một cô gái trong số họ. Ký ức của tôi mách bảo rằng tôi đã gặp cô ấy ở đâu đó mặc dù chưa kịp nhận ra cô ấy là ai.

Sau phút ngần ngại vì chính cô gái ấy cũng nhận ra tôi là người quen cũ mà không dám ‘táo tợn’ với khách như thường lệ, có lẽ câu nói của Nguyễn Du về thân phận nàng Kiều bị ép phải tiếp khách làng chơi rằng ‘thân lươn nào quản lấm đầu’ cũng nghiệm đúng cho tình cảnh của cô gái ấy trong lúc này:

Mặc muốn giữ thể diện cho bản thân mình khi gặp lại người quen cũ nhưng trong tâm trí của cô gái ấy tự nhủ rằng ‘đã vào đây thì dù quen dù lạ phải chấp nhận tất, cớ gì phại ngại ngần’ với lại ‘quen mặt thì đắt hàng’ dẫu gì người quen cũng không xử tệ hơn người lạ là cái chắc rồi.

Cô gái (hay chính xác hơn là người thiếu phụ ngày ấy) bỗng trở nên cuồng nhiệt hơn, cô nhào ngay vào lòng tôi và vòng tay ra sau lưng tôi và ôm lấy tôi rồi hôn tôi một cái rất kêu, vuốt ve và mơn trớn tôi một cách thuần thục khiến tôi cảm thấy ngậm ngùi cho cái dáng vẻ hiền thục nết na của một thiếu phụ xưa kia đã biến mất thay vào đó là sự buông thả.

Gương mặt xinh đẹp vừa đoan trang và thánh thiện của người thiếu phụ ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi, lúc gặp cô ấy lần đầu trên chuyến tàu ngày ấy đã khiến cho tôi phải xao xuyến và khiến tôi phải thầm ước rằng ‘giá như mình có được một người vợ như thế’ và thầm ghen với thằng đàn ông nào đã từng chiếm được cô ấy.

Vậy mà giờ đây, những động tác của cô ấy đã khiến tôi cảm thấy kinh sợ bởi ngay cả một người con gái có một khuôn mặt đoan trang thánh thiện như cô ấy vẫn sẵn sàng làm cả những điều mà tôi không dám nghĩ tới thì liệu rằng những cô gái khác trên đời này có còn đáng tin được nữa không. Liệu rằng tôi có quá khắt khe khi liên tưởng đến mọi người con gái hay không?

Thực tình mà nói rằng sự suy đồi nhân cách của người thiếu phụ ấy đã làm tôi vỡ mộng, mọi niềm tin của tôi đối với những người con gái trong trắng và hiền thục bỗng chốc trở nên lung lay tột cùng. Than ôi, tôi còn biết đặt niềm tin yêu của mình vào đâu trên cõi đời này khi mà chính một người con gái đã từng khiến tôi ao ước giờ đây đã trở thành một thứ hàng hoá chỉ được đánh đổi bằng những đồng tiền bẩn thỉu.

Tiền có thể mua được bất kỳ người con gái nào ư? Tiền cũng có thể biến những kẻ như tôi thành khách làng chơi ư? Nếu vậy thì những kẻ như tôi có lỗi hay những người con gái như cô ấy có lỗi.

Lúc ấy tôi không còn có thể suy ngẫm được nhiều hơn thế bởi tất cả mọi thứ chung quanh tôi gần như quay cuồng, chao đảo và lung lay…

Thằng bạn tôi nghĩ rằng tôi đã ‘phải lòng’ cô gái đang ngồi trong lòng mình liền nói qua micro ‘nào, từng đôi chim bay đi nhé!’. Cậu ta nói rồi buông micro và kéo tay cô gái dành riêng cho cậu ta đi ra ngoài và đi đâu và làm những gì với cô ta thì có trời và hắn với cô gái kia mới biết được.

Khi căn phòng chỉ còn lại tôi với ‘nàng’ thì tôi mới có dịp để mong muốn được hiểu căn nguyên nào đã xô đẩy cô ấy đến chốn này. Lúc đầu cô ta nói với tôi một cách khinh khỉnh khi tôi tỏ ý muốn hỏi về đời tư của cô ấy, nhưng sau đó thái độ của cô ấy trở nên khác hẳn so với lúc đầu vì để đạt được mục đích kiếm tiền nên cô ấy đã tỏ ra rất ngọt ngào với tôi.

Sau cùng thì cô ấy cũng đổi giọng có lẽ cô ấy đã quay trở lại với cái nhân bản vốn có trước đây của mình khi hiểu rằng tôi thật sự thông cảm cho hoàn cảnh của cô ấy và muốn rằng tôi có thể làm được một chút gì đó cho cô ấy, cô ấy bắt đầu tâm sự:

Cô ấy từng là sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà nội, năm đầu tiên lúc mới vào trường, cô cũng giống như bao nữ sinh viên khác, tâm hồn bay bổng và háo hức với nhiều điều mới lạ mà có lẽ điều mà những nữ sinh đang ở lứa tuổi đầu tiên bước vào cuộc đời tự do và tự lập là những cảm xúc trai gái bắt đầu nhen nhóm và hình thành một cách mãnh liệt.

Không hiểu sao thần tượng về người đàn ông của cô và của bao nữ sinh năm thứ nhất đều cho rằng người đàn ông phải có chút gì đó ngang tàng và mạnh bạo.

Có lẽ tiêu biểu cho tính ngang tàng chính là sự ngông cuồng của hầu hết các chàng trai mới lớn và đó chính là niềm đam mê của những nữ sinh mới vào đời. Cô đã phải lòng một sinh viên hơn cô một hai khoá gì đó.

Người mà cô phải lòng vừa là một chàng trai cao ráo, đẹp trai và tính khi rất ngỗ ngược. Lúc ấy, cô quả quyết rằng đó mới thực sự là một người đàn ông, sau này cô mới hiểu rằng đó mới là sự nhận thức ngu ngốc nhất trong đời bởi chính cái tính ngỗ ngược của người mà cô đem lòng ngưỡng mộ đã hại cô.

Với cái ‘bản chất rất đàn ông’, người đàn ông của cô sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc ẩu đả nào kể cả ‘thấy chuyện bất bình phải ra tay tương trợ’ cho tới những vụ ẩu đả thường xảy ra của sinh viên và với bất kỳ vụ việc nào tương tự thì người đàn ông của cô luôn chứng minh được rằng anh ta là người hùng bởi cho dù anh ta thắng hay bại thì anh ta đều luôn sẵn sàng tham gia với một tinh thần ‘thà chết không chịu đầu hàng’ và không bao giờ chấp nhận nhượng bộ với đối phương, bao giờ người đàn ông của cô cũng giành thế chủ động để tấn công đối phương một cách hung hãn và đôi khi tỏ ra không thương tiếc… không hiểu sao những hành động của người đàn ông của cô lúc ấy không làm cho cô nhận thức được rằng đó là bản chất côn đồ chứ không phải là nhân tính của một người đàn ông thực thụ.

Không những vậy, đó không chỉ đơn thuần là nhận thức của cô mà là của hầu hết tất cả những nữ sinh năm thứ nhất như cô khiến cho cô cảm thấy rằng mình nhận thức hoàn toàn đúng…

Chỉ vài tháng sau khi quen chàng, sự phong lưu và ngỗ ngược của chàng đã làm cho cô say đắm và đem lòng mến mộ những mong được thề non hẹn biển với chàng. Sau vài lần cùng chàng gặp gỡ nói chuyện trong ký túc xá rồi đến những lần tâm sự trên ghế đá công viên…đã khiến cho chàng và nàng trở nên gần gũi thân thiện từ lúc nào không hay.

Thế rồi, một lần nhân sinh nhật bạn, chàng rủ nàng cùng đi, trong buổi tối sinh nhật đó không hiểu vì vui bạn hay vì cố tình mà chàng uống rất nhiều. Sau buổi sinh nhật chàng tỏ ra lè nhè và lúc ấy cô cũng không đủ nhận thức để hiểu rằng chàng giả say hay say thật rốt cuộc cô phải đưa chàng về nhà, chàng vốn thuê nhà trọ ở ngoài nên cô phải đưa chàng về nhà trọ của chàng trước khi trở về ký túc xá của mình.

Khi đã đưa chàng về đến nhà trọ của chàng, thấy chàng bắt đầu ‘cho chó ăn chè’ cô lại không nỡ bỏ mặc để về mà đành nán lại để giúp chàng giải quyết hậu quả. Đêm cũng muộn hẳn, cô không dám về ký túc xá một mình, chàng quyết bắt cô ở lại bằng được.

Vì nhẹ dạ, cô đã không thể chối từ để trở về ký túc xá, ngay trong đêm đó chàng đã cho cô nếm mùi đời mặc dầu lúc đầu cô đã cố gắng cự tuyệt nhưng vì đã sẵn lòng yêu mến chàng nên sự cự tuyệt đó chỉ là ‘phút đầu sợ hãi’, vì đó là lần đầu tiên trong đời mà bất kỳ người con gái nào cũng cảm thấy sợ hãi.

Nhưng sau đó, vì sự cám dỗ theo bản năng và vì lý trí đã thuộc về chàng từ lâu nên chẳng bao lâu sau đó cô đã trở thành kẻ đồng loã cùng chàng trong một cuộc chơi nguy hiểm:

Cô đã thả mình trong sự đam mê và khoái lạc của men tình, cô cảm thấy đê mê và ngây ngất trong vòng tay của chàng.

Sự hoan lạc đã khiến cho cô không thể gìn giữ sự trong trắng và tiết hạnh duy nhất trong cuộc đời người con gái.

Ngay trong đêm đó, cô đã được ‘tận hưởng’ tất cả hương vị đầu tiên của cái gọi là tình yêu mà cho đến tận giờ phút này cô mới kịp tỉnh ngộ để hiểu rằng đó chỉ là một sự ngu dại mà không thể định nghĩa rằng nó thuộc loại nào trong những khái niệm tình yêu đích thực…

Nhưng cái cảm giác ngọt ngào ngây ngất ấy không được bao lâu thì cô bắt đầu thực sự nhận thấy sự chát đắng của nó càng ngày càng thấm sâu vào từng thớ thịt trong cơ thể của mình:

Cả lý trí lẫn thể xác bắt đầu hình thành nên những nỗi đau và một mối lo sợ cũng càng ngày lớn dần hơn trong tâm trí của cô khi cô có đủ nhận thức để hiểu rằng cô đã buông thả bản thân mình chỉ để chạy theo một tiếng gọi đam mê của thể xác và dục vọng.

Vài tháng sau, hậu quả của trò chơi của cô càng ngày càng biểu hiện rõ rệt: Khi biết mình đã có thai, chàng đưa cô đi khám thai và khuyên cô nên giải quyết cho nhẹ ghánh vì dù sao cả cô và chàng của cô hẵng còn là sinh viên không thể sinh con được.

Việc có thai là điều mà bất kỳ ai trong hai người đều không mong muốn nhưng việc phá thai lại càng là điều không mong muốn đối với cô bởi cho dù ở lứa tuổi đầu tiên trong cuộc đời của mình cô cũng đã nhận thức được thế nào là tình mẫu tử.

Cô chấp nhận bỏ học để chờ đợi cái thai cho đến ngày sinh nở, người đàn ông của cô đành phải miễn cưỡng làm tròn bổn phận của một người tình và của một người ‘chồng không giá thú’ của cô.

Đủ tháng đủ ngày thì đứa trẻ cũng ra đời, tiếc thay nó là bé gái bởi nếu là bé trai thì cũng có thể cô sẽ may mắn được bố mẹ của cậu ta chấp nhận cho cô trở thành con dâu của họ.

Sau khi đứa trẻ ra đời được vài tháng thì bố mẹ của cậu ta biết chuyện, họ đã từ quê lên tận nơi nhà trọ mà cô cậu cùng đang ở để xỉ vả cô, họ chì chiết và đánh đập cô không thương tiếc vì cho rằng cô đã khiến cho sự nghiệp của cậu ấm của họ tan vỡ…

Tất cả mọi hậu quả họ đều trút lên đầu cô rằng cô là một con đĩ đã dụ dỗ và lôi kéo con trai họ còn con trai của họ vốn là một cậu con trai được nuôi dạy tử tế nào là một sinh viên giỏi nào là đang chuẩn bị được tốt nghiệp với một tương lai sáng lạn…

Họ không bao giờ công bằng với cô để nhận thức rằng chính con trai của họ đã chiếm đoạt cô chứ không bao giờ cô dám chủ động tấn công để phá nát cuộc đời con trai của họ…

Cậu quí tử của họ phó mặc cô cho bố mẹ của cậu hành hạ và làm nhục đủ điều. Kết thúc cuộc đọ trán giữa cô và bố mẹ của cậu ta, họ đã tuyên bố sẽ cắt ‘viện trợ’ cho cậu ta để buộc cậu ta phải cắt đứt quan hệ với cô và họ yêu cầu cô phải trở về quê của cô nếu cô đồng ý thì họ sẽ bồi thường cho cô một ít tiền để nuôi dưỡng đứa bé.

Họ lôi xềnh xềnh cậu quí tử của họ về nhà, lúc đầu họ định buộc cậu ta phải thôi học để về quê cho dễ quản lý nhưng sau một hồi đắn đo thì họ cũng kịp đủ lý trí để nhận thức rằng như vậy sẽ khiến cho cậu quí tử của họ phải dang dở cuộc đời sự nghiệp nên đành phải để cho cậu ta ở lại tiếp tục học và cho một người ở lại cùng cậu để quản cậu.

Sau một thời gian thì sự quản lý từ phía gia đình đối với cậu ta cũng được thả lỏng bởi người nhận nhiệm vụ quản lý cậu cũng có nhiều việc cần phải làm nên đành phải để cho cậu tự do tất nhiên với một điều kiện bắt cậu phải hứa không được tiếp tục với cô nữa.

Sau khi được thả lỏng, chàng cũng quay lại tìm cô và tiếp tục sống với cô trong sự giấu giếm đối với gia đình.

Lúc đầu, chàng cũng đã cố gắng hết khả năng mình để làm tròn bổn phận của một ‘bậc trượng phu’ với cô nhưng sau dần cô mới nhận thức được rằng kẻ có tính ngang tàng thường không có tính kiên nhẫn.

Cuộc sống giữa hai người càng ngày càng trở nên ngột ngạt bởi càng ngày càng có nhiều nhu cầu rất thiết thực nảy sinh trong cuộc sống của một ‘đôi vợ chồng’ cùng đứa con nhỏ mà bản thân họ đều phải trong chờ vào sự chu cấp hạn chế từ phía gia đình cậu ta.

Cậu ta cũng bắt đầu kiếm việc làm thêm để hy vọng có thêm một khoản tiền trang trải cho sinh hoạt của họ nhưng rốt cuộc cũng không được bao lăm. Cuộc sống vật chất của họ càng ngày càng trở nên khó khăn kéo theo sự xuống dốc về tinh thần.

Người đàn ông của cô chỉ quen ngang tàng và hay nổi nóng với bạn bè, cái gọi là bản tính đàn ông như trước đây cô từng ngưỡng mộ, giờ đây cũng bắt đầu quay sang cư xử đối với cô như vậy:

Ban đầu cậu ta nổi nóng và mắng nhiếc cô một cách bột phát vì những lý do bất kỳ nào đó, dần dần chuyển sang những hành động có tính vũ phu.

Nhiều lần cô đã bị cậu ta đánh đập chỉ vì những lý do vô cớ và vì cậu ta bắt đầu bê tha rượu chè…

Cuộc sống càng ngày càng trở nên ngột ngạt, cô không còn cách nào khác đành phải chia tay với người đàn ông của cô. Lúc chia tay, cậu ta đã tốt nghiệp nhưng vẫn chưa có việc làm, đang còn trông chờ vào trợ cấp của bố mẹ còn đứa con của cô lúc ấy cũng mới bắt đầu hai tuổi.

Cô đành phải tay xách nách mang bế con về với bố mẹ đẻ của mình những mong sẽ được bố mẹ đẻ của mình tha thứ cho lỗi lầm của mình bởi dẫu sao họ cũng là máu mủ tình thâm từng rứt ruột đẻ ra cô.

Nào ngờ khi vừa về đến ngõ, nhác trong thấy cô với đứa trẻ trên tay, người mẹ bù lu bù loa rằng:

‘Ôi giời ơi làng nước ơi, sao mà cô dám bôi gio trát trấu lên mặt cha mẹ thế này!?

Nuôi cô từ bé đến lớn chỉ để mong cô ăn học cho nên người chứ đâu có nghĩ rằng cô buông thả mình để gây nên cơ sự này…

Cô có còn xứng đáng là con của cái nhà này nữa không hở giời…!?’

Thôi thì chỉ vì cái danh dự của gia đình mà mẹ và cha của cô cũng không dễ dàng tha thứ cho cô. Trong sự nóng giận vì cho rằng cô là một đứa con hư đốn, chính bố mẹ cô cũng đã đánh mắng cô tưởng như không thương tiếc khiến cho cô lại một lần nữa phải bỏ nhà ra đi.

Cô đã đi đâu?

Cô đã đến nơi mà tôi đang gặp cô ở đây và đã làm cái việc mà ngay cả tôi cũng không thể ngờ được đối với cô.

Chỉ vì sự sĩ diện hão của bố mẹ cô mà họ đã vô tình đẩy cô ngã thêm một lần nữa vào cái ngõ cụt của cuộc đời:

Cô còn gì nữa đâu? Tại sao những bậc bố mẹ không nhận thức được rằng đó là việc đã rồi, hãy dành cho cô một sự tha thứ!

Hơn bất kỳ lúc nào, đó chính là lúc mà cô cần phải nhận được sự tha thứ, an ủi và động viên của bố mẹ và của anh chị để giúp cô vượt qua sự bế tắc trong cuộc sống vật chất lẫn tinh thần.

Nhưng tất cả từ bạn bè cho đến bố mẹ, dường như đều trở thành đồng loã để ruồng bỏ và xua đuổi cô khỏi cuộc sống của họ vì cho rằng cô hư đốn và buông thả.

Nhiều lần cô đã định quyết quyên sinh nhưng nghĩ đến đứa con của cô không người nương tựa và cô cũng không nỡ để nó phải quyên sinh cùng với mình bởi cô vẫn nhận thức được rằng nó hoàn toàn vô tội nó cần phải có ít nhất được một người thương yêu và dưỡng dục nó cho đến lớn…

Biết hoàn cảnh đáng thương của người thiếu phụ, tôi chợt nhớ đến lời ‘tiên tri’ của ông ta về đường Thê tử (vợ con) của tôi rằng con tôi có máu hai dòng tức là tôi có con riêng hoặc vợ tôi sẽ có con riêng nên tôi định bụng rằng nếu như vợ tôi có con riêng như định mệnh đã dành cho tôi thì có lẽ tôi nên đề nghị cô ấy chấp nhận trở thành vợ mình cũng vì một câu nói của người xưa rằng ‘thà lấy đĩ về làm vợ chứ không ai lấy vợ về làm đĩ’.

Tôi hy vọng rằng cô ấy đã lâm vào hoàn cảnh bất đắc dĩ nếu tôi làm một điều gì đó tốt đối với cô ấy để cô ấy có thể hoàn lương trở về với cuộc sống của cộng đồng và với tôi thì tôi tin chắc rằng cô ấy sẽ trở thành một người vợ tốt vì dù sao đi nữa tôi cũng đã nhận thức rằng cô ấy vốn có một nhân bản tốt.

Nếu cô ấy chấp nhận thì mặc dầu ‘tậu trâu được cả nghé’ nhưng mà nó cũng giúp tôi qua được định mệnh nghiệt ngã về đứa con ngoài giá thú sau này của tôi…mặc dầu tôi không phải là kẻ mê tín nhưng vẫn có nhiều điều khiến cho tôi không thể phủ nhận về định mệnh của mình. Khi nghe lời đề nghị của tôi, cô ấy đã khước từ, tôi cố lựa lời khuyên giải nhưng cô ấy nói:

‘Em đã dại một lần rồi nên em không thể dại thêm một lần nữa, em không thể làm vợ của anh’;

Tôi nói:

‘Việc mà em đang làm bây giờ mới chính là em đang dại thêm một lần nữa! Em hãy tin tôi, tôi không lừa dối em và không bao giờ phụ bạc em!’;

Người thiếu phụ chua chát nói:

‘Ngay cả khi em hẵng còn là một cô gái trong trắng còn bị chính người mình yêu phụ bạc, còn bây giờ em đã… thì làm sao anh có thể tốt với em?’;

Tôi hiểu rằng sự phụ bạc của người mà cô đã từng đem lòng yêu thương đã gây cho cô một sự mặc cảm lớn không bao giờ có thể quên được, rõ là ‘một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng’.

Tôi cũng cảm nhận rằng cô ấy phần nào nói đúng bởi khi mà tôi đã biết rõ những việc làm không lấy gì tốt đẹp của cô ấy hiện tại thì làm sao tôi có thể thông cảm được cho cô ấy trong suốt cả cuộc đời cô sau này.

Tôi vẫn muốn giải thích cho cô ấy hiểu rằng giữa những con người vẫn có lòng nhân ái, tôi sẵn sàng quên đi tất cả để giúp cô một cuộc sống mới… người thiếu phụ cười nhạt qua nước mắt:

‘Anh nói rằng anh là người có lòng nhân ái ư? Người có lòng nhân ái phải là những người đứng đắn, nếu đã là người đứng đắn thì sao lại vào chốn này được? Em làm sao có thể tin anh là người tốt mỗi khi em gặp anh ở đây?’;

Những câu nói của người thiếu phụ chợt làm tôi tỉnh ngộ, tôi giật mình khi thấy rằng rõ ràng mình đang sa chân vào chốn ăn chơi lại còn nói điều nhân nghĩa với cô ấy thì làm sao có thể khiến cô ấy tin được.

Tôi gặng thêm vài điều với người thiếu phụ hy vọng có thể tìm được lời khuyên hợp lý với hoàn cảnh hiện tại của chúng tôi:

‘Chẳng nhẽ em chấp nhận số phận của mình như vậy hay sao?’;

Người thiếu phụ lắc đầu:

‘Đàn ông ai cũng giống nhau, ngay cả anh cũng tự xưng mình là người tốt mà vẫn còn vào chốn này thì thử hỏi ai là người đàn ông xứng đáng để em trao gửi niềm tin và cuộc đời?’;

Tôi thoáng chút chạnh lòng nhưng không kịp tư duy thêm được một điều gì đó tốt đẹp hơn cho người thiếu phụ.

Đang miên man trong sự suy nghĩ thì tiếng điện thoại di động của tôi vang lên, tôi mở máy và thằng bạn cùng đi với tôi hỏi tôi đã xong chưa thì về. Hắn đã làm xong cái việc của một thằng đàn ông với cô gái kia và đã chờ tôi sẵn sàng ở ngoài xe.

Tôi cảm thấy rằng nấn ná thêm với người thiếu phụ chẳng ích gì, đành phải ra về cùng với thằng bạn của tôi.

Gặp tôi, hắn hỏi với giọng đầy phấn kích vì hắn đã thoả mãn với tất cả những gì mà hắn đã làm:

‘Thế nào, cô em của cậu có làm cho cậu mãn nguyện không?’;

Tôi lấy giọng thương cảm:

‘Cô ấy có một số phận rất đáng thương!’;

Cậu ta liền gạt phắt một cách vô cảm:

‘Ôi giời, đã vào đấy thì cô nào chả bịa cho mình một số phận bi thảm để khiến những con gà như cậu phải động lòng trắc ẩn mà bao cho bọn họ thật nhiều tiền’;

Câu nói của thằng bạn của tôi khiến tôi cảm thấy những kẻ đàn ông như tôi thật đáng sợ:

Thằng bạn của tôi là một cán bộ tốt của một doanh nghiệp nhà nước hẳn hoi và tôi cũng tự nhận mình là người tốt nhưng vẫn cùng đồng loã để tìm thú vui ở những người phụ nữ…thử hỏi trên đời này còn mấy ai thực sự tốt với họ!

 

Hà nội 2001

 

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: trước đây, hà nội