Những người lính - Công ty TNHH Tam Hùng

Những người lính

Thứ hai - 14/01/2013 19:52
Đất nước vừa yên được tiếng súng ở miền Nam được bốn năm thì phía Tây Nam lại bắt đầu đổ máu, những người lính lại tiếp tục quay trở lại chiến trường. Cùng với những người lính năm xưa lại có thêm nhiều người lính trẻ, các anh lại hăm hở lên đường...

Những đoàn quân lại hối hả ra trận... những cuộc chia tay của những học trò với những thầy giáo lên đường nhập ngũ liên tục diễn ra hết sức bịn rịn và đầy xúc động. Tôi vẫn còn nhớ một bài hát ‘ngày mai thầy lên đường đi làm anh bộ đội...’ mà cả lớp tôi đã hát tặng một thầy giáo khi thầy xung phong lên đường ra trận.

Tôi cũng như bao học trò lúc ấy cũng đã từng khóc khi hát bài hát để tiễn thầy lên đường.

Hồi đó, những đoàn xe tải nối nhau chở đầy những người lính trẻ lên đường vào chiến trường Biên giới Tây Nam. Thi thoảng vẫn có một vài đơn vị đóng quân đồn trú hoặc tạm nghỉ chân trên đường hành quân ở các Phường và Tiểu khu của Thị xã Đông hà.

Cơ quan của bố tôi cũng ưu tiên cho một đơn vị Bộ đội Thông tin tạm trú gần hai tuần lễ vì họ cần phải diễn tập khẩn cấp các tình huống liên lạc chiến thuật vì hầu hết họ đều là lính mới nên việc phối hợp liên lạc giữa các đơn vị bạn là một việc hết sức khó khăn mà họ cần phải thuần thục trước khi ra trận thực sự.

Những hoạt động khẩn thiết của những người lính trẻ đã hướng sự chú ý vì tò mò của tôi: Vào những lúc họ nghỉ ngơi, tôi lân la trò chuyện với họ. Những người lính trẻ cũng rất vui vẻ và quí mến tôi bởi tính tôi nhanh nhẹn và hoạt bát ngay từ nhỏ.

Hình như tôi được thừa hưởng năng khiếu sư phạm của mẹ tôi ngay từ nhỏ và rất có tài diễn thuyết cũng như khả năng hùng biện ngay từ bé nên những câu chuyện của tôi thường khiến cho nhiều người chú ý và thích thú...

Các anh lính trẻ cũng lấy làm thích thú vì nhiều câu chuyện của tôi, hoặc như không có chuyện gì để kể thì ngay cả những câu đối thoại giữa tôi và họ cũng khiến cho họ vui thích.

Từ khi bắt đầu thân thiện với các anh lính trẻ tôi bắt đầu táy máy vào các máy Liên lạc của các anh. Các anh bảo tôi đó là những chiếc máy Bộ đàm 2W loại PRC 25 của Mỹ đã từng dùng ở chiến trường miền Nam, sau giải phóng bộ đội ta tịch thu được và đã trở thành một phương tiện liên lạc rất tốt cho bộ đội ta: Khoảng cách liên lạc tối đa ở vùng đồng bằng là 5 km và ở những nơi địa hình bị che khuất vào khoảng 2 – 3 km.

Các anh nói hiện nay Quân đội của chúng ta chưa thể tự chế tạo được máy Bộ đàm và các máy liên lạc vô tuyến bởi vì nó đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao về Vô tuyến điện tử. Tôi say sưa lắng nghe các anh giảng giải những nguyên lý cơ bản về vô tuyến điện tử.

Mặc dù mới chín tuổi và đang học lớp bốn nhưng những điều mà các anh lính trẻ giảng cho tôi đã làm cho tôi như nuốt từng lời, ban đầu khi các anh nói sơ qua tưởng tôi không thể hiểu nên các anh dừng lại nhưng tôi lại thúc giục các anh giảng giải tiếp vậy là những bài giảng của các anh mà ngay chính các anh từng học được ở Trường Cơ công chuyên đào tạo lính thông tin cũng đã không còn đủ để giảng cho tôi.

Sự tiếp thu nhanh nhẹn của tôi đã khiến cho các anh kinh ngạc bội phần. Tôi hứa với các anh rằng sau này tôi sẽ trở thành một nhà kỹ thuật giỏi để có thể thiết kế và chế tạo được các máy Liên lạc Vô tuyến Quân sự cho bộ đội của ta. Cuối cùng, ngày các anh ra đi, tôi tiễn chân các anh một đoạn đường với nhiều lưu luyến. Tôi chúc các anh chiến thắng trở về.

Các anh đã ra đi, và kể từ đó tôi không bao giờ được gặp lại các anh!

Đúng hai mươi năm sau, như điều mà tôi đã hứa với các anh (1998), tôi đã trở thành một trong hai đồng tác giả đầu tiên tại Việt nam nghiên cứu chế tạo thành công Vibra Số 4 Kênh – là một phương tiện liên lạc vô tuyến hiện đại cho Quân đội (cùng với Đại tá Tiến sỹ Phan Ban – Viện kỹ thuật Quân sự II). Lúc này tôi tự thầm nhủ rằng ‘tôi đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của anh, của những người lính kiên cường bất khuất. Sẵn sàng hy sinh cho đất nước và một dân tộc vĩ đại’.

Giờ này các anh đang ở đâu? Tôi vẫn luôn nhớ đến các anh, chính các anh đã gieo mầm cho tôi một hoài bão lớn nhất trong đời để suốt hơn hai mươi năm trong đời tôi đã phấn đấu không ngừng để trở thành một nhà khoa học lớn của đất nước và đã trở thành một chuyên gia giỏi cho Quân đội.

Để thực hiện được ước mơ huyền diệu đó, ngay từ lúc ấy tôi cũng đã tự ý thức được rằng nó không thể có từ những giấc mơ mà nó chỉ có được từ những thành quả học tập thật tốt về Vật lý và Toán học thậm chí cả Hoá học.

Ngay từ lúc đó tôi đã biết say mê những cuốn sách giáo khoa Bổ túc Văn hoá của mẹ tôi từ lớp 7 đến lớp 10 + 2 về toán và vật lý...

Thật khó có thể tin nổi rằng một cậu học sinh lớp 4 vừa đang độ chín tuổi mà tôi đã có thể tự học và tự hiểu được những cuốn sách mà cần phải có thầy cô giáo giảng và với một độ tuổi lớn hơn rất nhiều mới có thể tiếp thu được: Đó là nhờ sự quyết tâm hết mình, vì sự say mê miệt mài và cũng vì một sự tự định hướng đúng cho bản thân mà tôi đã sớm tiếp thu được...

Đông hà 1979

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết