Những trận ốm - Công ty TNHH Tam Hùng

Những trận ốm

Thứ hai - 14/01/2013 20:07
Để trở thành người giỏi hơn người thì không ai là thầy dạy mình ngoài chính bản thân mình

Cứ đến độ đông về tôi thường đổ bệnh, những căn bệnh không rõ nguyên cớ đã khiến cho tôi phải nằm liệt giường bắt đầu từ đầu đông cho tới khi hết mùa đông, thậm chí sang giữa mùa xuân.

Những lúc đó, tôi sốt tới 40 – 41 độ, thậm chí nhiều khi lên tới 42 độ. Những lúc ấy, những loại thuốc được sử dụng để chữa trị cho tôi thông dụng nhất là peniciline liều cao và nhiều loại kháng sinh liều cao khác: Trong đời tôi không biết kể từ lúc sinh ra cho đến bây giờ trong người tôi đã phải tiêm bao nhiêu là kháng sinh rồi!?.

Vì những trận ốm, hầu như năm nào tôi cũng phải nghỉ học để nằm viện quá thời gian qui định của nhà trường. Cũng rất may, học lực của tôi rất tốt và các thầy cô giáo cũng rất tín nhiệm mẹ tôi nên tôi được chiếu cố đặc biệt về thời gian nghỉ ốm.

Việc duy nhất là tôi phải trả bài thi và qua được các kỳ thi như những học sinh khác. Vào những năm tôi đang còn học lớp một hay lớp hai, tôi vẫn thường ốm và vẫn phải đi viện: Bác sỹ khuyên tôi không nên đọc sách, không có lợi cho sức khoẻ khi đang còn ốm, vì tính tôi rất hiếu động nên khi vào viện tôi vẫn mang sách theo để đọc.

Lúc đầu tôi đành phải nghe theo lời khuyên của Bác sỹ, nhưng sau rồi, những trận ốm cứ kéo dài khiến cho tôi phải lấy làm khổ sở vì chuỗi thời gian vô ích trong Bệnh viện.

Vì thế, có những lần được về nhà vào ngày chủ nhật, tôi đã tranh thủ tìm và mang theo nhiều quyển sách để đọc.

Có một lần tôi đang đọc một cuốn chuyện nói về cuộc đời của các nhà bác học. Lúc đó tôi cũng chỉ mới lờ mờ hiểu được khái niệm về các nhà bác học. Lúc mẹ tôi đến, tôi đã hỏi:

‘Mẹ à, trên Thế giới, ai là những người giỏi nhất?’;

Mẹ tôi trả lời:

‘Là những nhà bác học, con đang cầm trong tay cuốn sách nói về cuộc đời của các nhà bác học đấy thôi!’;

Tôi nghẫm nghĩ giây lát rồi lại hỏi mẹ tôi:

‘Nếu những nhà bác học là những người giỏi nhất thì ai là thầy dạy của họ hở mẹ?’;

Mẹ tôi bật cười nhưng cũng cảm thấy câu hỏi của tôi rất triết lý nên mẹ tôi phải suy ngẫm một lúc lâu rồi mới trả lời:

‘Để trở thành những nhà bác học, họ phải tự phấn đấu rất nhiều...’;

Tôi vội ngắt lời mẹ tôi:

‘Điều đó có nghĩa rằng để trở thành những người bình thường thì có thể có thầy dạy mình nhưng để trở thành một người giỏi hơn người thì không ai là thầy dạy cho mình ngoài chính bản thân mình. Có phải như vậy không hở mẹ?;

Một chút nước mắt thấm ướt khoé mắt của mẹ tôi, mẹ tôi cười và gật đầu và hỏi:

‘Con định phấn đấu để trở thành một nhà bác học đấy ư?;

Tôi buồn bã đáp:

‘Nhưng mà sức khoẻ của con không tốt, con bị ốm thường xuyên, làm sao có thời gian phấn đấu để có thể trở thành bác học được!?’;

Mẹ tôi nói:

‘Con hãy xem, nhà bác học Newton lúc nhỏ cũng thường bị ốm đau như con vậy nhưng khi lớn lên vẫn đã trở thành một nhà bác học lớn của Thế giới đấy thôi!’;

Tôi đáp:

‘Vậy thì con đã hiểu rồi, con sẽ tự quyết tâm đến cùng để có thể trở thành một nhà khoa học lớn...’;

Mẹ tôi cười rạng rỡ vì sung sướng và khích lệ tôi.

Kể từ ấy tôi đã tự nhận thức được một triết lý rất sâu xa rằng: ‘Nếu có thể tự phấn đấu để có thể trở thành những nhà khoa học lớn thì cũng có thể tự phấn đấu để có thể trở thành ít nhất như những người có học vấn bình thường. Từ một người có học vấn bình thường lại tiếp tục tự phấn đấu để vươn lên thành một nhà khoa học lớn...’;

Và cũng kể từ ấy, con người của tôi đã thay đổi hẳn bản tính từ chỗ rất thích giao du với bạn bè, rất thích diễn thuyết và tranh luận đã chuyển sang một cá tính hướng nội thường chìm mình trong những dòng suy nghĩ miên man và thường thích yên tĩnh để khám phá những điều mới mẻ từ những cuốn sách khoa học...

Những quãng thời gian dài trong Bệnh viện chính là những lúc mà tôi đã đọc nhiều sách nhất và cũng là những lúc tôi thể hiện được sự tự quyết tâm phấn đấu tự vượt qua chính bản thân mình giúp tôi tạo một tiền đề lớn để trở thành một nhà khoa học kiêm toàn sau này.

Mười tám năm sau, tôi cũng đã có chỗ đứng trong những nhà khoa học hàng đầu của Việt nam và cũng là một trong những Chuyên gia hàng đầu về Khoa học – Kỹ thuật Quân sự của Bộ Quốc Phòng.

 

Đông hà 1981

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: trở thành