Ông ngoại tôi - Công ty TNHH Tam Hùng

Ông ngoại tôi

Chủ nhật - 13/01/2013 21:03
Ông ngoại tôi vốn là một thầy thuốc Đông y giỏi nhưng ông đã tự bệnh mà qua đời vì cậu ruột tôi, người con trai duy nhất của ông đã vào Nam chiến đấu theo tiếng gọi sôi sục của đất nước như hàng nghìn hàng triệu thanh niên trai tráng trên khắp mọi miền đất nước vào thời đó.

Dẫu rằng đối với đất nước, ông ngoại tôi vẫn là một người có tấm lòng sắt son luôn mong muốn được cống hiến những gì có thể cho đất nước. Bởi ông ngoại tôi cũng đã từng là một cán bộ tiền khởi nghĩa, là một trong những người tiên phong tham gia cách mạng thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Ông cũng đã từng quyên góp cho Nhà nước theo lời kêu gọi ‘Tuần lễ vàng’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng kilogam vàng.

          Nhưng khi bà ngoại tôi sinh ra cậu tôi thì ông ngoại tôi trở về nhà để chăm sóc đứa con trai hiếm hoi của mình: Bà ngoại tôi có cả thảy mười một người con nhưng phần lớn đều sớm qua đời, chỉ còn năm chị em gái và chỉ có cậu là người con trai duy nhất thoát khỏi tay tử thần. Những anh trai của cậu đã bất hạnh qua đời ngay từ lúc mới lọt lòng, kể từ đấy ngày sinh của các anh trai của cậu cũng chính là ngày giỗ của họ.

          Đau đớn vì những đứa con xấu số, ông ngoại tôi chỉ còn biết vun vén và hy vọng cho riêng đứa con trai duy nhất của mình. Cậu đã khôn lớn và càng ngày càng thông minh tháo vát. Mười sáu tuổi cậu đã thi đỗ đại học, ông tôi đã mừng thầm. Nhưng niềm hy vọng của ông đã bị dập tắt khi biết tin cậu tôi đã viết huyết tâm thư tình nguyện vào chiến trường miền Nam, lúc bấy giờ cậu tôi đã là sinh viên năm thứ hai.

          Nỗi lo sợ sẽ mất đi đứa con trai duy nhất đã khiến cho ông ngoại tôi thất vọng và buồn lo, dẫu biết rằng đó là sự ích kỷ nhỏ nhen của cá nhân ông trước một sứ mệnh thiêng liêng của cả dân tộc và nghĩa vụ cao cả của mỗi người đối với  đất nước nhưng tình máu mủ và ý thức hệ về con trai nối dõi vẫn khiến ông day dứt và tự hành hạ bản thân mình...

          Tôi sinh ra vào đúng lúc ông ngoại tôi đang ngày đêm mong ngóng tin tức của người con trai từ chiến trường, sự có mặt của tôi phần nào bù đắp cho ông nỗi trống vắng nhưng càng làm cho ông trở nên lo lắng không yên vì thân hình quặt quẽo của tôi không ai dám chắc rằng tôi có thể lớn khôn được thành người hay không.

          Khi tôi đầy tháng, một lần ông bế tôi, bất giác tôi mở mắt nhìn ông, bởi tôi rất ít khi mở mắt. Kể cả những lúc tôi ngủ hay khóc mắt đều luôn nhắm nghiền, mọi người khó có thể nhận biết lúc nào tôi thức hay ngủ... Khi đó, nhìn vào mắt tôi, hình như ông cảm nhận được ánh mắt kỳ lạ của tôi. Ông cho rằng một đứa bé ốm yếu như tôi thường có ánh mắt yếu ớt mờ đục. Nhưng trái lại, ánh mắt tôi nhìn ông sáng linh lợi khiến ông rất đỗi kinh ngạc.

          Ông ngoại tôi không chỉ nổi tiếng về nghề thuốc mà còn là người văn hay chữ tốt. Theo quan niệm ngày xưa, ánh mắt của tôi mà ông nhìn thấy được khiến ông nghĩ rằng tôi không phải là một đứa trẻ bình thường mà trời phật đã động lòng ban cho gia đình ông một ân phúc rất lớn. Vậy nên ông đã đặt tên cho tôi, một cái tên theo đúng nghĩa của ánh sáng ân đức mà trời phật đã ban tôi cho gia đình ông. Cho đến ngày cận kề trước khi ông qua đời, ông đã gọi mẹ tôi bế tôi lại gần, ông vuốt ve sờ nắn khắp thân hình nhỏ bé của tôi rồi rơm rớm nước mắt mà rằng:

‘Nó không phải là đứa trẻ bình thường, dù khó khăn dù gian nguy đến mấy cũng hãy cố gắng nuôi cho nó khôn lớn. Nó sẽ làm rạng danh dòng tộc tổ tiên của chúng ta. Tuy nhiên, cuộc đời của nó cũng sẽ lắm gian truân vất vả, phải nhẫn nại đến cùng...!’.

Rồi ông lại nói thêm ‘Ước gì ông cũng có một đứa cháu nội như nó thì hay biết chừng nào!’.

Đó là những ngày tháng u ám nhất trong gia đình tôi, bởi mọi người thân trong gia đình phải chứng kiến và chờ đợi những ngày còn lại của ông ngoại tôi với sự bất lực tuyệt vọng:

          Ông đã trút hơi thở cuối cùng khi tôi vừa đầy một tuổi, trước khi mất, ông đã nhịn ăn một tuần bất chấp sự khuyên can của mọi người thân trong gia đình. Ông nói rằng hãy để cho ông được ra đi để thế mạng cho con trai của mình, mỗi ngày sức ông suy kiệt trông thấy.

          Những ngày ấy, một đơn vị bộ đội đang trên đường hành quân vào Nam đã ghé chân đồn trú tại nhà ông ngoại tôi. Các chú lính trẻ vẫn thường quan tâm và ái ngại cho tình cảnh của ông ngoại tôi nhưng cũng bất lực trước sự suy sụp tinh thần của ông ngoại tôi.

Giờ phút cuối cùng của ông ngoại tôi rồi cũng đã đến, vào bữa cơm trưa, lúc ông ngoại tôi đang thiêm thiếp, bất giác ông ngoại tôi thở mạnh bảy lần liên tiếp khiến mọi người nghe rõ từng hơi thở của ông. Một anh bộ đội vội vàng nhảy qua mâm cơm đang đặt giữa nhà để đến bên cạnh ông và xúc động nói với mọi người rằng ‘bố đã qua đời rồi’.

Mọi người đều bỏ bát và cùng chạy đến bên ông...

Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết