Nó cũng sẽ trở thành một bài học vô giá để mỗi một chúng ta biết cách lường tránh những sai lầm có thể sẽ mắc phải và cũng là kinh nghiệm cho ta phát huy trong những trường hợp tương tự trong hiện tại và tương lai.
Dù gì, ký ức của mỗi chúng ta cũng đều trở thành một vốn quí cho chính mình mà ngoài bản thân mình không ai có thể giúp mình được điều đó.
Kể từ lúc tôi được sinh ra trên cõi đời này, trừ những năm tháng ấu thơ của tôi vì ốm đau quặt quẽo thì được nhiều người thay nhau săn sóc hằng ngày còn sau đó mẹ tôi phải đi điều trị hậu quả của chấn thương do chiến tranh với thời gian khá dài nên tôi không nhận được sự chăm sóc chu đáo của người mẹ nhưng bắt đầu lớn hơn chút nữa và khi mà tôi bắt đầu tri giác được những sự việc xung quanh mình thì mẹ tôi là một người mẹ mẫu mực đã dày công dạy dỗ tôi và những đứa em của tôi nên người:
Cuộc sống của chúng tôi đã đi lên từ những tháng ngày khốn khó nhất của một đất nước vừa trải qua chiến tranh rồi tiếp đó là thời kỳ bao cấp với đồng lương rất hạn hẹp của bố mẹ và những chế độ ‘ưu đãi’ của Nhà nước còn hết sức chật vật.
Tất cả chúng tôi và những người đã từng sống qua những ngày tháng ấy đều hiểu rõ vì đất nước hẵng còn nhiều khó khăn nên tất cả đều đồng lòng đồng sức cùng chịu đựng và cùng chung lưng gánh vác những trách nhiệm mà đất nước giao phó.
Còn bản thân tôi lúc ấy hẵng còn bé, những gì mà tôi có thể nhận thức được lúc ấy là những bát cơm hơn hai phần độn sắn hoặc là các hoa màu khác.
Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là được thay bằng bột mì bởi từ bột mì có thể chế biến được thành nhiều món ăn khác, chỉ một ví dụ như làm bánh mì hấp vào cơm để ăn là tôi cũng đã cảm thấy sung sướng nhất đời:
Tôi nhớ rằng lúc ấy miếng bánh mì hấp sao mà ngon quá đỗi đối với những đứa trẻ như tôi đến vậy!?
Có những lúc đói quá, mấy đứa em gái nhỏ của tôi đã vơ quàng tất cả những thứ gì xung quanh có thể cho vào bụng:
Thế rồi một lần anh em chúng tôi ra vườn trồng cây củ đậu đang thời kỳ ra hoa và có hạt bởi vì đôi lần chúng tôi cũng đã từng ăn củ đậu nên những tưởng rằng hạt của cây củ đậu cũng có thể ăn được vậy là một trong hai đứa em gái tôi đã hái vội một nắm hạt củ đậu để cho vào miệng và đã bị ngộ độc. Cũng may lúc ấy tôi bế em tôi về nhà kịp thời và mọi người đã cậy miệng của nó ra để đổ vào vài thìa đường hạt cho nó nuốt dần rồi may thay nó đã qua khỏi được nguy hiểm.
Điều mà tôi cảm nhận được sâu sắc nhất là trong cái thời kỳ khốn khó nhất và ở những nơi thôn quê dân dã: Cuộc sống càng khốn khó bao nhiêu thì tình cảm giữa những con người càng chân thật và cảm động bấy nhiêu. Chúng tôi đã được gắn bó với nhau trong những tình cảm tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau để vượt qua thời kỳ cam go nhất của cuộc sống bởi một đất nước bị kiệt quệ sau chiến tranh.
Bất kỳ ai lúc đó cũng nhận thức rằng cuộc sống của chúng tôi không thể khác được và họ vẫn đặt một niềm tin rất lớn vào chính bản thân họ bằng sự quyết tâm nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và tái thiết đất nước. Bên cạnh đó, họ cũng hy vọng rằng đất nước rồi cũng sẽ cất cánh để trở thành một Cường Quốc nhờ dôi bàn tay và khối óc của họ.
Niềm tin và hy vọng của mỗi một con người chúng tôi lúc ấy là động lực mạnh mẽ nhất để giúp chúng tôi vượt qua được những cái đói, cái khát đang trực tiếp hành hạ cơ thể chúng tôi mà bất kỳ một ngày tháng nào kể từ lúc chúng tôi mở mắt đón bình minh mỗi buổi sáng cho đến trước khi chìm sâu vào giấc ngủ mỗi đêm và cũng là quyết tâm rất lớn về tinh thần để mỗi một chúng tôi tập trung cao độ cho công việc cũng như học tập và lao động một cách hăng say quên đi tất cả mọi nhọc nhằn thiếu thốn.
Khi lớn hơn nữa, lúc đất nước bắt đầu giao thời giữa Chế độ Bao cấp và chuyển đổi Cơ chế Thị trường, tôi bắt đầu cảm nhận được những tình cảm giữa con người và con người không còn thuần tuý như khi chúng tôi đang sống trong thời kỳ hậu chiến và cũng là khởi đầu của Chế độ Bao cấp.
Bắt đầu thời điểm này, giữa những con người bắt đầu có sự cạnh tranh kịch liệt không thương tiếc. Mặc dầu vậy, trong thâm tâm tôi cũng không muốn níu kéo cái thời đã qua trong khi vẫn có không ít người phải bàng hoàng sửng sốt trước sự thay đổi của Xã hội bởi họ đã quen với cuộc sống bao cấp cho dù không phải là quá sung sướng đối với họ nhưng dầu sao thì Chế độ Bao cấp vẫn đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu mỗi ngày cho từng người mà họ không cần phải lo lắng đến cái ăn cái mặc hàng ngày.
Còn trong Cơ chế Thị trường thì tất cả mọi người đều phải tự lo cho mình cả về công việc và cả về những chi tiêu vụn vặt hàng ngày.
Có thể nói rằng sự chuyển đổi từ Chế độ Bao cấp sang Cơ chế Thị trường là một cú sốc lớn đối với phần lớn Công nhân Viên chức Nhà nước mà ngay cả chính tôi lúc ấy cũng đang mới chỉ là một học sinh năm cuối của Phổ thông Trung học cũng không kém phần hoang mang lo lắng bởi tôi vẫn đã nhìn nhận được nghiệt ngã của Cơ chế Thị trường sẽ dành cho chúng tôi.
Bởi thế, ngay từ khi đang học những năm cuối của Phổ thông Trung học là thời điểm giao thời giữa hai Chế độ Xã hội, tôi cũng đã biết ý thức được cuộc sống của mình sẽ phải có những đổi thay như thế nào và tôi cũng đã chuẩn bị những điều có thể trong khả năng của mình để sẵn sàng đối mặt với một cuộc sống mới đầy nghiệt ngã.
Nhưng Thương trường giống như là một quả đắng bọc đường, bên ngoài được bao bọc bởi một lớp vỏ rất ngọt ngào cám dỗ nhưng khi ngậm tan cái vỏ bọc đường ấy trong miệng thì mới cảm nhận được cái chát đắng không thể tả xiết được và mới vỡ mộng vì đã bị đánh lừa.
Đã từ lâu, tôi tự định hướng cho mình trở thành một Khoa học gia hàng đầu của đất nước. Vì thế, gần hai mươi năm tôi phấn đấu thiên lệch chỉ tập trung mũi nhọn vào các lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ nói chung mà không chú ý đến các yếu tố có tính Xã hội của Thương trường.
Đó chính là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của mình bởi cho đến bây giờ khi mà tôi dự kiến đưa những thành quả nghiên cứu Khoa học của mình áp dụng vào Thực tế Cuộc sống thì mới bắt đầu đụng độ với những ‘kiến thức’ về Thương trường mà trong những cuộc đụng độ ấy tôi luôn là kẻ thất bại bởi Thương trường đã sản sinh ra những ‘quái kiệt’ hay là những ‘Thương trường gia’ rất lắm mưu mô trong việc sử dụng chất xám của những người làm Khoa học và Kỹ thuật cũng như Công nghệ thuần tuý như tôi một cách rẻ mạt hoặc thậm chí không phải mất một xu nào để hậu đãi cho chúng tôi: Đó là sự nghiệt ngã của Thương trường mà tôi đã từng phải nếm trải trong suốt hơn mười năm qua.
Kỳ thực, ‘trăm nghìn vạn chữ, không ai lường được chữ ngờ’ mặc dầu biết rằng những ‘Thương trường gia’ luôn có lắm thủ đoạn nhưng mà không có bài học nào giống bài học nào bởi nó không thuộc vào Hệ Tư duy Logic như trong Khoa học hay Kỹ thuật và Công nghệ thuần tuý để mà từ một ‘tiên đề’ đã biết để có thể suy diễn ra những hệ quả khác.
Thủ đoạn của Thương trường cũng có lắm ngón nghề và mỗi một ‘Thương trường gia’ đều tự sáng lập cho mình một ‘Trường phái’ mà có lẽ phải chấp nhận bị thua thiệt ít nhất hai lần đối với mỗi một ‘Trường phái’ thì may ra mới có thể rút ra được cho mình những kinh nghiệm cần thiết và đủ để chọi lại với ‘Trường phái’ đó.
Tôi lại vốn là người không đủ kiên nhẫn để dám ‘chơi’ tới lần thứ hai với một ‘Thương trường gia’ nên sự thua thiệt mà tôi vấp phải không thể chọi lại với chính ‘Thương trường gia’ đó và càng không thể áp dụng để chọi lại với một ‘Thương trường gia’ khác vì không cùng ‘Trường phái’: Bởi thế, tôi đã liên tục thất bại trên Thương trường và luôn trở thành kẻ trắng tay. Không những vậy, sự khánh kiệt của tôi khiến tôi lâm cảnh nợ nần...
Kể từ lúc sinh ra cho đến lúc tôi được gọi là trưởng thành cũng đã là ba mươi lăm năm rồi nhưng cho đến tận bây giờ tôi vẫn nghiệm thấy những điều mà nhà văn Tô Hoài đã từng nói ‘Tuổi trẻ thường ngông cuồng và rồ dại’ trong tác phẩm ‘Dế mèn phiêu lưu ký’ quả là quá đúng với mình và khi liên hệ với câu nói của Hồ Dzếnh trong một tiểu phẩm của ông rằng ‘Ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia thất nên đôi khi vẫn ngỡ là mình chưa lớn’.
Bởi vì tôi vẫn chưa lấy vợ nên thoảng hoặc tôi vẫn giật mình nghĩ rằng mình hẵng còn là một đứa trẻ và vì vẫn ngỡ mình hẵng còn là một đứa trẻ nên những hành động và suy nghĩ của mình vẫn còn ngông cuồng và rồ dại: Sự thất bại liên tiếp của tôi trên Thương trường đã khiến tôi phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc rằng tôi đã phải chuốc nhiều thất bại bởi chính vì mình quá ngông cuồng, rồ dại và nóng nảy.
Những gì mà tôi đã từng làm chỉ giúp tôi tự đánh giá khả năng của mình trong Khoa học và Kỹ thuật cũng như Công nghệ nói chung nhưng chưa giúp tôi khẳng định được ‘địa vị’ và sự nghiệp của mình trên Thương trường và cũng là danh tiếng của tôi trong Xã hội.
Đối với Thương trường và Xã hội, tôi vẫn còn là một hạt cát vô danh trong muôn vàn hạt cát của một bờ cát trải dài bên bờ Thái Bình Dương.
Tôi vẫn chỉ là một kẻ nô lệ của thời hiện đại cho những ‘Thương trường gia’ mặc sức bóc lột, khai thác đến kiệt sức và tận cùng khả năng sáng tạo của mình.
Một điều nữa, hệ thống Pháp luật của Nhà nước đang còn nhiều kẽ hở chưa bảo hộ được quyền lợi cho những người lao động trí óc để tiếp tay cho nhiều kẻ lợi dụng chất xám của người khác để làm giàu bất chính trên sức lao động của người khác:
Đối với những Dự án lớn do Nhà nước trực tiếp quản lý và chỉ đạo, những người trực tiếp tham gia thực tế chỉ được căn cứ vào mức lương đã được qui định mà nó không thoả đáng so với công sức và cường độ lao động đã được bỏ ra.
Chính vì mức qui định lương của Nhà nước quá thấp đã trở thành căn cứ rất hữu hiệu để những ‘Thương trường gia’ cũng như những đối tác nước ngoài tìm cách để hạ thấp mức thu nhập của những Trí thức bậc cao làm việc cho họ.
Dĩ nhiên, mặc dù vẫn biết rằng các ‘Thương trường gia’ và các đối tác nước ngoài bóc lột nhưng suy cho cùng thì sự chi trả của họ mang lại vẫn lớn hơn so với những gì mà Nhà nước có thể chi trả nên vẫn phải ‘ngoan ngoãn’ để biến mình thành nô lệ hiện đại.
Nhiều năm qua, mặc dù việc ký kết hợp đồng làm Chuyên gia giữa tôi với các đối tác thực hiện các Dự án lớn vẫn có thể được ‘bảo hộ’ bởi một Cơ quan Chủ quản của tôi:
Nếu được thực hiện thông qua Cơ quan Chủ quản thì giá trị hợp đồng mà tôi ký làm Chuyên gia cho một đối tác bất kỳ sẽ rất cao nhưng sau khi ký hợp đồng đó thì quyền lợi mà tôi được hưởng trong hợp đồng do Cơ quan Chủ quản chi trả lại cho tôi lại không nhiều vì bị khấu trừ rất nhiều khoản hành chính phức tạp.
Hơn nữa tôi cũng gặp phải nhiều trở ngại tỷ dụ như sẽ bị một người khác của Cơ quan Chủ quản thay thế hoặc là Cơ quan Chủ quản điều động thêm nhiều ‘Giám sát’ hoặc những nhân lực vô bổ cho Dự án khiến cho việc chia lại lợi nhuận cho những người làm chính thức cũng không thoả đáng.
Sự quan liêu trong bộ máy hành chính của các Cơ quan Chủ quản chính là điều khiến cho tôi và nhiều người lao động trí óc khác phải ký ‘hợp đồng chui’ với các đối tác mà những hợp đồng kiểu này không có hiệu lực pháp lý nếu khi xảy ra tranh chấp vì đối tác có thể lật mặt không thanh toán sòng phẳng sau khi hợp đồng được kết thúc...
Điều đó có nghĩa rằng Cơ cấu Hành chính và Hệ thống Luật pháp của Nhà nước hiện tại đang mang lại nhiều tiêu cực không có lợi cho quyền lợi của những người lao động Trí óc bậc cao mà đang tạo ra những kẽ hở rất lợi hại để nhiều kẻ bất chính lợi dụng sức lao động và sáng tạo của các Trí thức, bóc lột một cách tinh vi những người lao động bằng Trí óc mà trong đó đồng lương cơ bản của Công nhân viên Nhà nước quá thấp đã vô tình hạ thấp quyền lợi của những người lao động có trình độ cao xuống tới mức tối thiểu trong các Dự án lớn hoặc những công việc do các Tổ chức không thuộc Nhà nước thực hiện với tổng trị giá rất cao và lợi nhuận rất lớn mà đáng lẽ những lợi nhuận này phải được san sẻ một cách thoả đáng cho những người lao động có trình độ cao nếu được Nhà nước bảo hộ một cách thoả đáng và được qui định chặt chẽ hơn bởi Hệ thống Pháp luật hiện hành.
Tôi không thể tự bảo vệ cho quyền lợi của mình khi mà Luật pháp chưa qui định rõ được quyền lợi của những người lao động có trình độ cao là bao nhiêu trong mỗi hợp đồng mà đang bị thả khoán theo sự ‘mặc cả’ với Chủ hợp đồng và các Chủ hợp đồng đã căn cứ vào mức lương cơ bản mà Nhà nước đang trả cho những ‘Công dân vàng’ của mình để ép giá hợp đồng với giá rẻ mạt mà tôi cũng như nhiều lao động trí óc khác vẫn phải cam tâm.
Tôi cũng như mọi Công dân khác đã và đang sống trên đất nước này chỉ biết trong chờ vào sự bảo hộ của Luật pháp Nhà nước đối với quyền lợi của những người lao động mà đặc biệt là lao động trí óc nhưng ngay cả Hệ thống Pháp luật chưa định rõ được quyền lợi cho chúng tôi thì thử hỏi nếu bằng những phương thức làm việc tuân thủ theo đúng Pháp luật đã qui định thì quyền lợi mà chúng tôi được hưởng đâu có được là bao nhiêu!?
Đó cũng chính là lý do sâu xa để tôi trả lời được câu hỏi ‘Tại sao tôi đã từng trải nghiệm không dưới mười năm với rất nhiều Dự án và Công trình lớn nhỏ để có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện cũng như có thể thu hoạch được một nguồn lợi rất lớn về mặt Kinh tế, thế nhưng, thật sự tôi chỉ gặt hái được một nửa trong số đó tức là tôi chỉ mới thu hái được những thành quả khoa học và kỹ năng áp dụng vào thực tiễn những thành quả khoa học mới. Còn về lợi ích Kinh tế thì cho đến nay tôi vẫn bằng không, thậm chí còn bị về âm tức là thua lỗ’.
Tôi không chỉ là một người làm nghiên cứu Khoa học – Kỹ thuật và Công nghệ thuần tuý mà ngay từ bé tôi tự cảm nhận được mình có nhiều năng khiếu khác như ngoại ngữ, thơ văn và sử học nên ngay từ bé tôi đã nuôi nhiều hoài bão lớn và cũng cùng lúc làm rất nhiều thứ.
Tôi cảm nhận rằng sự sáng tạo Khoa học cũng có những khởi nguồn giống như cảm xúc sáng tác văn học: Tôi say sưa với những sáng tạo Khoa học khi trong tôi xuất hiện những ‘cảm hứng sáng tạo’ và khi bị đứt mạch thì một nguồn sáng tác khác lại xuất hiện cho những cảm xúc văn học... thì tôi lại quay sang sáng tác văn học cho đến khi dứt mạch của nó và lại xuất hiện một cảm hứng sáng tạo mới về Khoa học thì tôi lại trở về với công việc nghiên cứu Khoa học.
Cứ như vậy, trong gần hai mươi năm qua tôi đã luân phiên thay đổi kế hoạch và chương trình cũng như nội dung làm việc của mình theo từng mạch cảm hứng sáng tạo để rồi tất cả đều trong tình trạng đang được tiến hành thực hiện mà chưa hề có một ‘Công trình’ nào đi đến giai đoạn hoàn thiện: Tất cả đều đang dang dở và đang trên đà tiến đến sự hoàn thiện.
Tôi chỉ cảm nhận được rằng những gì mà tôi đã từng làm trong gần hai chục năm qua càng ngày càng được tôi đúc rút để trở thành những tinh tuý để có thể chiêm nghiệm lại những đúng sai của mình.
Tôi đã từng làm, từng viết rất nhiều và những gì mà tôi đã trải qua đã giúp được mình thấy được những non nớt ấu trĩ ban đầu của mình để rồi mình dần dần ‘trưởng thành’ hơn:
Tôi cũng tự hiểu rằng ‘Nhà văn lúc nhỏ cũng học văn’ để phải từ những cái sai sót ban đầu mà tạo dựng nên những cái đúng về sau.
Từ những bước đi lệch lạc ban đầu đã dần dần hướng định cho mình hướng đi đúng.
Tôi không ngần ngại với những vấp váp ban đầu của mình và cũng không tự chế giễu những sai sót và ấu trĩ của mình từ những khởi đầu của mình mặc dầu tôi không bao giờ bảo thủ với những gì mình đã vấp phải nhưng phải nhờ có nó mà mình đã tự so sánh được chính mình giữa những gì đã vấp phải trong khứ với những gì mình đang đạt được trong hiện tại cũng như dự liệu sẽ thành công trong tương lai sau này: Đó mới chính là điều cốt yếu nhất trong cuộc đời mà tôi tự chiêm nghiệm.
Mặc dầu vậy, không biết bao nhiêu đêm tôi đã ngủ gật bên bàn, trên những trang giấy đang dang dở chưa thành sách với những giọt nước mắt vì thấm đẫm những trang giấy vì những đắng cay của cuộc đời mình và vì phải kiên trì nhẫn nại với những công sức của mình đã bỏ ra:
Tâm huyết và công sức mà tôi từng bỏ ra quá nhiều mà cho đến tận giờ phút này mọi hoài bão của tôi từng ấp ủ và thực hiện trong suốt gần hai mươi năm qua vẫn chưa thành hiện thực.
Đôi lúc tôi vẫn biết mẹ tôi vẫn đứng sau lưng tôi dõi theo những việc mà tôi đang làm để rồi thảng thốt với một hơi thở dài khiến tôi cảm thấy não lòng: Tôi vẫn biết, mặc dầu mẹ tôi không than thở, không phàn nàn về tôi bởi mẹ tôi không muốn để tâm trí của tôi bị bấn loạn nhưng tôi hiểu rằng mẹ tôi buồn nhiều lắm bởi bất kỳ một người mẹ nào cũng không khỏi ngóng trông đứa con mình đã từng rứt ruột đẻ ra phải làm được một cái gì đó nên danh cho đời và thành đạt sự nghiệp.
Nên danh ư? Đâu phải chỉ là một cái danh hão huyền mà là một cái danh thực sự đúng nghĩa với những thành quả mà cả cuộc đời một con người biết lao động và sáng tạo một cách chân chính có thể đạt được mà với cái danh đó có thể giúp cho tôi tiếp tục vững bước trên con đường sự nghiệp chính thống của mình.
Nhìn những nếp nhăn trên gương mặt mẹ tôi, tôi không khỏi xót lòng vì thời gian đang úa dần trên thân hình gầy yếu của mẹ tôi. Tôi biết chắc rằng một ngày không xa nữa mẹ tôi cũng sẽ rời bỏ tôi và cõi đời này để trở về với cõi Vĩnh hằng mà tôi không biết rằng cho đến lúc ấy mình có làm nên danh vọng và sự nghiệp để mẹ tôi kịp vui trước khi trút hơi thở cuối cùng hay là tôi vẫn là một kẻ vô danh khiến cho mẹ tôi phải mang theo nỗi lòng khao khát về đứa con mình sang tận bên kia cõi đời!?
Thật là bất hiếu với mẹ nếu cuộc đời này mình không làm được gì có ích trước hết cho bản thân mình và sau đó là vì Xã hội;
Thật đáng nguyền rủa nếu trọn cuộc đời này mình vẫn chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt;
Thật là tàn nhẫn với chính bản thân mình nếu tự mình phải cam chịu số phận nghiệt ngã.
Có lẽ nào con đường mà mình đang đi đã bị chọn sai? Lỗ Tấn đã từng nói ‘Thực ra trên Thế gian này làm gì có sẵn một con đường nào, chẳng qua người ta đi mãi mà thành đường đó thôi!’ Vậy thì con đường mà ta chọn đâu có nghĩa là có thực ngay từ ban đầu và nếu không có thực thì làm gì có định nghĩa là sai hay đúng. Nếu vậy, không có lý do gì để tôi phải tự hối tiếc hay ân hận với những gì mà mình đã chọn.
Phải chăng mình chỉ được phép hối tiếc và ân hận nếu phải bỏ dở giữa chừng mà thôi: Nhất định, dù muốn dù không thì tôi vẫn phải bước tiếp trên con đường mà tôi đã chọn, cần phải đi qua những chặng đường mà tôi đã từng qua và cần phải hướng tới những chặng đường tiếp theo để ‘con đường’ mà tôi chọn sẽ trở thành một con đường thực sự mà tôi phải đi.
Tôi đã quyết không ân hận và hối tiếc với những gì mà tôi đã chọn và quyết sẽ tiếp tục cho đến cùng trên con đường mà tôi đã chọn.
Thật kỳ lạ thay con người chỉ là một sinh linh bé nhỏ của Vũ trụ nhưng những gì mà bộ óc của con người có thể tưởng tượng được là lập tức điều đó sẽ sinh ra trong Vũ trụ: Phải chăng đó là sức mạnh của sự hoang tưởng?
Không phải vậy, mà chính là nhờ sức mạnh của Khoa học và Lý trí của con người:
Hàng trăm năm trước con người chỉ mới tưởng tượng được Nguyên tử và cao siêu hơn thế là Hạt nhân của Nguyên tử nhưng trong những năm gần đây con người đã ‘sờ’ được những Hạt vô cùng nhỏ bé của Thế giới Siêu Hạt mà trước đó hàng chục năm con người cũng đã từng tưởng tượng ra.
Con người cũng từng tưởng tượng ra ma quỉ và ma quỉ cũng có thật trong Thế giới của loài người...
Con người tưởng tượng ra những điều thực thì những điều thực sẽ hiển hiện ra trước mắt con người và con người tưởng ra những điều hư thì những thứ hư vô cũng chập chờn hư ảo trước con mắt của con người.
Điều đó cũng có nghĩa rằng Ước mơ và Hoài bão trong mỗi con người luôn tồn tại một nửa hư và một nửa thực. Hư cũng đúng mà thực cũng đúng. Điều cơ bản mỗi một chúng ta phải tự nhận biết được đâu là hư và đâu là thực để hướng tới:
Nếu biết được phần thực thì chúng ta có thể hướng tới sự thành công nhưng nếu chúng ta chọn phải phần hư thì dĩ nhiên chúng ta rơi vào ảo vọng nhưng cũng chưa hẳn là đã sai bởi ‘mọi con đường rồi cũng đều qui tụ tại một điểm’ bởi Thế giới mà ta đang sống cũng đang hiện hữu một nửa hư và một nửa thực.
Cái thực có giá trị thực tiễn cho cuộc sống còn cái hư kia giúp ta hứa hẹn một tương lai cao xa và siêu thoát bởi chúng ta không chỉ cần cái thực cho cuộc sống hiện tại mà ta cũng cần phải có những cái hư cho một triển vọng mai sau./.
Hà nội 2005
Tác giả bài viết: Dr Trần Phúc Ánh
Lưu ý: Các bài viết trên in lại các trang web hoặc các nguồn phương tiện truyền thông khác không xác định nguồn http://tri-heros.net là vi phạm bản quyền